Xu hướng học nghề tăng nhanh ở giới trẻ

Trong vài năm trở lại đây, xu hướng chọn trường nghề đang được giới trẻ nhìn nhận và thay đổi để bắt kịp với những đổi mới của nền kinh tế trong nước và trên thế giới.  

Với mức điểm thi THPT là 23,5 điểm, em Nguyễn Văn Thật (Nam Định) có khả năng đỗ vào các trường ĐH là khá cao, tuy nhiên em lại chọn cho mình một trường nghề. Theo em, học trường nghề hiện nay cơ hội tìm được việc làm là dễ dàng thậm chí còn có thể có mức lương khá cao sau khi tốt nghiệp.

Thực trạng một bộ phận khá lớn sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm và có hơn 60% tân cử nhân các trường ĐH ở Việt Nam chấp nhận những công việc trái ngành, hoặc phù hợp cho trình độ thấp hơn (CĐ, trung cấp), trong khi nhu cầu về lao động có tay nghề lại thiếu, thì sự lựa chọn con đường học vấn đã bắt đầu có nhiều thay đổi.

Hiện có xu hướng học sinh không lựa chọn ĐH mà chuyển hướng sang học nghề, điều này thể hiện ngay trong số lượng thí sinh đăng ký thi THPT chỉ để lấy kết quả tốt nghiệp gia tăng. Ngoài ra còn khá nhiều thí sinh có đăng ký để lấy kết quả ĐH nhưng cũng chỉ dùng kết quả đó để học nghề. Bởi học nghề thời gian ngắn, ít tốn kém, ra trường dễ tìm việc làm.

xu huong hoc nghe tang nhanh o gioi tre
GDNN Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Xu hướng học nghề đang ngày một gia tăng là tín hiệu tích cực, một kết quả tốt trong phân luồng sau THPT ở nước ta hiện nay. Cùng với sự phát triển ngày càng hoàn thiện hơn của thị trường lao động, tinh thần khởi nghiệp của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh ngày càng có sự lựa chọn phù hợp hơn, không cố sức vào ĐH mà đã cân nhắc rất cẩn thận việc học cấp nào, trường nào, ngành gì để đáp ứng yêu cầu nhu cầu tuyển dụng lao động…

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, số học viên học nghề tính tới thời điểm cuối năm 2017, đầu 2018 đã lên tới 2 triệu học viên, con số này hứa hẹn sẽ tăng thêm nhiều lần nữa trong năm 2019 vì học nghề đã và đang trở thành một xu hướng của rất nhiều bạn trẻ. Được biết, Bộ cũng sẽ thực hiện 10 giải pháp lớn để thúc đẩy và thu hút học viên học nghề, đặc biệt là tuyên truyền đến học viên, phụ huynh để tạo tâm lý học nghề là rất bình thường.

Một số báo cáo khác còn chỉ ra, rất nhiều bạn trẻ mong muốn học nghề ngắn hạn về các lĩnh vực ẩm thực, du lịch, nhà hàng, khách sạn, điện dân dụng, thẩm mỹ với thời gian học ngắn, nhanh ra nghề và dễ tìm kiếm được việc làm, sớm ổn định cuộc sống.

Trên thực tế, việc học nghề ngắn hạn có thể xem như một lựa chọn sáng suốt trong thời điểm này. Khi mà thị trường việc làm đang thừa thầy thiếu thợ, thì những bạn trẻ có tay nghề được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn chính là đối tượng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm. Không chỉ vậy, nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay còn kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hoặc nếu không ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào thì với những ngành nghề được đào tạo, bạn trẻ cũng có thể tự mình khởi nghiệp với sức khỏe, bản lĩnh và tay nghề của mình.

Bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: “Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có bước chuyển biến tích cực; kỹ năng của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%”.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hà, một trong những hạn chế của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là cơ cấu trình độ đào tạo nghề nghiệp chưa hợp lý. Nhiều cơ sở GDNN chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng và chưa đáp ứng trúng nhu cầu của DN, yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế. Con số ít ỏi dưới 25% lao động Việt Nam có chứng chỉ đào tạo nghề đang là thách thức trong việc đi tìm giải pháp bứt phá cho lĩnh vực GDNN.

Trước yêu cầu phát triển GDNN trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa, GDNN Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH thì 75% sinh viên trường nghề sau khi ra trường đều có việc làm và thu nhập ổn định. Điều đó cho thấy việc làm là nguyên nhân chính dẫn đến sự dịch chuyển xu hướng này.

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: “Sẽ phải có những nghiên cứu, những dự báo về xu hướng của thị trường, nhu cầu tuyển dụng và những thông báo đó sẽ được truyền tải đến đông đảo công chúng để biết được là nhu cầu của thị trường là như thế này, nên học công việc này, học nghề này để có việc chứ tất cả ngồi văn phòng thì chắc chắn kinh tế không thể tăng trưởng được và cũng chả có đất nước nào tuyển dụng tất cả để ngồi văn phòng. Nhưng quan trọng nhất là nhận thức xã hội thay đổi thái độ đối với công việc, đối với nghề nghiệp”.

Để có thể bắt kịp với những thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, giới trẻ cần phải bổ sung các kỹ năng bổ trợ như: kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ, vi tính... Ngoài ra, cần phải thay đổi nhận thức không chỉ có một con đường duy nhất là phải vào ĐH mới thành công khi lập nghiệp.

Theo Báo phapluatxahoi.vn

Bình luận