Sáp nhập trung tâm GDNN - GDTX vào trường nghề: Sẽ giải quyết tốt phân luồng học sinh
Trường nghề kết hợp đào tạo văn hóa THPT đang là xu hướng, tạo cơ hội cho học sinh (HS) sau 3 năm học theo mô hình 9+ có thể nhận được bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề. Tuy nhiên, trong quản lý, mô hình đào tạo song bằng có những bất cập đang được dư luận xã hội bàn luận nhiều.
Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều trường cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC) đang triển khai mô hình 9+ đào tạo nghề kết hợp dạy văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT. Những HS sau khi tốt nghiệp THCS không có khả năng thi đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập hoặc mong muốn đi học nghề thì đăng ký vào trường CĐ, TC học theo mô hình 9+ (học nghề trình độ TC; học văn hóa chương trình GDTX hệ THPT có 7 môn). Do trường nghề không có chức năng dạy văn hóa nên phải phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX để HS học hết lớp 12 mới được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT lấy bằng tốt nghiệp. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HS, nhiều trường CĐ, TC đã bố trí phòng học, phòng thí nghiệm... để giáo viên trung tâm GDNN - GDTX đến dạy văn hóa.
Mô hình 9+ phát huy năng lực, sở trường của học sinh
Các trường TC, CĐ phối hợp với trung tâm GDNN - GDTX để dạy văn hóa cho biết, đa phần HS chọn đi học theo chương trình 9+ có lực học trung bình. Không ít em hoàn cảnh khó khăn, bố hoặc mẹ mất, cha mẹ ly hôn. Sau một thời gian học mô hình 9+, nhiều em có kết quả học nghề và văn hóa ngang nhau, thậm chí không ít em có năng lực học nghề tốt hơn học văn hóa.
Phó Hiệu trưởng trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga cho biết, nhà trường phối hợp với Trung tâm GDTX quận Cầu Giấy triển khai chương trình 9+. Mỗi kỳ, nhà trường đều xếp loại học tập văn hóa và học nghề, đa số HS có kết quả học tập tốt. Có không ít HS, khi học văn hóa cùng học nghề, đã phát huy tốt sở trường. Hơn nữa, áp lực học văn hóa không quá nặng nề, tâm lý HS thoải mái, giúp dễ tiếp nhận kiến thức, kỹ năng. Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm GDTX quận Tây Hồ, Trung tâm GDTX quận Hai Bà Trưng để dạy văn hóa THPT cho HS học nghề hệ TC.
Kiến nghị trường nghề được dạy văn hóa
Để có được kết quả trên theo mô hình 9+ là do các trường nghề chủ động phối hợp với trường THCS để tư vấn, hướng nghiệp cho HS lớp 9. Đồng thời, các trường nghề phối hợp chặt chẽ với trung tâm GDNN - GDTX trong việc dạy văn hóa THPT, quản lý HS trong thời gian học. Tuy nhiên, do trường nghề chưa được chủ động tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên để dạy hệ văn hóa GDTX cấp THPT nên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Để giải bài toán chồng chéo và bất cập này, nhiều trường TC, CĐ đề xuất nên sáp nhập các trung tâm GDNN - GDTX vào các trường TC, CĐ. Lúc đó, các trường TC, CĐ được phép chủ động tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên giảng dạy hệ văn hóa GDTX cấp THPT để chủ động hoàn toàn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đào tạo cho đối tượng HS học theo mô hình 9+, góp phần vào chất lượng giảng dạy được tốt nhất; đồng thời, giải quyết tốt được vấn đề phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ. Hai ngành LĐTB&XH và GD&ĐT sẽ làm tốt việc của mình, tránh đùn đẩy trách nhiệm cũng như “giữ phần, giữ quyền”. Và, khi các trường nghề chủ động trong chương trình dạy học văn hóa và đào tạo nghề, đầu ra là đội ngũ kỹ thuật viên, công nhân sẽ chất lượng hơn.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn kinhtedothi.vn