Đào tạo nghề trong thời điểm dịch Covid-19: Chủ động thích ứng
Đặc thù của giáo dục nghề nghiệp là học lý thuyết tại trường kết hợp với thực hành tại xưởng, nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, do yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 cần tránh tập trung đông người nên việc tổ chức đào tạo nghề thời điểm này cũng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chủ động thích ứng nhằm đạt hiệu quả cao trong đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn...
Nâng cao tính sáng tạo
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho thấy, toàn thành phố hiện có 370 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp với hơn 150.000 học sinh, sinh viên theo học. Đến ngày 3-3, đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã đón học sinh trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ để phòng dịch. Vừa dạy học, vừa phòng, chống dịch, nhiều trường đã chủ động triển khai những hình thức, phương pháp đào tạo linh hoạt, phù hợp nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Hoạt động với tinh thần 5S: Sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng, hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội (huyện Đông Anh) đều được tuyên truyền và nắm vững các kiến thức, kỹ năng giữ gìn vệ sinh môi trường giáo dục. Trở lại học tập sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch bệnh, thầy và trò Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội vừa chú trọng bảo đảm an toàn cho bản thân, cộng đồng, vừa tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã xây dựng giáo trình online và triển khai giảng dạy thí điểm trực tuyến một số môn học có nhiều nội dung lý thuyết như vẽ kỹ thuật, kỹ thuật điện, tiện, phay, bào, ô tô…, để tránh tập trung đông người. Giờ học thực hành được sắp xếp linh hoạt, giúp người học không phải sử dụng chung máy móc, thiết bị trong cùng thời điểm.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Công Truyền, việc tổ chức đào tạo nghề trong bối cảnh dịch Covid-19 là cơ hội để đội ngũ giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo, nhằm xây dựng các bài giảng dễ hiểu, dễ tiếp thu. Còn sinh viên có điều kiện làm quen với phương pháp học tập mới.
Tổ chức dạy trực tuyến, sắp xếp cho sinh viên thực hành theo nhóm nhỏ 2-3 người cũng được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác trên địa bàn Hà Nội thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Để đáp ứng được yêu cầu đào tạo, các nhà trường đã khai thác tối đa hệ thống cơ sở vật chất hiện có, phối hợp với các cơ sở liên kết đào tạo, doanh nghiệp đưa sinh viên đến thực hành; đồng thời yêu cầu đội ngũ giáo viên tăng số giờ giảng dạy. Sinh viên Vũ Ngọc Hiếu, lớp Điện CN1, Khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (quận Đống Đa) chia sẻ, việc học thực hành theo nhóm nhỏ giúp sinh viên có điều kiện tương tác với giáo viên nhiều hơn. Đó cũng là giải pháp giữ vệ sinh môi trường giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm an toàn lao động.
Phát huy nội lực để hoàn thành mục tiêu
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù các trường có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa hết những khó khăn. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Tài chính Hà Nội (quận Hà Đông) Vương Anh Tuấn cho biết, học sinh của các trường trung cấp chủ yếu là đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở. Học sinh học văn hóa song song với học nghề, nên khó đưa ra chương trình đào tạo phù hợp trong thời điểm này bởi theo hướng dẫn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hoạt động trở lại từ ngày 2-3, nhưng học sinh phổ thông vẫn tiếp tục nghỉ học đến khi có thông báo mới. Điều này khiến kế hoạch đào tạo của Trường Trung cấp Kinh tế - Tài chính Hà Nội bị xáo trộn.
Trong khi đó, việc gắn kết với các cơ sở thực hành để triển khai đào tạo nghề cũng bị gián đoạn. “Thời gian qua, chúng tôi phải tạm ngừng việc đưa sinh viên đến học tập, thực hành tại doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp đối tác phải bổ sung lực lượng lao động thay thế trong thời gian sinh viên tạm nghỉ. Vì vậy, một số môn học thực hành sẽ bị chậm thời gian hoặc thay đổi địa chỉ đào tạo”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Trưởng phòng Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội (quận Cầu Giấy) phản ánh. Để khắc phục bất cập nêu trên, bà Nguyễn Thị Hằng Nga mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề.
Về vấn đề này, bà Vương Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Nguồn nhân lực Tân Việt, đơn vị kết nối giữa sinh viên của nhiều trường nghề trên địa bàn Hà Nội đi thực tập tại Công ty Honda Việt Nam (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, nếu có nguồn nhân lực tốt, các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận sinh viên vào thực tập, làm việc. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên chủ động nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời kết nối với doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực để liên kết đào tạo.
Dưới góc nhìn nghiên cứu, ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập đơn vị đào tạo trực tuyến FUNiX cho rằng, nếu nhìn theo hướng tích cực, thì đây là thời điểm để hệ thống giáo dục nghề nghiệp “có bước chuyển mình” bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào giảng dạy, đào tạo. Do đó, các cơ sở giáo dục nên mạnh dạn đổi mới.
Còn ở góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, năm 2020, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo nghề cho ít nhất 210.000 lượt người, trong đó có 70.000 chỉ tiêu hệ cao đẳng, trung cấp. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sở đã xây dựng các phương án; trong trường hợp dịch kéo dài, các đơn vị liên quan cố gắng phát huy nội lực để hoàn thành tối thiểu 90% chỉ tiêu đào tạo nghề. Trước mắt, các cơ quan, đơn vị cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhằm bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học.
Theo Hanoimoi.