Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đổi mới mạnh mẽ giáo dục nghề nghiệp!
“Năm 2020, một trong những trọng tâm của ngành sẽ là tiếp tục đột phá, đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành thị trường lao động hiện đại, thông suốt, hội nhập”.
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ ngày đầu năm mới 2020.
Nhiều giải pháp "đột phá"
* Bộ trưởng có thể cho biết năm 2020 ngành lao động sẽ tập trung, ưu tiên vào những lĩnh vực gì?
- Năm 2020, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động trên nhiều phương diện, toàn ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung triển khai toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành; triển khai thể chế hóa các nghị quyết của trung ương về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội, xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động để bộ luật kịp thời đi vào cuộc sống.
Trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.
Bộ tiếp tục phương châm hành động "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả" với 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tập trung cho công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống luật pháp về lao động, người có công và xã hội bảo đảm tính đồng bộ, hiện đại, khả thi và hội nhập quốc tế.
Đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động; tăng nhanh tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam... Thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường.
Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cuối cùng là đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội.
* Vậy Bộ LĐ-TB&XH có giải pháp gì cho việc "đột phá" để đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao?
- Về mục tiêu tổng thể trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, chúng tôi đã đề ra 15 giải pháp cơ bản, quan trọng để hoàn thành trong năm 2020. Công tác giáo dục nghề nghiệp cần gắn kết với doanh nghiệp, với nhu cầu của thị trường, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây là nền tảng, điều kiện cốt lõi đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Riêng về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ có những chương trình để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; chuyển giao các bộ chương trình, giáo trình tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; kết nối đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
* Năm 2020 cũng là năm của "mùa đại hội". Bộ trưởng nghĩ sao khi người dân cũng như các doanh nghiệp lo ngại các cơ quan, nhất là người đứng đầu, sẽ có tình trạng "nằm im" chờ đại hội?
- Năm 2020 là năm có rất nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời cũng là năm triển khai đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ngành LĐ-TB&XH coi đây là thời cơ để phát triển tốt các lĩnh vực công tác của ngành và để làm tốt hơn công tác an sinh xã hội.
Từ trung ương tới địa phương sẽ tiếp tục kiên định các giải pháp vừa quyết liệt vừa linh hoạt với nhiều đổi mới, sáng tạo. Từ đó làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn, góp phần ổn định lòng dân, phát huy đại đoàn kết dân tộc.
Chắc chắn sẽ không có tình trạng "nằm im" chờ đại hội, mà ngược lại, phải làm tốt hơn năm 2019. Tôi cho rằng ở nơi nào các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức càng dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc người dân, quyết liệt trong hành động để làm tốt công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thì ở đó sẽ có được sự ổn định trong dư luận. Từ đó người ứng cử ở đấy sẽ đón nhận được nhiều tình cảm, sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân.
* Lĩnh vực của bộ có liên quan từ trẻ em đến người già, từ dạy nghề, việc làm đến bảo hiểm xã hội, từ người lao động đến doanh nghiệp, từ người nghèo đến các gia đình chính sách, người có công... Năm 2020, cá nhân bộ trưởng có thông điệp gì với các đối tượng nêu trên?
- Các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành LĐ-TB&XH thực hiện đều có sự liên quan mật thiết tới đời sống của nhân dân cả hiện tại và tương lai, như nhà báo đã đề cập.
Với vai trò quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực như vậy, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành LĐ-TB&XH đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực phát huy tối đa khả năng của mình trong những năm qua với mục tiêu phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, là động lực, là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ trong việc phát triển đất nước. Đồng thời để có được kết quả như vậy không thể không kể đến một yếu tố rất quan trọng, đó chính là "niềm tin, sự đồng hành và chia sẻ" của cử tri và nhân dân đối với chúng tôi suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách trong thời gian qua.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu "Nhà nước kiến tạo phát triển". Chúng tôi sẽ chủ động đổi mới và sáng tạo để phục vụ người dân, doanh nghiệp, vì sự ổn định xã hội, đem lại sự hài lòng của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
“Lĩnh vực giải quyết tồn đọng việc xác nhận, công nhận người có công với cách mạng được triển khai quyết liệt, hơn 3 năm đã rà soát trên 6.000 hồ sơ tồn đọng. Qua đó, ngành đã xác nhận, công nhận trên 2.000 liệt sĩ, hơn 2.600 thương binh, trong đó có những liệt sĩ hi sinh đã hơn 70 năm.
Hiện nay, ngành LĐ-TB&XH tiếp tục mở rộng phạm vi xử lý đến cấp huyện, cấp xã và trong nhân dân. Đến thời điểm này có 8 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có tồn đọng...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Chính sách chăm lo cho người nghèo luôn được chính quyền các cấp quan tâm. Trong ảnh: bà Trần Thị Kim Duyên, tổ trưởng khu phố, thăm một gia đình nghèo ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Năm 2019, ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành tốt 3 mục tiêu đột phá về: xây dựng thể chế, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị trường lao động. Ngoài ra, ngành LĐ-TB&XH cũng đã ưu tiên giải quyết tốt tồn đọng trong công tác xác nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Và trong năm qua, ngành cũng hoàn thành cả 3 chỉ tiêu do ngành làm thường trực, góp phần cùng cả nước hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Cụ thể, đó là tỉ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị khoảng 3,12% (so với chỉ tiêu 4%); tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 24%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,3% (so với cuối năm 2018), riêng các huyện nghèo giảm gần 5%.
Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là điểm sáng được quốc tế ghi nhận đã hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ. Theo tiêu chí của Liên Hiệp Quốc, tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam chỉ còn 1,45%.
Báo Tuoitre.vn