Phấn đấu năm 2025 có nhiều trường nghề tiếp cận trình độ nhóm G20, ASEAN
Phấn đấu đến năm 2025 có 70 trường được công nhận trường CĐ chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20 và 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Thông tin trên được ông Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra tại buổi làm việc với ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cùng các chuyên gia của ADB.
Buổi làm việc giữa 2 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB)
Trao đổi với ADB tại buổi làm việc, Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết, theo Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025 khẳng định việc thu hút nguồn vốn ODA tập trung ưu tiên cho lĩnh vực/nhóm dự án hỗ trợ thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, trong đó bao gồm lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Do vậy, thu hút đầu tư vốn ODA của các nhà tài trợ nước ngoài đặc biệt sử dụng vốn hỗ trợ của ADB trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là rất cần thiết.
Trên cơ sở đó, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (TCGDNN) đã xác định một số định hướng chính cho giai đoạn 2022-2024 là: Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 70 trường được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 03 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Tổng Cục trưởng cho rằng, để đạt được điều này, TCGDNN mong muốn ADB tiếp tục hỗ trợ để đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho các trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt, gần đáp ứng các tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao để được đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.
Đồng thời tăng khoản viện trợ không hoàn lại đi kèm khoản vay để hỗ trợ đào tạo nhóm yếu thế, dân tộc thiểu số... góp phần giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo cũng như người dân tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản trong hệ thống an sinh xã hội.
ADB cam kết sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các ưu tiên phát triển Giáo dục nghề nghiệp
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đề nghị ADB tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho Tổng cục thúc đẩy các lĩnh vực như: hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực GDNN, tập trung vào xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030; thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường hợp tác với DN, tiếp tục đầu tư nhằm xanh hóa, số hóa đào tạo nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, công nhận khu vực và quốc tế để hỗ trợ dịch chuyển lao động; phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; thí điểm và hỗ trợ đối tượng yếu thế…
Chia sẻ tại cuộc họp, phía ADB trình bày về kế hoạch tài chính của ADB giai đoạn 2022-2024 và thông tin về những ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng xanh; tăng cường an sinh xã hội và hòa nhập, trong đó tập trung ưu tiên phát triển các chương trình GDNN và phát triển kỹ năng cho phát triển bền vững và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãnh đạo ADB cũng chia sẻ những thay đổi trong cơ chế tài chính đối với những dự án vốn vay của ADB trong thời gian tới và cam kết sẽ cố gắng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu đề ra với khả năng tốt nhất, trong bối cảnh Việt Nam được coi là nước thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và điểm đến an toàn.
Bên cạnh các dự án hỗ trợ tài chính, ADB cam kết sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các ưu tiên phát triển GDNN như: hỗ trợ xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển GDNN, hỗ trợ đào tạo nghề cho nhóm yếu thế và người già, chuyển đổi số trong GDNN....
Kết thúc buổi họp Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá cao về sự hỗ trợ của ngân hàng ADB đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phía Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Bảo trợ xã hội cam kết sẽ thực hiện, phát huy hiệu quả các nguồn vay mà ngân hàng ADB hỗ trợ.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn dantri.com.vn