Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 trong "Giông bão"
HAI LẦN SỐNG TRONG ĐẠI DỊCH
Tháng 3/2003, khi sinh cô con gái, cả nhà chị Thùy Linh (Quận 2, TP.HCM) vui mừng khôn xiết. Không chỉ vì nhà chị vừa bắt được “dê vàng” vì sinh vào năm Quý Mùi, mà chị đã về đích trong bối cảnh dịch Sars đang hoành hành. Căn bệnh ám ảnh đó sau này được thống kê là có tỉ lệ tử vong lên tới 9,6%.
Đúng 18 năm sau, khi con gái phải “vượt vũ môn” - kỳ thi tốt nghiệp quan trọng nhất của đời học sinh, gia đình chị và con lại đối mặt với đại dịch toàn cầu Covid-19 - cũng một căn bệnh về hô hấp như chị đã từng đối mặt khi con được sinh ra.
TP.HCM quyết định tổ chức thi vào đợt 1 khiến chị Linh cũng như hàng chục nghìn ông bố, bà mẹ khác đặt câu hỏi sao lại thi vào lúc này… Nhưng cuối cùng, sáng ngày 6/7, chị là người đưa con đến điểm thi ở trường Trần Đại Nghĩa.
“Tôi cho con đi thi trong lo lắng. Nhưng việc đi hay không là do con quyết định, và tôi tôn trọng” - chị Linh chia sẻ.
Trưa ngày 6/7, khi nghe tin có thí sinh dương tính ở điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn, chị và nhiều người khác như ‘tê cứng’, nỗi lo đã trở thành hoảng sợ. Một người bạn cùng lớp của con thi cùng phòng với thí sinh này, phải ở lại trường buổi tối.
“Tôi đã rơi nước mắt vì thương. Các con đã phải trải qua những ngày thi quá khắc nghiệt, với trước đó là hai năm học cuối cấp gian nan với những tháng dài học online, xa thầy, xa bạn”…
Trong hai ngày thi tốt nghiệp ở TP.HCM đã có nhiều thí sinh liên quan đến Covid-19, hàng chục thí sinh bị cách ly. Đây cũng là nơi duy nhất có điểm thi “giữ” thí sinh lại qua đêm do chung phòng với F0, và cũng là nơi có nhiều điểm thi phát hiện các ca nghi nhiễm cũng như thí sinh diện F1 nhất.
Ngoài ra, còn 404 thí sinh tại hai điểm thi ở TP Nha Trang, 257 thí sinh tại 1 điểm thi ở Đồng Tháp, 472 thí sinh tại 1 điểm thi ở Bắc Giang và 2 điểm thi ở Phú Yên đã phải dừng thi khi chưa kịp bắt đầu hoặc đang thi dang dở vì phát hiện thí sinh nhiễm nCoV…
Trước kì thi này, nhiều thầy cô giáo và học trò ở Bắc Ninh, Bắc Giang… đã bất ngờ phải đi cách ly tập trung trong những ngày nước rút ôn tập.
Những học sinh lớp 12 có một năm học cuối cấp không trọn vẹn. Đây có lẽ là lứa học sinh gặp nhiều 'éo le' khi có 2 năm liền học hành trong sự bất an trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
So với năm ngoái - năm nay, dịch Covid-19 phức tạp hơn rất nhiều.
NỖ LỰC TRONG ÁP LỰC
15h30 ngày 8/7, giờ làm bài thi Tiếng Anh – môn thi cuối cùng của đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp năm 2021 kết thúc. Những người tổ chức thi ít ra có thể ‘nhẹ nhõm’ phần nào.
Quyết định thi tốt nghiệp THPT đợt 1, TP.HCM - ổ dịch lớn nhất nước phải chịu áp lực nặng nề. Đối mặt với những bất an nhưng mọi cố gắng cho kỳ thi đã được thực hiện với quyết tâm cao nhất. Hơn 100.000 thí sinh và cán bộ, giáo viên đã được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 một cách ‘thần tốc’ chỉ 2 ngày trước khi kì thi được bắt đầu.
Tối ngày 8/7, tại cuộc họp báo sau khi kết thúc kỳ thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định kỳ thi tại TP.HCM diễn ra trong điều kiện vô cùng căng thẳng nhưng đến lúc này, việc tổ chức kỳ thi là thành công.
Người đứng đầu ngành giáo dục TP.HCM trải lòng: “Tôi là một giáo viên và hiểu rằng kết thúc năm học thì áp lực kỳ thi và mong muốn được thi.
Qua khảo sát hơn 85.000 phụ huynh chúng tôi thấy mâu thuẫn giữa nguyện vọng của phụ huynh với học sinh. Có 63,58% phụ huynh đồng ý cho con dự thi đợt 1 nhưng trong số này, có 29,97% phụ huynh đồng ý cho dự thi và yên tâm; 33,61% phụ huynh đồng ý cho con dự thi đợt 1.
Ngoài ra, khi đặt vấn đề thi lần 2 thì các em thấy rất căng, cảm thấy nặng nề nên rất muốn thi lần 1. Sau khi Bộ GD-ĐT cho phép tổ chức kỳ thi thành 2 đợt, thì có tới 95,26% số thí sinh đăng ký thi đợt 1, điều đó cho thấy nguyện vọng các em thi lần đầu rất lớn.
Do vậy là người tham gia tổ chức, chúng tôi mong muốn đáp ứng nguyện vọng của các em”.
Trước việc nhiều thí sinh liên quan đến Covid-19 vẫn đi thi, ông Hiếu nói là người tham mưu cho thành phố ông “có trách nhiệm rất lớn”. Cần nói thêm là, từ năm 2018 đến nay, ngay cả khi không có dịch Covid-19, Sở GD-ĐT TP.HCM đã từng hơn một lần kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.
Trước đó hơn 1 giờ đồng hồ, tại Hà Nội, trong họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ GD-ĐT tổ chức, ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng) cho hay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh rất nhiều thách thức, dịch Covid-19 rất phức tạp, khó lường, tuy nhiên kỳ thi "cơ bản đạt được mục tiêu đảm bảo an toàn cho thí sinh".
“Những tình huống bất ngờ đều nằm trong kịch bản tổ chức kỳ thi và khi diễn ra, đã ngay lập tức được kích hoạt. Do đó, hoàn toàn không có sự bị động” – ông Mai Văn Trinh khẳng định.
Sự cố nghiêm trọng nhất liên quan đến coi thi bị phát hiện tới thời điểm này là trong buổi thi môn Toán chiều 7/7, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin đề thi tốt nghiệp THPT bị lọt ra ngoài.
Bộ GD-ĐT đã cùng cơ quan công an vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc. Đến nay, bằng các biện pháp nghiệp vụ cơ quan công an đã xác định được thí sinh mang điện thoại vào điểm thi Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình. Sự việc đang được làm rõ để có hình thức xử lý phù hợp.
Trên thực tế, với mùa thi năm nay, chỉ trong vòng gần 3 tháng, Bộ GD-ĐT đã khẩn trương đưa ra hàng loạt quyết định tùy theo diễn biến của dịch Covid-19.
Ngay khi mới đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng GD-ĐT, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ dành sự quan tâm, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, bảo đảm an toàn từ chuẩn bị đề, chấm thi, xác nhận kết quả, công bố điểm, đăng ký xét tuyển…
Tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh/thành phố diễn ra cuối tháng 5, ông Sơn khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được chuẩn bị với tinh thần “không lơ là, chủ quan nhưng cũng không lo lắng cực đoan, hướng tới bảo đảm mục tiêu kép: Kết quả kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, chất lượng; đồng thời bảo đảm an toàn cao nhất cho lực lượng tổ chức thi, thí sinh và các đối tượng có liên quan”.
Quyết định sát ngày thi nhất của Bộ GD-ĐT chính là việc đồng ý tổ chức thi cho các thí sinh F1, F2 vào các ngày 7-8/7/2021 nếu thí sinh có nguyện vọng và địa phương đảm bảo các điều kiện an toàn.
Cũng theo đề xuất từ địa phương, một ngày trước đó (5/7), Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký công văn về việc chuyển đổi Hội đồng thi cho các thí sinh do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Với những quyết định giờ chót này, 41 thí sinh F1, F2 được thi luôn đợt 1 ở điểm thi riêng tại Trường THPT Võ Chí Công. Đà Nẵng chuẩn bị các điều kiện an toàn cũng như hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh từ đưa đón đến chỗ nghỉ ngơi, ăn uống.
67 thí sinh khác có nơi cư trú ở các địa phương Cà Mau, Lâm Đồng, Quảng Trị, Huế, An Giang… đã đăng ký dự thi tại Hội đồng thi TP.HCM có nguyện vọng chuyển đến dự thi ở Hội đồng thi nơi thí sinh đang ở hiện tại đã được thay đổi địa điểm thi.
Còn tại nhiều địa phương, ngay từ khi dịch bùng phát trở lại, ngành giáo dục và chính quyền đã xây dựng những kịch bản thi khác nhau để ứng biến. Có thể nói, cả hệ thống chính trị đã dồn tổng lực để đảm bảo kì thi tốt nghiệp THPT diễn ra thuận lợi nhất có thể.
Ông Chử Xuân Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết kinh nghiệm từ năm trước, Hà Nội còn phải chuẩn bị cả những địa điểm dự phòng cho tình huống phải di chuyển cả một điểm thi vì mục đích an toàn cho thí sinh.
Tại Bắc Ninh - nơi có nhiều học sinh lớp 12 và cán bộ giáo viên trong diện F0, F1, F2 nhất, theo ông Nguyễn Thế Sơn - Phó giám đốc Sở GD-ĐT, tỉnh đã xây dựng cả phương án tổ chức điểm thi riêng cho học sinh đang phải cách ly tập trung tùy trường hợp số thí sinh này nhiều hoặc ít hơn 2 phòng thi..
Các tình huống như trong quá trình thi có thí sinh ho, sốt, khó thở, thí sinh đột ngột trở thành F1, F2 qua truy vết… cũng được các tỉnh đặt ra để tập dượt cách xử lý.
Một số địa phương yêu cầu học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên tham gia kỳ thi không ra khỏi địa bàn cư trú trước kỳ thi. Hàng loạt địa phương khẩn trương tiêm phòng cho cán bộ giáo viên tham gia thi, xét nghiệm nhanh trước thi cho thí sinh…
Với những nỗ lực này, trong 1.021.340 thí sinh đăng ký dự thi của năm nay, số thí sinh không thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của Covid-19 là 23.569 thí sinh (chiếm 2,31%).
Đợt 1 Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đã về đích “nghiêm túc, an toàn”, như ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), nhìn nhận.
ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN THAY ĐỔI
Cả nước hướng về TP.HCM, nhiều người rơi nước mắt khi thành phố sôi động nhất nước thực hiện giãn cách chỉ vài giờ sau khi kì thi tốt nghiệp THPT kết thúc. Sài Gòn đã ‘nín thở’ để hơn 85.000 thí sinh bước vào kì thi quan trọng nhất của đời học sinh trong những ngày qua.
Một thầy giáo ở TP.HCM đã thốt lên “Sự may rủi đã được đẩy lên mức cao nhất. Giả sử các em F1 thành F0, hay có thêm nhiều ca nhiễm sau kì thi, thì đó sẽ là sự hối hận của người lớn”.
Năm ngoái, khi gọi kì thi tốt nghiệp THPT là ‘chưa từng có’ trong lịch sử, cùng với những thành công trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam, ít ai ngờ, chúng ta lại một lần nữa phải dùng đến cụm từ này. Kỳ thi năm nay diễn ra trong ‘vòng vây’ của Covid-19 khi dịch lan tới 55 tỉnh, thành với hơn 20.000 ca nhiễm.
“Tại sao không thể bỏ kỳ thi cuối cấp THPT, thay vào đó là xét tốt nghiệp?”.
Chia sẻ bên lề buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra chiều 8/7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay kỳ thi tốt nghiệp là sự kiện thường niên. Mặc khác, tại thời điểm quyết định tổ chức thi, tình hình dịch đang trong tầm kiểm soát.
Hơn nữa, theo quy định của Luật Giáo dục, phải tổ chức kỳ thi mới có căn cứ xét tốt nghiệp THPT.
"Việc dừng tổ chức thi hay không phải báo cáo và được Quốc hội đồng ý. Chúng tôi sẽ có lộ trình báo cáo việc này, chứ không thể tự nhiên dừng ngay được", ông Độ nói.
Rõ ràng, nếu dừng kỳ thi vào năm nay thì không phải không có những bất cập. Các trường đại học đã được tự chủ trong tuyển sinh, nhưng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Với phương thức xét tuyển bằng học bạ, không ít người phản đối bởi nỗi nghi ngờ về nền giáo dục ‘học thật, thi thật’ đã bám rễ rất sâu vào tâm trí của người Việt. Với phương thức xét tuyển tài năng hay dùng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT… thì hiện tại chỉ dành cho số ít.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần nghĩ đến sự thay đổi. Luật Giáo dục 2019 sau 1 năm có hiệu lực (từ 1/7/2020) đã bộc lộ không ít bất cập, trong đó có việc chưa tính đến bối cảnh đất nước gặp thiên tai hay đại dịch như Covid-19.
Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, một người đã có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục, thì từ kỳ thi này: “Nếu Bộ GD-ĐT thay đổi thì chính Bộ trong chỉ đạo thi sẽ không phải lâm cảnh "bắt nước đuổi gà", và, các tỉnh thành không phải lúng túng, đợi chờ rồi nơm nớp quyết định thi hay dừng lại”.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.
Nguồn vietnamnet.vn