Nữ đại sứ nghề 8X: "Vẽ đường kiếm tiền bằng nghề cho sinh viên"
"Thế giới ngày càng chuyển dịch. Nếu chăm chỉ và yêu thích làm nghề, thì học nghề sẽ là con đường rất sáng sủa để các bạn lựa chọn".
Đó là chia sẻ của Đại sứ nghề Nguyễn Thị Huyền Trang, sau 11 năm giảng dạy tại trường Cao đẳng du lịch Hà Nội.
Cô Trang từng giành Huy chương Bạc nghề Dịch vụ nhà hàng tại kỳ thi tay nghề ASEAN 2005. Đứng thứ 11 tại cuộc thi tay nghề thế giới tại Nhật Bản năm 2007, nhờ đó được nhận học bổng du học của Ý và Tây Ban Nha.
"Nhưng vì bố mẹ sợ mất con gái nên không cho đi du học", cô Trang cười nói.
Đại sứ nghề Nguyễn Thị Huyền Trang
Coi sinh viên là khách hàng
Đại sứ nghề Nguyễn Thị Huyền Trang hiện đang giảng dạy môn Quản trị kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Nữ giảng viên sinh năm 1986 phụ trách các lớp chất lượng cao, dạy các nội dung thực hành trọng điểm, vốn chỉ những giảng viên có tay nghề cao đảm nhận.
Cô Trang cũng là Bí thư đoàn trường Cao đẳng du lịch Hà Nội. Thủ lĩnh "phần hồn" của sinh viên là một thuận lợi để cô gắn hoạt động đào tạo, thi tay nghề với hoạt động của đoàn trường.
Cô Trang (đứng giữa) cùng sinh viên tham gia hoạt động đoàn
"Đoàn trường thường tổ chức các cuộc thi tay nghề tại trường để sinh viên tham gia, khi gắn với đoàn thì các bạn ấy sẽ thoải mái hơn.
Hàng năm tôi chọn các bạn sinh viên tham gia thi tay nghề. Nếu không làm thông qua đoàn trường thì đối tượng sinh viên sẽ rất hẹp. Khi nhà trường đăng thông báo lên, sinh viên luôn luôn sợ, không dám đăng ký, cho rằng cuộc thi là cái gì đó to tát.
Nhưng ở góc độ đoàn, tôi đi khảo sát các lớp, nói chuyện với sinh viên trên phương diện của một người từng đi thi. Tôi nhìn thấy tố chất của các bạn.
Năm ngoái có em Đoàn Ngọc Ánh giành Huy chương vàng nghề Dịch vụ Nhà hàng tại Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia. Khi đi khảo sát, lựa chọn, tôi nhìn thấy tố chất của Ánh và khuyến khích thử sức. Chứ ban đầu bản thân Ánh cũng không có mong muốn đi thi.
Vậy thay vì sinh viên tìm đến mình thì mình chủ động đi tìm các bạn ấy, như tìm khách hàng vậy. Dạy nghề nó khác ở chỗ đấy, vì sinh viên học nghề đa phần còn chưa tự tin", cô Trang nói.
Cô Trang gắn hoạt động đào tạo với hoạt động đoàn
Để có phương pháp dạy phù hợp, cô Trang luôn có những sinh viên "nằm vùng" ở các lớp. Những sinh viên này qua trò chuyện với bạn bè, biết được bạn có hiểu bài không? Cảm nhận về cách dạy của cô thế nào? Cần gì? Sinh viên nói chuyện với nhau sẽ thật lòng hơn. Qua đó cô Trang đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
Áp dụng phương pháp dạy thực tế, cô trang dạy sinh viên cách bán hàng cho khách, giải quyết phàn nàn của khách. "Các bạn ấy thích những trường hợp thực tế, hơn việc chỉ đưa ra lý thuyết chung".
Cô Trang thường biến những buổi thảo luận, thành một buổi đấu giá. Ví dụ đưa ra một lọ nước hoa, cái bánh để hướng dẫn sinh viên đấu giá, xong thì tặng sản phẩm cho sinh viên. Hoặc đấu giá điểm, những người thắng sẽ được cộng phiếu may mắn và được cô dạy kèm để các môn luôn đạt 8 điểm trở lên.
Vẽ đường kiếm tiền bằng nghề cho sinh viên
Vừa làm giảng viên, vừa kinh doanh rất thành công, cô Trang thường được sinh viên hỏi cách bán sản phẩm thế nào để ra tiền? Tận dụng nghề mình học để làm việc gì, kinh doanh cái gì?
Để khuyến khích việc học của sinh viên. Cô Trang vẽ con đường từ việc học nghề đến việc kiếm tiền cho sinh viên.
"Thực ra các bạn ấy không quan tâm việc học lắm đâu, quan tâm kiếm tiền là chính thôi.
Tôi vẫn nhắc sinh viên của mình là nếu lượng không đổi thì chất không đổi. Nếu như không học, không đầu tư thì không thể nâng cấp bản thân, không làm ra tiền.
Tôi hướng dẫn các em nên đi làm theo chuỗi các thương hiệu lớn. Ví dụ như Starbucks, Pizza hut họ có rất nhiều cơ sở ở Việt Nam. Lương của trưởng vùng đã là 50 triệu/tháng, sự tiến thân của các em sẽ nhanh hơn là vào các doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước.
Sinh viên của tôi có bạn mới học năm 3 đã làm giám sát cửa hàng, sau đó lên quản lý, giám sát nhiều cửa hàng hơn. Cơ hội tiến thân trong các chuỗi tập đoàn nước ngoài là rất nhanh", cô Trang nói.
Ngoài ra, năm nào cô Trang cũng hướng dẫn sinh viên nhận hợp đồng và làm bàn cho lễ hội bia của một hãng bia lớn tại Hà Nội. Hợp đồng đó thu về hơn 100 triệu, số tiền này chuyển vào quỹ của các bạn sinh viên tham gia, các bạn có thể dùng làm tình nguyện hoặc tái đầu tư.
Cô cũng dạy sinh viên làm các công thức đồ uống để bán cho các chung cư, quản trị đầu vào đầu ra của sản phẩm.
Kỹ năng của sinh viên trong thời buổi "vạn người bán, trăm người mua"
Cô Trang cho rằng, sinh viên học nghề cần phải đáp ứng 3 yếu tố: giỏi nghề, giỏi tiếng Anh, có bộ kỹ năng thiết yếu.
Bộ kỹ năng mà sinh viên cần là kỹ năng công nghệ, giải quyết các vấn đề xã hội. Các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình là cần thiết, nhưng đã lỗi thời.
Cô Trang thường hướng dẫn sinh viên các kỹ năng phân tích đổi mới, chiến lược học tập, giải quyết vấn đề xã hội phức tạp, lập trình công nghệ. Một số kỹ năng hiện nay thế giới cần là khả năng phục hồi, chịu đựng căng thẳng và tính linh hoạt.
"Ví dụ tôi đưa ra một bộ 10 kỹ năng, nếu em nào đáp ứng được 5/10 thì đủ tiêu chuẩn vào tập đoàn Vingroup. Như vậy sinh viên sẽ biết mình có gì và thiếu gì cần cải thiện.
Bây giờ không phải trăm người bán, vạn người mua nữa mà là vạn người bán trăm người mua. Nếu không cập nhật liên tục những kỹ năng tầm quốc tế trong thời đại 4.0 thì không thể tồn tại được", cô Trang nói.
Cô Trang sở hữu thẻ đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia, đủ năng lực đi chấm thi tay nghề, thẩm định nghề
Cô Trang thường đặt mình ở vị trí xin việc vào các tập đoàn lớn để biết hiện tại họ đang yêu cầu những gì. Từ đó vừa được học hỏi thực tế, vừa cập nhật kỹ năng để dạy lại cho sinh viên.
"Khi hỗ trợ làm việc cho các tập đoàn lớn, các chuỗi nhà hàng, tôi thường không quan tâm đến lương, tôi quan tâm mình làm việc cho họ thì sẽ học được gì?
Lợi thế nữa là mỗi lần trực tiếp đi nước ngoài, tôi được các đối tác, doanh nghiệp tin tưởng. Bản thân tôi vừa dạy họ, vừa được họ hỗ trợ tìm hiểu năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài.
Nhờ vậy mà nếu bây giờ tìm một giảng viên giỏi nghề, thì mình là của hiếm. Trường ĐH Kinh tế quốc dân, hay trường Đại học Mở Hà Nội thường xuyên mời tôi về giảng dạy là vì tôi có kỹ năng nghề tốt, chứ giảng viên của họ không hề thua mình về kiến thức", cô Trang nói.
Cô Trang cho rằng, học đại học hay học nghề, con đường nào cũng ổn. Chỉ số đam mê sẽ quyết định một học sinh có nên học nghề hay không. Nếu một học sinh thích học đại học nhưng không đủ khả năng, thì có thể chọn học nghề, sau đó học liên thông lên đại học. Như vậy vừa có bằng đại học, vừa có bằng nghề thì sẽ có nhiều lựa chọn công việc hơn.
"Thế giới ngày càng chuyển dịch. Nếu chăm chỉ và yêu thích làm nghề, thì học nghề sẽ là con đường rất sáng sủa để các bạn lựa chọn", cô Trang nói.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.
Nguồn gdnn.gov.vn