Ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học

“Nhận thức về GDNN từ Trung ương tới địa phương, cơ sở GDNN và doanh nghiệp, từ cán bộ tới người dân thay đổi căn bản. Ngày càng nhiều gia đình chọn trường nghề cho con em theo học, dù đủ điểm học đại học”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương thông tin về một trong những điểm nhấn của GDNN trong năm 2020.

Ngày 28/12, Tổng cục GDNN đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã về dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Khẳng định vai trò, vị trí của GDNN

Điểm lại những kết quả nổi bật của năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng ngành GDNN đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đạt được nhiều kết quả tiến bộ.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương thông tin về những kết quả của GDNN trong năm 2020

Tuyển sinh giai đoạn 2016-2020 vượt kế hoạch (nhiều năm trước đó chỉ đạt 60-70%). Kết quả phân luồng sau trung học, nhất là trung học cơ sở tốt hơn nhiều các năm trước. Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương, trong bối cảnh công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo bị gián đoạn và phải thay đổi nhiều do tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19,  các cơ sở GDNN đã áp dụng linh hoạt và đa dạng các phương pháp giảng dạy.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo đã được hầu hết các cơ sở GDNN ứng dụng các phần mềm tin học trong công tác quản lý đào tạo (từ khâu quản lý công tác tuyển sinh; xây dựng, quản lý kế hoạch đào tạo; quản lý kết quả đào tạo; quản lý văn bằng tốt nghiệp,…). Nhiều trường đã thực hiện tuyển sinh online, quản lý kết quả đào tạo online…

Năm 2020 cũng là năm đặt dấu ấn quan trọng với GDNN khi lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị riêng về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Cũng trong năm này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam là ngày 4-10 hàng năm để tôn vinh và lan tỏa giá trị của lao động có kỹ năng nghề, kêu gọi cộng đồng trách nhiệm đối với phát triển GDNN.

“Điều này thể hiện rõ vai trò, vị trí của GDNN không chỉ đơn thuần là trang bị kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp cho người học, mà còn là lực lượng quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương cho biết.

Chất lượng và hiệu quả GDNN từng bước được nâng cao. Năm 2019, chất lượng GDNN của Việt Nam tăng 13 bậc, cao nhất trong ASEAN. Lần đầu tiên Việt Nam có huy chương bạc ở cuộc thi kỹ năng nghề thế giới sau 7 kỳ thi với 14 năm tham dự, xếp thứ 25/53 quốc gia, vùng lãnh thổ có thí sinh dự thi (15/63 quốc gia và vùng lãnh thổ không có huy chương).

Tổng cục GDNN đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt phân luồng. Nhiều mô hình, cách làm mới mang tính đột phá đã được triển khai như: mô hình 9+, mô hình đào tạo chất lượng cao theo chương trình chuyển giao của nước ngoài; tuyển sinh gắn với tuyển dụng; hội đồng kỹ năng ngành; đại sứ nghề…

Cũng trong năm 2020, Tổng cục GDNN đã tổ chức nhiều sự kiện lớn thành công như: Diễn đàn Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; Lễ Tuyên dương học sinh sinh viên GDNN xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc; tôn vinh nhà giáo GDNN tiêu biểu xuất sắc; ngày hội khởi nghiệp quốc gia…

Dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng cũng đã ghi nhận kết quả đạt được của GDNN, đồng thời, lần đầu tiên trong dự thảo văn kiện có dành sự quan tâm, định hướng rõ nét để phát triển GDNN trong thời gian tới.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Tham luận tại Hội nghị, nhiều ý kiến đại diện các bộ, ngành đều đánh giá cao những kết quả GDNN đã đạt được của trong năm 2020. Theo TS Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), công tác đào tạo nghề ngày càng giữ vai trò quan trọng. Điều này được minh chứng bởi những chủ trương của Đảng trong các Nghị quyết, trong Luật GDNN…Công tác GDNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội.

Dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐ – TB&XH.

Ý kiến tham luận của đại diện các bộ, ban, ngành tại Hội nghị cũng chỉ ra nhiều vấn đề của GDNN cần quan tâm triển khai trong thời gian tới. Theo TS Nguyễn Đắc Hưng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), Nghị quyết 29, Nghị quyết 19 của Trung ương đã đặt ra yêu cầu sắp xếp lại hệ thống các cơ quan hành chính sự nghiệp, trong đó có GDNN. Việc sắp xếp cơ cấu lại hệ thống GDNN theo đó là một nội dung quan trọng và cần ưu tiên triển khai.

Cũng theo TS Nguyễn Đắc Hưng, trong bối cảnh thực hiện chủ trương gắn kết GDNN gắn chặt với nhu cầu DN thì vấn đề đặt ra là nhu cầu xã hội với ngành nghề rất nhanh, nhiều ngành nghề chưa có đào tạo. Nhiều trường phát triển năng động đã phải xây dựng chương trình đào tạo riêng. GDNN phải xem lại chuẩn kỹ năng nghề. Không thể giữ tư duy cũ, cung cấp cái chúng ta có chứ không phải những cái doanh nghiệp cần. Ngoài ra cần quan tâm triển khai chuyển đổi số trong GDNN.

Ông Phạm Văn Sơn (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, GDNN cần phải tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo; đồng thời thực hiện bắt tay, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo GDNN…

Tạo thế và lực mới trong phát triển GDNN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả GDNN đã đạt được trong năm 2020. Theo Thứ trưởng, nhận thức về GDNN đã có những bước chuyển tích cực, khác với trước đây.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, công tác GDNN luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người học và toàn xã hội quan tâm; đặc biệt là Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ và toàn ngành LĐ- TBXH đã dành nhiều tâm huyết lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Để thực hiện quả công tác GDNN, nhất là thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý, trong năm 2021, Tổng cục GDNN  tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế. Sắp tới tham mưu xây dựng và trình Ban Bí thư chỉ thị với nội hàm đổi mới phát triển GDNN trong thời đại mới.

Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 của Ban cán sự đảng Bộ về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030.

Quan tâm công tác tuyển sinh, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động.

Tập trung tham mưu có chất lượng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030. Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào GDNN; phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm 40%. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN…

Thực hiện đào tạo đặt hàng theo đầu ra; tăng cường kiểm định, hậu kiểm theo hướng trả chi phí theo đầu ra; sớm chấm dứt việc đăng ký, giao chỉ tiêu hoạt động GDNN. Chú ý kết nối cung cầu lao động, hạn chế tối đa tình trạng đào tạo không gắn với cung cầu của thị trường lao động.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp LĐ-TB&XH cho 21 cá nhân thuộc Tổng cục GDNN đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp LĐ-TB&XH.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cũng lưu ý Tổng cục GDNN quan tâm việc đào tạo nghề lao động nông thôn. Phối hợp với ngành dệt may, giày da thực hiện thí điểm đào tạo và đào tạo lại từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp giao cho các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo. Phối hợp với các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở GDNN…

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế - khu vực ASEAN- về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức Nhà trường hiện nay là 78 người.Trường có 6 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các khoa cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.
Nguồn nghenghiepcuocsong.vn
Bình luận