Xu hướng cử nhân, thạc sĩ đi học thêm kỹ năng nghề
"Liên thông ngược" đang dần thành xu hướng
Anh Nguyễn Sỹ Hiền (37 tuổi) tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng chuyên ngành kế toán từ năm 2006, sau đó về quê ở Bình Phước làm việc cho chi nhánh của một tập đoàn viễn thông. Dù có công việc ổn định, thu nhập khá nhưng Hiền lại thích làm bánh.
Trong thời gian làm việc tại đây, anh lân la học làm bánh rồi bán bánh online. Sau đó, để chuyên tâm với công việc yêu thích, anh nghỉ làm, đi học tại các lớp dạy làm bánh chuyên nghiệp để nâng cao tay nghề rồi khởi nghiệp bằng tiệm bánh khá lớn tại Bình Phước.
Theo các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, lao động có bằng cấp cao quay trở lại trường nghề để học kỹ năng nghề như anh Hiền ngày càng nhiều.
Thạc sĩ Vương Ngọc Bảo Hà, Trưởng Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, chia sẻ: "Hiện đang có xu hướng liên thông ngược, tức là những người có trình độ cao, có bằng thạc sĩ, cử nhân lại đến các trường trung cấp, cao đẳng để học thêm kỹ năng nghề".
Theo Thạc sĩ Bảo Hà, có thể ban ngày giảng viên trình độ thạc sĩ đứng trên giảng đường để dạy các giáo viên trường nghề đang theo học chương trình đại học, cao học... Nhưng tối đến, họ lại đến trường nghề để học kỹ năng nghề do chính sinh viên của mình đứng lớp.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, khẳng định hiện tượng này không hiếm gặp. Ngay trong năm học này, trường ông cũng có nhiều thạc sĩ theo học các lớp kỹ năng nghề sơ cấp, trung cấp, nhất là nghề bếp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Lê Thị Riêng, cũng cho biết: "Tại trường Trung cấp Lê Thị Riêng, năm nào cũng có thạc sĩ, cử nhân đăng ký học các lớp dạy nghề sơ cấp, trung cấp. Trong đó, nghề làm móng và bán hàng online trình độ sơ cấp được rất nhiều người có bằng cấp cao theo học".
Kỹ năng nghề ngày càng quan trọng
Theo Thạc sĩ Vương Ngọc Bảo Hà, sở dĩ nhiều người bằng cấp cao vẫn đi học nghề vì thị trường lao động hiện nay có mức độ cạnh tranh rất cao, đòi hỏi lao động phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, am hiểu kỹ năng mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Mà trong thời đại công nghệ, kỹ năng lao động thay đổi từng ngày, giáo trình các trường đại học khó lòng cập nhật kịp nên nhiều cử nhân ra trường phải quay lại trường nghề học các khóa ngắn hạn, bổ túc những kỹ năng làm việc cụ thể để đáp ứng công việc.
Bà đơn cử kinh nghiệm tại trường Cao đẳng Bạc Liêu, những ngành yêu cầu cọ xát thực tế rất nhiều như kế toán, nuôi trồng thủy sản bậc trung cấp thường có nhiều cử nhân cùng ngành đăng ký học để bổ sung kỹ năng nghề thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu công việc họ đang làm, hoặc tìm kiếm việc làm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, hiện tượng cử nhân, thạc sĩ quay trở lại học nghề có nhiều lý do như cần thêm kỹ năng theo nhu cầu công việc; phát hiện nghề mình học không phù hợp với bản thân nên chuyển đổi; hay đơn giản là ngành học của mình hiện khó cạnh tranh, cần học ngành mới để tìm việc làm...
Một nguyên nhân quan trọng khác là thị trường lao động Việt Nam hiện nay vẫn có nhu cầu lao động trình độ nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) rất lớn, khoảng 70% tổng cầu lao động, nhưng số lượng đào tạo còn hạn chế.
Trong khi đó, nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên chiếm tỷ lệ nhỏ (từ 15-20%) nhưng lại được đào tạo rất nhiều, dẫn đến tình trạng cạnh tranh việc làm gay gắt và nhiều cử nhân thất nghiệp, làm trái ngành.
Những lý do trên cho thấy thị trường lao động ngày càng coi trọng kỹ năng nghề nghiệp hơn là bằng cấp, doanh nghiệp chỉ cần lao động làm được việc chứ không cần biết có bằng cấp cao hay thấp.
Người lao động không muốn bị đào thải phải tự biết nâng cấp trình độ bản thân, thường xuyên học thêm các kỹ năng mới theo nhu cầu công việc.
Do đó, những khóa đào tạo kỹ năng nghề ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp của trường nghề đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực quốc gia.
Nguồn Dantri.com.vn