Tự học và học suốt đời mới trở thành Xã hội học tập
Ngày 30/6, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học và liên hệ bản thân" nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Bác.
hát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ: "Hội Khuyến học Việt nam được giao nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc thúc đẩy xây dựng xã hội học tập. Đó là một xã hội mà trong đó ai cũng phải tự học, học suốt đời, học một cách tự giác và xã hội phải tạo điều kiện và cơ hội để mọi người thực hiện được ước mơ của mình, được học thường xuyên, học suốt đời.
Trong thời kỳ xã hội phát triển tiến tới xã hội số, nền kinh tế kết nối thông qua các thiết bị hiện đại, nếu từng người trong mỗi chúng ta không ý thức được điều đó thì chính bản thân sẽ bị tụt về phía sau trong khi tuổi đời còn khá trẻ, khi đó những kiến thức mình có thì xã hội không chấp nhận vì quá lạc hậu.
Chính vì nhìn nhận rõ vấn đề đó và muốn không bị tụt hậu trong kỷ nguyên số, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết và các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự học trong nhân dân để đến năm 2025 Việt Nam trở thành đất nước có nền kinh tế số đứng tốp đầu trong khối ASEAN. Để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam phải trở thành Xã hội học tập và không có con đường nào khác là mỗi người phải tự học và học suốt đời".
GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Do đó, nhân ngày 19/5, kỷ niệm 131 năm ngày sinh nhật Bác, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: "Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học và liên hệ bản thân" để mỗi người từ bài học của Bác, soi chiếu vào bản thân, rút ra những "điểm nóng" cần giải quyết cho chính bản thân mình về học và tự học, để xứng đáng là người làm khuyến học đang tự tin bước trên con đường mình đang đi.
Trên con đường ấy, mình đã đi vững chưa, liệu có bị làn gió công nghệ số đẩy ngã? Ngã rồi, có đứng dậy được không? Bằng cách nào? Hãy học Bác - Tự học sẽ giúp chúng ta, vì học không bao giờ là muộn, tự học và học suốt đời như Bác đã học để tạo nên Hồ Chí Minh vĩ đại - danh nhân văn hóa thế giới, lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam.
Trình bày tham luận "Tự học thành tài" - GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho hay: Trong 20 năm qua, tôi dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu xã hội học tập. Chính tư tưởng về học tập suốt đời và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ánh sáng soi đường cho tôi trong toàn bộ quá trình tìm kiếm mô hình xã hội học tập phù hợp với điều kiện đất nước hiện nay, tiếp cận với xu thế của thế giới hiện đại".
Theo ông, xã hội học tập đòi hỏi con người phải học tập suốt đời. Để học tập suốt đời, con người phải kết hợp được học tập với tự học, trong đó, tự học phải là phương thức chủ đạo.
Toàn cảnh hội thảo khoa học.
TS. Lê Thị Mai Hoa - Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, tấm gương về tự học và học tập suốt đời của Bác cần được vận dụng sâu sắc vào công tác của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
"Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay đòi hỏi mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với biến đổi của xã hội.
Nhà giáo và cán bộ giáo dục phải không ngừng học tập suốt đời, tự học tập và bồi dưỡng kết hợp với chủ động tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng cập nhật các vấn đề mới về giáo dục gắn với nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, phải có tâm huyết với nghề và coi tự học là nhu cầu, thói quen hành vi hàng ngày, là một tiêu chuẩn, một giá trị đạo đức".
Mang đến hội thảo tham luận "Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay", nữ sinh Đặng Vũ Ngọc Mai - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam và TS. Bùi Quang Tuyến - Học viện Viettel, Tập đoàn Công nghệ viễn thông Quân đội đề cập đến việc không để mặt trái của mạng internet, công nghệ lôi kéo, phân tán, ảnh hưởng đến thời gian, năng suất, kết quả học tập, lao động, đặc biệt là với đối tượng giới trẻ.
"Thống kê cho thấy tỷ lệ người Việt Nam sử dụng internet, mạng xã hội hiện nay là rất cao, kéo theo việc lạm dụng thời gian học tập, thời gian làm việc vào tán gẫu, chơi game, lướt web, gây xao lãng nhiệm vụ chính và lãng phí tài nguyên chung. Đây thực sự là một vấn đề rất đáng lưu tâm của toàn xã hội trong đó có giới trẻ.
Do đó, một thế hệ trẻ thông minh, bản lĩnh cần biết khai thác mặt ưu của công nghệ, của hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội phục vụ cho học tập đặc biệt là việc tự học. Đồng thời biết kiểm soát giới hạn bản thân để không bị lôi kéo, sa đà và ảnh hưởng tiêu cực của những kênh thông tin, trò chơi, trào lưu trên mạng", em Ngọc Mai phát biểu.
Em Đặng Vũ Ngọc Mai, học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Kết luận hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, hội thảo đã thành công tốt đẹp với 10 ý kiến tham luận rất tâm huyết.
Có thể tổng kết kết quả hội thảo qua 5 bài học lớn như sau:
Một là, bài học sâu sắc mà Bác Hồ đã để lại cho chúng ta về học và học tập suốt đời mãi mãi trường tồn. Con đường tự học của Bác đã khẳng định bài học mang tính chân lý. Đó là chỉ có học, học suốt đời, tự học mới thành công.
Thứ hai, muốn thành công và tự tin bước trên con đường mình đang đi, hoàn thiện nhân cách thì chỉ có con đường tự học, học suốt đời ở mọi nơi mọi lúc, mọi bối cảnh, mọi người.
Thứ ba, chỉ có sự quyết tâm cao độ vượt mọi khó khăn gian khổ, chủ động sáng tạo trong học tập bằng mọi hình thức và tự động sáng tạo trong học tập mới có sự chủ động sáng tạo trong công việc.
Thứ tư, phải có động cơ học tập, kế hoạch và phương pháp học tập cụ thể, khoa học như bài học mà Bác Hồ đã đề ra thì mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động nhất là bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến từng người, từng gia đình và từng vị trí công việc.
Thứ năm, những bài học liên hệ vào bản thân và liên hệ vào các lĩnh vực đại biểu đang làm việc và những bài tham luận đã in trong kỷ yếu đều là những bài học rất đáng trân trọng. Nó có thể giúp chúng ta áp dụng vào thực tế của mỗi người. Và đặc biệt, với tinh thần quyết tâm, sự sáng tạo, sự ham học, học từ sự thấu hiểu, học từ sự quan sát, học ở mọi nơi, mọi lúc và vượt khó để học và thành công.
"Chúng ta phải thúc đẩy sự học trong mọi tầng lớp vì chỉ có học với phát triển bền vững, mới thực hiện được mục tiêu của từng người và góp phần thực hiện được khát vọng học tập của dân tộc và Bác Hồ kính yêu", GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.
Nguồn dantri.com.vn