Việt Nam chuẩn bị nhân lực sẵn sàng đón “sóng” đầu tư mới từ Nhật Bản

“Việt Nam đang cấp thiết chuẩn bị đón “làn sóng” đầu tư từ doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp đến từ Nhật Bản nói riêng. Để đón đầu làn sóng này, thu hút các “đại bàng” đến làm tổ, cần có các giải pháp thích hợp, chuẩn bị kỹ lưỡng ở nhiều lĩnh vực như năng lượng, nguồn nhân lực, nguồn lực kinh tế…Trong đó, quan trọng và cấp thiết nhất là đào tạo nguồn nhân lực.”

Đó là phát biểu của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) trong cuộc họp về “Chuẩn bị nguồn nhân lực cho làn sóng đầu tư mới” do bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức vào chiều 20/1 tại Hà Nội.

Ông  Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng cục Đầu tư nước ngoài (Chính giữa) phát biểu tại cuộc họp

Đến dự cuộc họp có đại diện các ban, ngành liên quan cùng đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản như: Jetro, Canon, VCCI, Toyota…

Với vai trò đồng hành và kết nối, cuộc họp có thể xem là buổi gặp mặt, trao đổi, thảo luận chính thức đầu tiên trong việc triển khai công tác phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng khối các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Việt Nam đang “ nắm giữ” nhiều ưu thế

Trong bối cảnh năm 2020 đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp ghi nhận những suy giảm mạnh về tăng trưởng và hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của tất cả các nước trên thế giới, song hầu hết các đánh giá, dự báo về kinh tế Việt Nam là rất tích cực và nằm trong số hiếm hoi các nước vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP dương, với GDP cả nước tăng 2,91%.

“Cùng với đó là những ưu thế nổi trội so với các nước trong khu vực như nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chi phí nhân công ở mức rẻ, chất lượng nhân công tốt…Đã khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp Nhật Bản.” – Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hà Nội chia sẻ về “khẩu vị đầu tư” của DN Nhật Bản.

Cũng theo ông Hironobu Kitagawa, theo các cuộc khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là các DN vừa và nhỏ có số lượng cán bộ công nhân viên dưới 1000 nhân viên chiếm 83% thuộc 2 lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất. Trong đó,  Việt Nam cần chú trọng hơn đến đào tạo nhân lực trong lĩnh vực phi sản xuất.

Mặt khác, trên cương vị đại diện cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, ông Hironobu Kitagawa cũng bày tỏ kỳ vọng ở sự tăng trưởng của thị trường nội địa, tăng tỷ lệ xuất khẩu, mở rộng hoạt động sản xuất trong lĩnh vực bán hàng (dịch vụ), đồng thời nhấn mạnh rằng việc dịch chuyển sản xuất đối với các doanh nghiệp Nhật Bản không chỉ đơn thuần về mặt sản xuất mà còn là dịch chuyển về mặt thị trường, hàng hóa…

Đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quyết định “hướng đi” của làn sóng đầu tư

Toàn cảnh cuộc họp

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang là “điểm đến lý tưởng” cho các DN Nhật Bản, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay. Có thể nói, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có kỹ năng tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp chính là “chìa khóa mở cửa” thị trường Việt Nam cho DN Nhật Bản tiếp cận và đầu tư.

Nhìn nhận một cách khách quan, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến cho các DN phải “đau đầu”. Cụ thể, chi phí nhân công đang có xu hướng tăng , tỷ lệ lao động thôi việc khá cao, nguồn nhân lực phục vụ cho nguồn công nghiệp hỗ trợ còn chưa đáp ứng đc nhu cầu cả về số lượng và chất lượng…

“Vấn đề phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam phục vụ cho khối FDI là hết sức cấp thiết, đặc biệt với “đối tác” quan trọng như Nhật Bản” – Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhận định.

Năm 2020 ghi dấu những điểm nhấn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp như sự ra đời của Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề ra đời, chính thức lấy ngày 4/10 làm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam… thể hiện sự “mạnh tay”, quyết liệt của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh Quốc gia.

Trong đó, việc “bắt tay” với DN trong suốt quá trình từ xây dựng khung chương trình, đào tạo cho đến đánh giá chất lượng đào tạo…được chú trọng đặc biệt. Tổng cục trưởng cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, đáp ứng đủ số lượng cũng như chất lượng về nguồn lao động có kỹ năng tay nghề cho DN Nhật Bản.

“Hiện, Việt Nam có hơn 1000 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề…mỗi năm tuyển sinh hơn 2,2 triệu HSSV, trong đó có 130 ngành nghề trọng điểm như cơ khí, tự động hóa, điện điện tử, CNTT… phục vụ cho cách mạng công nghệ 4.0. Đặc biệt, Tổng cục GDNN đã xây dựng app “chọn nghề”, chia sẻ thông tin về hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam” – Cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết thêm.

“Bài giải” cho những vướng mắc còn tồn tại

“Lao động Việt Nam có nhiều ưu điểm như chăm chỉ chịu khó, có khả năng tiếp thu công nghệ mới nhanh. Tuy nhiên, cần khắc phục hơn về đào tạo nghề đặc biệt ở các ngành điện tử, vận hành máy, thiết kế đồ họa… kịp thời nắm được những đổi mới về công nghệ hiện đại nhằm bắt nhịp với hệ thống của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, NLĐ cần trau dồi hơn các kỹ năng mềm trong đó có kỹ năng làm việc nhóm cũng như trình độ ngoại ngữ…”- Bà Đào Thị Huyền – Phó Tổng giám đốc Canon cho biết.

Cũng trong cuộc họp, đại diện nhiều doanh nghiệp đã trao đổi, đưa ra nhiều đóng góp có tính xây dựng tích cực.

Đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản

Cụ thể, các bên liên quan cần tích cực hơn nữa trong việc tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu…tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn, nguyện vọng cũng như nhu cầu về sử dụng lao động. Theo đó, xây dựng chiến lược cụ thể bắt đầu từ việc đào tạo “cho đúng, cho trúng” những gì doanh nghiệp cần.

Đầu tư về trang thiết bị máy móc hiện đại, nguồn lực đào tạo giảng dạy trong các đơn vị, các trường…xây dựng môi trường tốt nhất cho HSSV học tập, trau dồi kiến thức.

Tạo điều kiện cho NLĐ học tập, tu nghiệp tại các công ty mẹ tại Nhật Bản. Không chỉ dừng lại ở hình thức xuất khẩu lao động phổ thông, các DN bày tỏ mong muốn, đào tạo được lao động Việt Nam có trình độ cao, có kiến thức, kinh nghiệm, trực tiếp để quay về phục vụ cho đất nước cũng như các DN Nhật Bản tại Việt Nam.

Bộ phận nhân lực này có khả năng đào tạo lại kỹ năng cho những lao động khác, tạo nên một hệ thống “người trước đào tạo người sau” trong chính các DN. Tận dụng những kỹ năng, kinh nghiệm của lao động đã làm việc tại Nhật Bản.

Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở dữ liệu về lao động Việt Nam tại nước ngoài nhằm kết nối hỗ trợ lao động với doanh nghiệp. Công nhận kỹ năng trình độ cho lao động phổ thông đã làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp tại Nhật Bản, tạo điều kiện công việc phù hợp cho lao động sau khi về nước (làm việc tại các nhà máy của Nhật Bản tại Việt Nam).

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế - khu vực ASEAN- về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức Nhà trường hiện nay là 78 người.Trường có 6 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các khoa cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.

Nguồn Nghenghiepcuocsong.vn

Bình luận