Tổng kết đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc

Sáng ngày 14/01/2020, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội nghị Tổng kết đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo cục nghề nghiệp, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; đại diện các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; đại diện Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, lãnh đạo học Viện Chisholm, Úc; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng 25 trường cao đẳng thực hiện thí điểm đào tạo nghề Úc và một số trường cao đẳng khác trên cả nước; đại diện sinh viên một số trường cao đẳng tham gia chương trình đào tạo thí điểm.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết Đảng, Chính phủ luôn xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện chủ trương đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012 -2015. Triển khai Quyết định số 371 của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 1809/QĐ-BLĐTBXH ngày 09/12/2015 về đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc. Với sự đồng hành của Học viện Chisholm và các cơ quan tổ chức liên quan, đến nay, việc chuyển giao chương trình và đào tạo thí điểm đã kết thúc, đạt mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Mặc dù trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, thách thức khi tiếp cận với trình độ và công nghệ đào tạo quốc tế nhưng các trường thụ hưởng và nhất là đội ngũ các thầy giáo, cô giáo của 25 trường đã nỗ lực hết mình để hoàn thành mục tiêu, thực hiện thành công chương trình đào tạo thí điểm. Thành công của chương trình này không chỉ là hơn 700 sinh viên tốt nghiệp với tỷ lệ khá giỏi chiếm tới 90%, được cấp bằng Úc và Việt Nam; sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn, ngoại ngữ mà còn là khẳng định, định hình mô hình đào tạo mới, tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bên cạnh đó, công nghệ đào tạo tiên tiến có được từ chương trình đào tạo thí điểm sẽ tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng. Phó Tổng Cục trưởng cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương có trường tham gia đào tạo thí điểm, sự đồng hành của Học viện Shisholm, Công ty Cổ phần tiến bộ (AIC), sự cố gắng, nỗ lực của các trường tham gia thí điểm. 

Tại Hội nghị, theo báo cáo tổng kết đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo bộ chương trình chuyển giao từ Úc do ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy trình bày thì 12 bộ chương trình này là 12 bộ chương trình chất lượng cao cấp độ quốc tế đầu tiên của Việt Nam theo phương thức chuyển giao, đã được kiểm nghiệm trong thực tế qua việc đào tạo thí điểm và sẽ tiếp tục được triển khai tổ chức đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Qua việc chuyển giao chương trình, các trường tham gia đào tạo thí điểm đã tiếp cận được phương pháp xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn năng lực nên có thể vận dụng vào việc xây dựng, điều chỉnh, phát triển các chương trình đào tạo khác của trường. Qua triển khai đào tạo thí điểm, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường tham gia thí điểm đào tạo được tăng cường, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng theo quy định của học viện Chisholm và Chính phủ Úc; gần 300 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại Úc, có năng lực chuyên môn nghề nghiệp tốt, năng lực ngoại ngữ được nâng cao, đủ điều kiện giảng dạy các chương trình đào tạo chất lượng cao, trong môi trường quốc tế và trước mắt có thể thực hiện các khóa học, các chương trình tiếp theo chương trình chuyển giao. Đội ngũ giáo viên được đào tạo tại Úc tham gia đào tạo chương trình chuyển giao sẽ trở thành những giáo viên hạt nhân, thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng nhân rộng cho đội ngũ nhà giáo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Về kết quả đào tạo: Tính đến tháng 12/2019 toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo với 724 sinh viên tốt nghiệp, đạt tỷ lệ 100% trong đó tỷ lệ tốt nghiệp xếp loại khá giỏi chiếm 90%. Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thí điểm được cấp bằng cao đẳng của Úc và bằng cao đẳng của Việt Nam. Ngoài kỹ năng tay nghề được quốc tế công nhận, năng lực ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo thí điểm đạt trình độ tiếng Anh trình độ B1 trở lên đến B2 theo khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu.

Theo thống kê, ngay sau khi tôt nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn, đã có 477/724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó có 40 em đã đi làm hoặc đang hoàn thiện thủ tục đi làm việc ở nước ngoài; 214 em làm việc trong các công ty liên doanh nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, 204 em làm việc tại các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp khác của Việt Nam; 19 sinh viên tự khởi nghiệp, một số em đã tự nguyện ở lại trường để trở thành những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp,…Có thể nói đây là minh chứng khẳng định đúng đắn của việc chuyển giao các chương trình đào tạo từ nước ngoài, định hình nên một mô hình đào tạo mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương và Xã hội chúc mừng chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề chuyển giao từ Úc đã kết thúc thành công và đánh giá cao sự nỗ lực của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, các trường, đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo thí điểm đã vượt qua nhiều khó khăn trong quá trình chuyển giao và thực hiện chương trình thí điểm như trình độ ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên còn nhiểu hạn chế, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các trường thực hiện đào tạo thí điểm trước công nghệ đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị,..Chúng ta vừa thực hiện chuyển giao vừa có sự điều chỉnh cho phù hợp. Có thể nói 12 nghề đào tạo thí điểm chuyển giao từ Úc là các nghề mà trong nước đang có nhu cầu. Công nghệ đào tạo tiên tiến có được từ tiến trình thực hiện 12 nghề chuyển giao cần được triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Tổng Cục trưởng cũng khẳng định, với các chương trình chuyển giao từ Úc, Đức đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp từ khâu xây dựng, chuẩn hóa chương trình đào tạo, đánh giá kết quả, chuẩn nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, chuẩn cơ sở vật chất thiết bị đào tạo,…đặc biệt là đối với người học, được tiếp cận với các chuẩn kỹ năng của các nước tiên tiến. Tổng Cục trưởng đề nghị các trường tiếp tục báo cáo, đánh giá toàn diện công tác đào tạo thí điểm và có hướng để xuất việc triển khai nhân rộng chương trình. Tổng Cục trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục tiếp tục báo cáo và tổng hợp đánh giá mô hình đào tạo này và đề xuất triển khai trong thời gian tới. Tổng cục sẽ tham mưu cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nguồn kinh phí cho các trưởng triển khai nhân rộng việc tuyển sinh đào tạo các nghề chuyển giao tiên tiến của Úc, Đức.

 

TCGDNN

 

Bình luận