Tỉnh táo học nghề để làm việc, không chọn nghề theo "đám đông"
Học nghề là một "con đường mới" với các bạn học sinh lớp 12 hiện nay. Lựa chọn "con đường" này liệu có phải là lựa chọn đúng đắn?
Học nghề có phải là "xu hướng mới"?
Học nghề hay học Đại học là mối trăn trở của nhiều bạn học sinh lớp 12 khi hiện nay Đại học đã không còn "chuộng" như ngày trước. Học xong cấp 3, có khá nhiều bạn đã chọn một con đường mới là học nghề. Bởi với các bạn thì đó là con đường đi theo đam mê với muôn điều thú vị.
Bạn Trần Thị Phương (21 tuổi) hiện đang học Quản trị chế biến món ăn tại một trường nghề ở Hải Phòng chia sẻ: "Mình có đam mê với nấu ăn. Đồng thời theo xu hướng, mình thấy đây cũng là một nghề "hot", có tiềm năng phát triển".
Bạn Phương cùng các bạn trong lớp học Quản trị chế biến món ăn.
Học nghề có phải là "xu hướng mới" khi mà có cả những bạn sinh viên bỏ học Đại học để học nghề?
Bạn Cao Xuân Huy đã từ bỏ học Đại học Mở, chuyển sang học sửa chữa ô tô tại trung tâm dạy nghề Thanh Xuân chia sẻ: "Mình đang học Đại học nhưng thấy ngành mình học không có tương lai phát triển. Nếu cứ mất thời gian cho 4 năm mà sau này mình không sử dụng kiến thức đó thì rất lãng phí. Vậy nên mình quyết định chuyển hướng sang học nghề. Nhận thấy sửa chữa ô tô có tiềm năng phát triển, mình cũng thích và theo học luôn".
Khi chuyển sang một hướng đi mới như vậy, đa số các bậc phụ huynh sẽ không hoàn toàn ủng hộ con mình bởi vẫn còn tư tưởng "trọng bằng Đại học" - một tấm bằng quý giá.
"Đầu tiên bố mẹ phản đối lắm, bảo mình học xong lấy cái bằng rồi muốn làm gì thì làm. Những thiết nghĩ lấy bằng đại học làm gì trong khi sau này mình không sử dụng tới. Mình đã thuyết phục bố mẹ rất nhiều, cuối cùng cũng được đồng ý. Và giờ bố mẹ rất ủng hộ mình với quyết định này", Huy chia sẻ thêm.
Trên thực tế, mỗi sự lựa chọn đều có thể mang đến những mặt trái ngược. Có thể nói, học nghề hiện nay đang hot. Bởi nhu cầu xã hội ngày càng cần nhiều người thợ lành nghề, trực tiếp sản xuất, lẽ dĩ nhiên, những người chăm chỉ, có óc sáng tạo, nhiệt huyết với nghề luôn nhận được những gì họ mong đợi.
Tuy nhiên, nếu mọi sự đều dễ dàng như vậy thì đâu có học sinh lớp 12 nào phải phân vân giữa "đại học" và "học nghề". Cũng vẫn có rất nhiều bạn trẻ chọn học nghề, nhưng khi học xong, lại không thể tìm được một công việc theo đúng với cái nghề mà mình đã được đào tạo.
Bạn Nguyễn Thị Hà - từng học ngành Điện - Điện tử của trường Cao đẳng nghề Việt Đức Vĩnh Phúc, hiện đang kinh doanh tự do và mở một shop bán quần áo gần nhà là một minh chứng rõ ràng cho hiện trạng đó.
Hà chia sẻ: "Mình không hối hận khi đã chọn học nghề. Nhưng nếu để suy nghĩ lại thì tôi sẽ không chọn ngành Điện - điện tử, thay vào đó nên chọn ngành khác. Bởi vì ngành này thực sự không phù hợp với bản thân mình, vậy nên quá trình học 3 năm khi đó đối với mình khá vất vả và chật vật".
Cũng giống với Hà, bạn Đào Xuân Quyền - từng học ngành Công nghệ ô tô - Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định dù đã tìm được cho mình một công việc đúng ngành. Nhưng vì "thân bất do kỷ", mà phải tìm công việc khác.
"Khi học xong lớp 12, mình đã quyết định chọn học nghề bởi mình thấy mình hợp với lao động chân tay hơn. Và ngay sau khi tốt nghiệp mình cũng đã tìm được công việc theo đúng ngành đã học, lương cũng khá. Nhưng chỉ vì một số lý do về sức khỏe nên mình phải dừng công việc đó để chuyển sang một công việc nhẹ nhàng hơn thôi", Quyền chia sẻ thêm.
Khi chọn nghề, đừng nhắm mắt chọn bừa
Con đường thành công có rất nhiều cánh cửa. Tuy nhiên, đừng vì thế mà nhắm mắt… chọn bừa.
Các em học sinh thường mắc phải sai lầm khi chọn nghề đó chính là chỉ dựa vào duy nhất năng lực học tập, chọn nghề theo trào lưu, chọn nghề vì lý do kinh tế,.... Và việc dành rất ít thời gian để tìm hiểu về ngành có triển vọng trong tương lai, cũng khiến học sinh sai lầm.
Theo thầy Phạm Đức Huy - giáo viên lớp 12 ở một trường THPT, Vĩnh Phúc, các em học sinh phải hiểu công việc là tương lai, là định hướng suốt cả cuộc đời của một con người. "Và để có thể chọn được nghề phù hợp với bản thân, dù là học đại học hay học nghề thì nghề nghiệp mà một cá nhân theo đuổi phải phù hợp với năng lực, sở thích và thu nhập để không phải dang dở giữa chừng.
Một yếu tố khác cũng mà các bạn lớp 12 cũng cần phải cân nhắc đó chính là nhu cầu nhân lực trong tương lai. Không ai đổ xô đi chọn và học một ngành có quá nhiều người theo học và đang dư nhân sự về sau này. Nhưng cũng không nên chọn những ngành có dự kiến báo thiếu nhân lực hay sẽ hot trong tương lai. Vì nếu ai cũng có suy nghĩ đó thì chắc chắn trong tương lai khi bạn ra trường sẽ có nhiều người giống bạn và tỷ lệ cạnh tranh để có việc làm sẽ cao hơn".
Ngoài ra, thầy Huy có nhấn mạnh: "Ở xã hội hiện nay, các em đừng quá quan trọng chuyện học cao, hay thấp, hay so sánh giữa việc học đại học, cao đẳng, trung cấp,... Bởi cấp học nào cũng có những nhu cầu về công việc phù hợp với năng lực của từng người.
Và mục đích sau cùng của mỗi chúng ta chỉ là một công việc có đồng lương tương xứng, đủ trang trải cho cuộc sống và các nhu cầu khác, được đảm bảo bình đẳng về quyền lợi, các chế độ như bảo hiểm, điều kiện làm việc, nghỉ ngơi…"
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.
Nguồn dantri.com.vn