Trường nghề tận dụng nguồn lực doanh nghiệp để chuyển đổi số

Chuyển đổi số là định hướng chiến lược của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong 10 năm tới. Tuy nhiên, với nhiều trường nghề thì đây là nhiệm vụ khó khăn nếu không biết tận dụng nguồn lực xã hội.

Ngày 30/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số trong GDNN đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030".

Mục tiêu của chương trình là thực hiện ứng dụng công nghệ số trong chương trình đào tạo nghề, hệ thống quản lý trường học và các dịch vụ công trực tuyến.

Muốn thực hiện chương trình này, các trường phải đầu tư từ cơ sở hạ tầng thiết bị cho đến phần mềm quản lý, hệ thống dữ liệu giáo trình ảo cho đến nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Theo ông Lâm Văn Quản, Chủ tịch Hội GDNN TPHCM, chuyển đổi số trong các cơ sở GDNN là vấn đề mà các trường nghề thành viên của Hội GDNN bàn thảo nhiều trong thời gian qua.

Đây là xu hướng bắt buộc phải chuyển đổi, không chỉ là ứng phó với tình hình dịch Covid-19 mà còn để bắt kịp sự phát triển của nền công nghiệp 4.0.

Qua quá trình thảo luận của lãnh đạo các trường nghề khu vực TPHCM, mọi người đều chung quan điểm là phải liên kết chặt chẽ 3 nhà (bao gồm nhà nước, nhà trường và nhà máy/doanh nghiệp) thì mới có thể đảm bảo đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hệ thống GDNN.

Trường nghề tận dụng nguồn lực doanh nghiệp để chuyển đổi số - 1

Chuyển đổi số là công việc khó khăn với nhiều trường nghề (Ảnh minh họa: Trường TC Nguyễn Tất Thành).

Thạc sĩ Trần Văn Út Chính - Trưởng khoa Cơ bản, Luật & Nghiệp vụ Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bạc Liêu - cũng đồng tình. Ông cho rằng, liên kết doanh nghiệp rất quan trọng trong việc đổi mới và phát triển chương trình đào tạo theo hướng thực hành nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Thạc sĩ Trần Văn Út Chính cho biết, hiện Cao đẳng Bạc Liêu đang có nhiều chương trình hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo.

Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng các chương trình đào tạo mới, triển khai mô hình đào tạo nghề kép giữa nhà trường và doanh nghiệp, đào tạo trực tuyến, kết hợp giữa đào tạo trực tiếp với trực truyến…

Ông Lâm Văn Quản cho biết, trong những năm tới, nhiệm vụ trọng tâm của Hội GDNN TPHCM là kết nối giữa nhà trường với nhà trường, nhà trường với doanh nghiệp nhằm phát triển chuyển đổi số, đầu tiên là trong tuyển sinh và đào tạo.

Mới đây, Hội GDNN TPHCM cũng đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Vận tải Fclass Việt Nam. Theo đó, Fclass sẽ thông qua Hội GDNN TPHCM để tài trợ cho các trường nghề thành viên phần mềm quản lý trường học.

Với hệ thống này, các trường có thể dễ dàng quản lý công tác tuyển sinh, nhập học, sinh viên, giảng viên… để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong quản trị và đào tạo. Hệ thống này có giá hơn 400 triệu đồng, là chi phí không nhỏ khiến nhiều trường nghề chưa thể đầu tư.

Trường nghề tận dụng nguồn lực doanh nghiệp để chuyển đổi số - 2

Hội GDNN TPHCM làm đầu mối liên kết các trường nghề với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng dạy nghề (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Hứa Minh Tuấn, Tổng giám đốc Fclass Việt Nam, ngoài việc tài trợ phần mềm quản lý, công ty còn nhận đào tạo nâng cao trình độ cho giảng viên các trường, nhận học viên các trường nghề về thực tập...

Ông Tuấn cho biết, Fclass có thế mạnh trong lĩnh vực vận tải, giao nhận trực tuyến với hệ thống chi nhánh trải dài trên cả nước nên có thể nhận học viên từ nhiều trường về thực tập ở nhiều vị trí như giao nhận, công nghệ, truyền thông…

Ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao cho biết, sự hợp tác với những doanh nghiệp như vậy không chỉ giúp trường phát triển chất lượng đào tạo mà còn tạo thêm đầu ra cho học viên, đảm bảo vị trí việc làm cho các em khi ra trường.

Theo Chủ tịch Hội GDNN TPHCM, việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp giúp hệ thống GDNN tận dụng được nguồn lực xã hội để chuyển đổi số, phát triển chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo sát với nhu cầu thực tế của thị trường việc làm.

Nguồn dantri.com.vn

Bình luận