Phát huy hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được triển khai thực hiện từ ngày 01/01/2009 với mục tiêu hỗ trợ người lao động bị mất việc một phần thu nhập, hỗ trợ học nghề và tư vấn, giới thiệu việc làm, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả hơn nữa, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khắc phục những “khoảng trống” trong triển khai chính sách này.

“Chỗ dựa” cho hàng triệu người lao động

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, với ý nghĩa thiết thực của chính sách, trong những năm qua số người tham gia BHTN không ngừng tăng lên. Từ chỗ có gần 6 triệu người tham gia BHTN vào năm 2009 thì đến 31/12/2019 đã có trên 13 triệu người tham gia, tổng số người được chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 5,7 triệu người với số tiền chi trả trên 52.000 tỷ đồng. Tổng số người hưởng hỗ trợ học nghề trên 200.000 người với số tiền hỗ trợ 408 tỷ đồng. Ngoài ra, Quỹ BHTN còn chi trả tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) với số tiền xấp xỉ 2.400 tỷ đồng.

Không chỉ có số tiền TCTN, tham gia BHTN, khi mất việc làm người lao động được hưởng các chế độ gồm: Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Trong 10 tháng năm 2020, toàn quốc có 12.737 người được hỗ trợ học nghề.



Theo ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, BHTN đã thật sự trở thành “chỗ dựa” của cả triệu người lao động, giúp họ có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho NSNN, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này.

Hoàn thiện chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm

Theo quy định của Luật Việc làm, Quỹ BHTN được hình thành từ các khoản đóng góp của người lao động, người sử dụng lao động, hỗ trợ của Nhà nước, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và nguồn thu hợp pháp khác. Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, Quỹ BHTN luôn quản lý, vận hành theo đúng quy định và có kết dư. Tính đến hết năm 2019 ước quỹ kết dư 84.000 tỷ đồng. Các khoản sinh lời từ hoạt động đầu tư hàng năm được phân bổ vào các quỹ theo quy định.

Việc kết dư Quỹ có nhiều nguyên nhân. Theo đó, năm 2009 bắt đầu thực hiện thu BHTN nhưng theo quy định đến năm 2010 mới có người đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng TCTN, hỗ trợ học nghề. Do đó trong năm 2009 chỉ phát sinh thu vào Quỹ BHTN mà không có phát sinh chi các chế độ BHTN.

Bên cạnh đó, số chi hỗ trợ học nghề thấp, số người hưởng chỉ chiếm khoảng 5% so với số người hưởng TCTN do tâm lý người lao động chỉ quan tâm đến TCTN. Danh mục các nghề được đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề tham gia thực hiện chế độ hỗ trợ học nghề còn lạc hậu, chưa gắn kết giữa nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động; chất lượng các khóa đào tạo nghề còn thấp nên chưa thu hút được sự quan tâm của người lao động…Cùng với đó, nhóm đối tượng khu vực hành chính sự nghiệp ít bị mất việc làm hơn nhóm lao động ngoài quốc doanh nên số người hưởng TCTN ở khu vực hành chính sự nghiệp là rất thấp.

Mặt khác, chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Điều 47 Luật Việc làm từ năm 2015 đến nay chưa phát sinh. Hiện nay, việc hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động mất việc làm do cán bộ của Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện tư vấn miễn phí nên chưa thực hiện chi đối với chế độ này.

Trước thực trạng trên, từ góc độ cơ quan thực hiện chính sách, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp để tăng diện bao phủ, để BHTN có thể hỗ trợ được thêm nhiều người lao động hơn nữa; đồng thời tiếp tục tổ chức thu, chi các chế độ BHTN, quản lý và sử dụng Quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BHTN nhằm đưa người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp trở lại thị trường lao động (cả về mặt chính sách cũng như hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện chính sách dạy nghề, hệ thống tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp hiện nay). Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động.

BHXH Việt Nam cũng kiến nghị, mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài hỗ trợ học nghề. Đổi mới, nâng cao chất lượng của các trung tâm dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; gắn công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm với nhu cầu thực tế của DN, thị trường lao động, nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của chính sách BHTN.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.

NGuồn m.baokiemtoannhanuoc.vn

Bình luận