Tâm huyết của thầy giáo khiến phụ huynh thay đổi suy nghĩ về nghề điện lạnh
Với mong muốn giúp phụ huynh có cái nhìn tốt hơn về ngành điện lạnh, thầy Phong đã nỗ lực hăng say đào tạo học sinh, sinh viên trở thành lao động có tay nghề cao, hội nhập quốc tế.
Ấp ủ giấc mơ làm thầy giáo từ cuộc thi kỹ năng nghề
Thầy Lê Xuân Phong theo học chuyên ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt, Trường ĐH Công Nghiệp TPHCM với mục tiêu là sau khi học xong ra trường sẽ mở doanh nghiệp riêng bên lĩnh vực điện lạnh. Khi học đến năm thứ 3, việc tham gia nhóm sinh viên trong cuộc thi tay nghề quốc gia năm 2010 đã khiến thầy có cơ duyên và ấp ủ ước mơ làm giáo viên.
Thầy Lê Xuân Phong (sinh năm 1989, quê Khánh Hòa) hiện đang là giảng viên ngành Điện lạnh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang (thứ 2 bên phải).
"Sau khi kết thúc cuộc thi, mình được các thầy trong khoa tin tưởng và giao cho khá nhiều công việc lắp đặt, sửa chữa các hệ thống lạnh ở bên ngoài, dù lúc đó mình vẫn còn đang học năm 4, chưa ra trường.
May mắn khi ra trường được thầy Nguyễn Tiến Cảnh dẫn dắt và truyền đạt thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng, thái độ sống và làm việc. Ngoài ra, mình cũng học hỏi được rất nhiều từ các thầy cô khác trong trường. Ngay cả khi mình đã ra trường, các thầy cô vẫn giữ liên lạc thường xuyên, có những trao đổi về nghề.
Từ đó, mình cảm nhận thấy sự thú vị của nghề giảng viên, mong muốn được chia sẻ những kiến thức, kỹ năng, thái độ mà mình đã có được từ thầy cô, từ công việc bên ngoài cho thế hệ đàn em đi sau trong ngành.
Thầy Phong hướng dẫn sinh viên về kỹ thuật, thông số của thiết bị điện tử.
Mình quyết tâm phấn đấu để trở thành một thầy giáo, được đứng trên bục giảng để giảng dạy và chia sẻ cho thế hệ tiếp nối những gì mình đã được học và trải nghiệm. Cố gắng để trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ như những thầy cô đã từng giảng dạy mình", thầy Phong kể lại.
Đã xác định được mục tiêu cho tương lai, phấn đấu trở thành một giảng viên trường nghề. Điều đầu tiên thầy Phong nghĩ đến đó là phải học tập nâng cao trình độ.
Thầy Phong chia sẻ: "Mình đã học lên cao học tại Đại học Bách Khoa TPHCM. Trong quá trình học mình định hướng sẽ phát triển bên mảng giáo dục nghề nghiệp. Sau một thời gian tìm hiểu, mình quyết định quay trở lại tỉnh Khánh Hòa để làm việc.
Tỉnh Khánh Hòa là một tỉnh có bờ biển trải dài, ngành chế biến thủy sản và du lịch tương lai sẽ rất phát triển. Nhu cầu về nguồn nhân lực bên nghề điện lạnh rất lớn để đáp ứng cho các nhà máy chế biến, các khu công nghiệp, các khách sạn, resort... Khánh Hòa cũng là quê hương của mình. Vì vậy, mình quyết định sau khi học xong cao học sẽ về lại Khánh Hòa để giảng dạy".
Nhận thấy sứ mệnh, định hướng phát triển trong tương lai của trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang nói chung và của bộ môn Điện lạnh nói riêng, thầy Phong cho rằng đây chính là ngôi trường mình sẽ làm việc, sẽ gắn bó trong tương lai.
Thay đổi cách nhìn nhận của phụ huynh, đạt nhiều thành tích giảng dạy
"Với đặc thù là trường chuyên đào tạo nghề và chưa được xã hội, phụ huynh đánh giá chưa cao, có cái nhìn chưa tốt về trường nghề. Điều đó đã khiến các bậc phụ huynh thường ít cho con em theo học trường nghề, mà chỉ chú trọng đến học đại học.
Nhưng ở chiều ngược lại, về phía các doanh nghiệp đánh giá rất cao về trường nghề, nơi đào tạo ra những người kỹ thuật có tay nghề cao, có thể đáp ứng ngay lập tức công việc tại doanh nghiệp". Đó chính là những trăn trở của thầy Phong để giúp phụ huynh thay đổi được cách nhìn nhận đối với trường và giúp các em sinh viên có được một nghề phù hợp.
Nỗ lực cùng Ban Giám hiệu phát triển về cơ sở vật chất và trình độ học vấn là cách thầy Phong chọn để giúp phụ huynh thay đổi cách nhìn về trường nghề.
Để phụ huynh tin tưởng và thay đổi cách nhìn về trường nghề, thầy Phong đã cùng Ban Giám hiệu nhà trường nỗ lực đưa trở thành trường đạt chuẩn chất lượng cao, được đầu tư trang thiết bị máy móc nhiều, hiện đại, theo sát với thực tế bên ngoài nên chất lượng đào tạo rất tốt.
Về chương trình giảng dạy sát với thực tế, thời gian thực hành lên đến 70% tổng thời gian học. Thời gian sinh viên được đi thực tế doanh nghiệp trong suốt quá trình học chiếm 30-40% tổng thời gian đào tạo nên khi ra trường có thể làm việc ngay, doanh nghiệp không phải đào tạo lại.
"Nhờ những sự nỗ lực và cố gắng của nhà trường và thầy cô đã khiến phụ huynh tin tưởng, cho con em theo học và mong muốn con được đi theo đúng nghề yêu thích.
Các em cũng đã biết chọn một nghề điện lạnh - nghề mà xu hướng tiềm năng thăng tiến ngày càng cao, mức thu nhập tốt, sức hút thị trường luôn gia tăng nhu cầu lao động trong thời gian sắp tới, đảm bảo nhiều cơ hội việc làm phát triển sau khi ra trường ", thầy Phong vui vẻ nói.
Học sinh, sinh viên theo nghề điện lạnh ngày càng nhiều và biết nắm bắt cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Dù là một giảng viên trẻ, nhưng thầy Phong đã đạt được rất nhiều thành tích trong giảng dạy như: giải Nhất trong hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp trường năm 2020; giải Nhì cuộc thi "Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tỉnh Khánh Hòa" năm 2020; huấn luyện 02 sinh viên tham gia kỳ thi kỹ năng nghề Quốc gia lần thứ 10 năm 2018 và lần thứ 11 năm 2020 đều đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc… Ngoài ra, thầy còn rất nhiều bằng khen do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa trao tặng.
Kể về một kỉ niệm đáng nhớ, thầy Phong cho hay: "Năm 2020, mình có huấn luyện một em sinh viên tham gia cuộc thi kỹ năng nghề quốc gia. Khi bắt đầu tham gia thi vào tháng 10/2020 tại Hà Nội, áp lực trong cuộc thi rất lớn, sinh viên của mình gặp trục trặc trong bài làm vào những phút cuối dẫn đến không hoàn thiện được vận hành hệ thống.
Nguyên nhân là do ban tổ chức cấp thiết bị bị lỗi; sau đó, họ đã tổ chức họp nhanh và quyết định xin lỗi sinh viên của mình; đồng thời, quyết định đổi thiết bị bị lỗi và cộng thêm thời gian 30 phút để sinh viên của mình tiếp tục hoàn thiện hệ thống.
Tuy nhiên, lúc này do tâm lý buồn do không hoàn thiện được bài vì lý do không chính đáng, không kiềm được cảm xúc của mình nên em sinh viên của mình đã bật khóc và không muốn tiếp tục thi nữa. Cố kìm cảm xúc của mình lại và động viên sinh viên quay trở lại làm bài thi của mình. Kết quả, thầy và trò chỉ đạt giải Khuyến khích nhưng tất cả những trải nghiệm và bài học sau đó mới là điều mà hai thầy trò khó có thể quên".
Theo thầy Phong, muốn giảng dạy hiệu quả thì phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức, tài liệu kỹ thuật mới từ các hãng sản xuất. Tham gia công việc thực tế tại doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng nghề.
Luôn lấy ý kiến sinh viên về mức độ hài lòng với phương pháp giảng dạy hiện tại hay không để kịp thời chỉnh sửa, thay đổi. Thường xuyên trao đổi với các doanh nghiệp về chất lượng đầu ra của sinh viên để thay đổi, cập nhật, chỉnh sửa chương trình đào tạo. Nâng cao chất lượng kỹ năng nghề của sinh viên.
Nỗ lực cùng ban giám hiệu phát triển về cơ sở vật chất và trình độ học vấn là cách thầy Phong chọn để giúp phụ huynh thay đổi cách nhìn về trường nghề.
Đối với học sinh hệ trung cấp (đầu vào tốt nghiệp THCS), những học sinh này bắt đầu học nghề mới 16 tuổi. Do đó, các phụ huynh rất quan tâm tới con em mình. Đối với hệ Trung cấp này thông thường cuối mỗi học kì sẽ có cuộc họp phụ huynh học sinh.
Ngoài những nội dung trong cuộc họp ra thì mình còn yêu cầu các học sinh lớp mình chủ nhiệm có mặt đầy đủ tại xưởng thực hành và trình diễn những kỹ năng nghề mà học sinh đã được học cho phụ huynh xem. Để phụ huynh có thể cảm nhận được con em mình đã học được những gì, đã đạt được những kết quả như thế nào trong một kỳ đã qua.
Khi thử nghiệm việc đó mình nhận được rất nhiều hưởng ứng tích cực từ phụ huynh học sinh. Họ cảm thấy rất thích thú, hứng khởi và mong muốn sẽ giới thiệu con cháu vào học nghề điện lạnh. Qua đó, bản thân mình cảm thấy cần phải có trách nhiệm lớn hơn, quan tâm đến học sinh sinh viên nhiều hơn, nâng cao chất lượng giảng dạy lên để không phụ lòng mong mỏi của học sinh và phụ huynh.
Mô hình "Sức sống mới từ phế thải" nhằm giúp học sinh có cái nhìn và thôi thúc đam mê với nghề điện lạnh.
Thầy Phong chia sẻ: "Mô hình được chế tạo từ những vỏ chai gas và những phế liệu phát sinh ra trong quá trình dạy học. Mặt sau của mô hình được lắp đặt một hệ thống lạnh có công suất nhỏ. Dòng chữ "Điện lạnh" được sử dụng như là một dàn lạnh, khi hệ thống lạnh chạy thì dòng chữ "Điện lạnh" sẽ đóng băng trắng hết dòng chữ.
Mô hình tạo ra nhằm mục đích phục vụ công tác tuyển sinh. Khi các em học sinh các trường THCS, THPT đi tham quan trường, định hướng nghề nghiệp sẽ thấy hứng thú, chụp hình, check in địa điểm, đăng trên trang cá nhân của các em. Đó cũng là 1 hình thức quảng bá hình ảnh của trường đến nhiều người hơn".
Nguồn dantri.com.vn