Tạo điều kiện cho học sinh liên thông THCS lên trình độ Cao đẳng

Ngày 14/5/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Đề án xác định mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 là 40%. Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Ở nước ta, hàng năm có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS nói chung được định hướng vào 4 luồng chính gồm: học tiếp lên THPT; học lên trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc trung cấp nghề (TCN); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên; trực tiếp đi làm kiếm sống.

Phần lớn các tỉnh/thành đều có tỷ lệ học sinh học tiếp lên THPT với tỷ lệ hơn 70%, thậm chí có địa phương hơn 80% (Hà Nội 75%, TP HCM 77%...). Trong khi đó, việc chọn luồng giáo dụcnghề nghiệp chỉ là giải pháp của rất ít học sinh.

Việc đề xuất cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn (còn gọi mô hình 9+) vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được xem là giải pháp tạo đột phá cho đào tạo nghề thời gian tới.

Mô hình 9+ được hiểu là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9, và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới. Điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép và tại Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN, mô hình đào tạo cho người học tốt nghiệp tương đương THCS ở Việt Nam rất thành công, đem lại giá trị về nguồn nhân lực đáp ứng nền kinh tế của đất nước họ. Qua tìm hiểu, mô hình KOSEN Nhật Bản cho phép người học tốt nghiệp có thể học liên thông lên đại học và học xây dựng chương trình đào tạo theo hình nêm: Chương trình đào tạo kết hợp giữa hai phần văn hóa và chuyên môn, phần văn hóa giảm dần và phần chuyên môn tăng dần theo từng năm.

Tại Việt Nam, 9+ được hiểu theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và theo thông lệ quốc tế. Đó là, học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian sáu tháng đến một năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 đến 18. Lựa chọn thứ hai là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo tám bậc của khung trình độ quốc gia. Sau hai năm, các em lấy bằng trung cấp, và có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học... Hiện nay, mô hình 9+ đã được triển khai tại một số cơ sở GDNN và được xem là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng THPT tại Việt Nam.

Do đó, mô hình này nếu được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam thì cần thay đổi một số quy định trong Luật Giáo dục, cho phép học sinh tốt nghiệp THCS học thẳng lên cao đẳng qua chương trình đào tạo được phê duyệt (bảo đảm kiến thức văn hóa và chuyên môn); và bằng tốt nghiệp cao đẳng được liên thông lên trình độ cao hơn. Nếu làm được việc này mới hy vọng mang lại thành công trong việc phân luồng học sinh.

Để thực hiện chỉ tiêu phân luồng sau trung học theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH (ngày 7-3-2019), với nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các trường cao đẳng, trung cấp tuyển sinh năm 2019. Thông tư này tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhu cầu đăng ký vào học GDNN. Học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học trình độ cao đẳng cũng có thể đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, các đối tượng này, trong quá trình học phải hoàn thiện chương trình văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.

Nguồn molisa.gov.vn

Bình luận