Lôi cuốn học trò bằng tình yêu và lòng nhiệt thành
“Điều gì níu giữ những người thầy ở lại với nghề? Chỉ có tình yêu được thắp lên từ thời thanh xuân thì chưa đủ, mỗi người thầy sẽ phải cố gắng rất nhiều để giữ cho tình yêu ấy luôn ấm nóng”... Đó là tâm sự của Trưởng khoa May thời trang, trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam Trần Thị Sen. Với cô, ước mơ làm nhà thiết kế thời trang từ khi còn nhỏ nhưng lại trở thành một giảng viên kỹ thuật may quả là một hành trình chuyển đổi không dễ.
Hành trình tới đam mê
Từng là một sinh viên ưu tú của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, giảng viên Trần Thị Sen (sinh năm 1984) chia sẻ, khi bước chân vào giảng đường đại học với chuyên ngành May thời trang, nhà giáo Trần Thị Sen luôn mong muốn trở thành 1 nhà thiết kế thời trang. Đến năm học thứ 3, dưới sự dìu dắt của các thầy cô đã khơi dậy trong Sen ước mơ được đứng trên bục giảng của giảng đường để truyền thụ kiến thức cho các bạn học sinh – sinh viên.
Cô giáo Trần Thị Sen - Trưởng khoa May thời trang trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam
Ra trường với tinh thần tự lập, cô Sen cũng trải qua khá nhiều thăng trầm của cuộc sống với nhiều công việc như làm may, thợ kỹ thuật trong công ty may, giảng viên thỉnh giảng của các trung tâm dạy nghề. Dẫu bộn bề với cuộc sống nhưng đam mê được đứng trên bục giảng trong cô vẫn luôn cháy bỏng giúp cô tiếp tục duy trì công việc giảng dạy tại các trung tâm.
Nhờ cơ duyên, năm 2009 cô Sen được tiếp nhận công tác tại trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam với vị trí là giáo viên giảng dạy đúng chuyên ngành May thời trang. “12 năm công tác tại trường, đó là cả 1 quá trình phấn đấu, với vô vàn gian nan vất vả và biết bao sự đổi thay nhưng có 1 điều chưa bao giờ thay đổi đó là tình yêu mà tôi giành cho nghề giáo. Đến nay, tôi nghiệm ra rằng, nghề giáo viên dạy nghề đã chọn tôi” - cô Trần Thị Sen chia sẻ .
Khi được hỏi về những khó khăn của một giáo viên dạy nghề cô Sen cười nhẹ và nói, khó khăn hẳn nghề nào cũng đều có, nhưng vượt lên được những khó khăn của một nghề được coi là “cao quý nhất trong những nghề cao quý” thì không chỉ cần cố gắng mà hơn cả đó là tâm huyết. Nghề giáo, đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt đem hết sức mình cống hiến cho thế hệ tương lai của đất nước. Vượt qua được những thử thách đó thì sẽ trở thành 1 nhà giáo có bản lĩnh, có tâm, có đức và có tài. Đối với những giáo viên dạy nghề, động lực níu chân họ là khi thấy những thế hệ học sinh, sinh viên của mình trưởng thành cả về sự nghiệp và nhân cách sống. Điều đó tiếp thêm động lực cho các thầy cô – những người gánh vác công việc “đưa đò” trong nhà trường để tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên có tay nghề cao giúp ích cho sự phát triển của đất nước và xã hội”.
Những gì từ trái tim sẽ đến với trái tim
Đó chính là tâm niệm mà cô giáo Trần Thị Sen luôn mang trong mình suốt 12 năm làm nghề. Giảng dạy tại một trường nghề có nhiều liên kết với các trường tại địa phương, nên những chuyến công tác dài ngày đối với cô không còn xa lạ. Khó khăn cũng có mà kỷ niệm cũng nhiều.
Cô Sen nhớ như in những ngày tại Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái khi cô và các đồng nghiệp đang giảng dạy kỹ thuật may cho các em đồng bào dân tộc Mường. Các học sinh ở đây có tính tự phát cao nên nhiều khi cô vừa phải dạy vừa phải động viên các em cố gắng học tập để không bỏ giữa chừng. “Tôi rất thương các em vì có những học sinh hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, thiếu thốn từ cái áo, cái quần. Thực tâm lúc đó chỉ muốn giúp các em có được cái nghề để cải thiện cuộc sống. Gần đây, tôi hướng dẫn các em kỹ thuật thiết kế thời trang trên giấy, ngoài 40 tiết học theo chương trình chính quy tôi vẫn giành thời gian buổi tối phụ đạo thêm cho các em. Tôi luôn nghĩ, những gì mình làm được thì mình phải cố để giúp học sinh, làm sao cho hết môn học nào thì kỹ năng môn đó phải thuần thục”, cô Sen chia sẻ.
Nhờ sự tận tâm của cô giáo Sen mà nhiều học sinh tại các địa phương đã học được nghề may và tìm được niềm đam mê với nghề nghiệp, có em làm thợ, có em làm ở tổ thiết kế, có người làm ở phòng kỹ thuật tại nhiều công ty may lớn. Những lần gặp nhau, các học sinh vẫn trìu mến gọi cô với tên “U Sen” giống như một người mẹ thứ 2 trong cuộc đời. Cũng nhờ vậy mà cô Sen đã trở thành nhà giáo có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhưng có lẽ, với một giáo viên như cô Trần Thị Sen niềm vui lớn nhất không phải bao nhiêu học trò nhớ tới mình mà là thật nhiều những học viên sống được bằng nghề.
Hiện nay do chế hội nhập, yêu cầu về tay nghề lao động ngày càng cao khiến những giáo viên như cô Sen cũng luôn phải cố gắng thay đổi bản thân và phương pháp đào tạo. Với vai trò là một nhà quản lý, cô đã kết nối để hàng năm đội ngũ giáo viên vẫn được thực tế tại doanh nghiệp để tiếp cận những máy móc, công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực bản thân và truyền đạt kiến thức mới cho học sinh – sinh viên.
Công tác đào tạo cũng được cô và nhà trường sắp xếp tăng thời lượng thực hành (80% chương trình), ngoài ra các em được học tập kết hợp sản xuất ngay tại trường, đồng thời cho học sinh đi thực tế doanh nghiệp hàng năm để học sinh, sinh viên có thể tiếp cận với những đơn hàng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Không giấu nổi sự tự hào, nhà giáo Trần Thị Sen chia sẻ, “nhiều em mới học năm 2-3 đã được các doanh nghiệp mời làm bán thời gian và có thu nhập tương đối tốt. Đây có lẽ là điều làm tôi vui nhất của cuộc đời giáo viên chứ phải những giải thưởng, thành tích nào cả”!
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường Công lập trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, sau đó là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Nhà trường có chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ cao cho khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng như cho xã hội.
Trải qua gần 20 năm hình thành và phát triển, với hệ thống cơ sở vật chất không ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao. Với chức năng nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Sơ cấp nghề, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam đã được Bộ Lao động Thương binh - Xã hội chọn là trường có các nghề Trọng điểm cấp Quốc gia về đào tạo các nghề Kỹ thuật và cấp Quốc tế - khu vực ASEAN về đào tạo các nghề Mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện phương thức đào tạo gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG KỸ THUẬT - MỸ NGHỆ VIỆT NAM
Đ/C: Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội
Hotline: 024 36780857; 0982 648 635
Nguồn daibieunhandan.vn