Người trẻ học và làm nghề không chỉ bằng tấm bằng Đại học

Ngày 26/7/2021 trở thành một ngày quan trọng với gần 1 triệu học sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (TN THPT) năm 2021. Trong số này, sẽ có khoảng 30% thí sinh không đủ điều kiện đậu vào các trường Đại học. Vậy đâu là cánh cổng trường phù hợp cho các em trong giai đoạn tiếp theo?

Lựa chọn trường có chất lượng đào tạo tiệm cận với yêu cầu thị trường

Đại học là một môi trường tốt với sinh viên có đủ năng lực để học tập theo hướng tư duy nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh sau tốt nghiệp THPT đều có thể đủ năng lực nghiên cứu và phù hợp với bậc đại học. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 và Cách mạng Công nghiệp 4.0 là "cú sốc kép" đối với thị trường lao động toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng mạnh đến những thị trường kinh tế trung bình như Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Điều này đòi hỏi nhân sự trẻ chuẩn bị bước vào thị trường lao động cạnh tranh gay gắt phải được trang bị kỹ năng nghề vững vàng, kiến thức đáp ứng kịp với sự thay đổi và thái độ làm việc tích cực. Những em không có năng lực phù hợp nên tránh tâm lý vào đại học bằng mọi giá, có thể cân nhắc đến những trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tại đây, chương trình đào tạo được cập nhật tiệm cận với yêu cầu nhà tuyển dụng khi các trường hàng năm mời doanh nghiệp tham gia thẩm định mức độ phù hợp của giáo trình với thực tế sản xuất – kinh doanh ngoài thị trường. Trong quá trình đào tạo, các trường trung cấp cao đẳng đã nỗ lực thay đổi kịp với thời đại, chất lượng dần được nâng cao, phù hợp với hướng project based learning (học theo dự án), chú trọng thời gian thực hành nghề và vun đắp kỹ năng cho sinh viên, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và tuyển dụng nhân lực kỹ thuật cao.

Thạc sỹ Phan Thị Mai Trang – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Mỹ cho biết “Tại Cao đẳng Việt Mỹ, chúng tôi mời các doanh nghiệp đối tác tham gia đánh giá chương trình đào tạo của trường qua lăng kính thực tiễn để kịp thời điều chỉnh với yêu cầu nhân sự từ thị trường và từ đó tạo ra sự tiệm cận giữa đào tạo trong nhà trường và tuyển dụng của doanh nghiệp”

Không một ai bị bỏ lại phía sau trên con đường nghề nghiệp

Chất lượng đầu ra của giáo dục đào tạo bị ảnh hưởng bởi chất lượng đầu vào và kết quả của quá trình đào tạo học viên tại cơ sở. Hiện nay, phần lớn các trường đại học đưa ra điều kiện xét tuyển dựa vào điểm thi TN THPT hoặc học bạ 03 năm THPT. Tuy nhiên, việc xét tuyển chỉ dựa vào điểm thi 3 môn không phản ánh hết được những kỹ năng phẩm chất cần thiết để lựa chọn người học phù hợp với một ngành nghề. Những học sinh có điểm xét học bạ thấp hơn chưa chắc không có đam mê và tố chất phù hợp bởi vì chúng ta có đến 7 loại trí thông minh. Chính vì vậy, các trường cao đẳng – trung cấp luôn chào đón tất cả học sinh, dù điểm thi của các em có thấp hay cao cũng không ảnh hưởng đến mục đích học tập và cơ hội nghề nghiệp tương lai.

Đại diện doanh nghiệp tham gia tuyển dụng ngay tại lễ tốt nghiệp

Cá biệt hơn, một số trường cao đẳng cho biết hàng năm có đến gần 50% sinh viên là những em chuyển từ các trường đại học sang. Phần lớn các em chia sẻ rằng sau thời gian ở đại học các em nhận ra mình không phù hợp với phương pháp giảng dạy, lựa chọn sai nghề và sai cả định hướng tương lai. Tại Cao đẳng Việt Mỹ, trường này cho biết hàng năm có hơn 30% sinh viên nhập học là các em chuyển từ các trường Đại học sang, có những em đã học đến năm cuối nhưng vẫn quyết tâm chuyển ngành.

Công tác hướng nghiệp và lộ trình đào tạo tại các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được thay đổi theo yêu cầu của xã hội. Từ lúc nhập học cho đến khi tốt nghiệp, các em sẽ trải qua 03 giai đoạn, bao gồm: Xây dựng kỹ năng cơ bản, hình thành kỹ năng nghề nghiệp, thực hành kỹ năng nghề. Ở đó, người học sẽ được đào tạo theo phương châm thực hành với thời lượng quy định chiếm 70% thời gian học; tiếp cận và học tập với doanh nghiệp từ học kỳ I và làm việc theo dự án. Bên cạnh đó, một số trường còn tạo thêm những khoá kỹ năng định hướng trong học tập và làm việc cũng như nâng cao kỹ năng ngoại ngữ.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.

Nguồn danviet.vn

Bình luận