Kinh nghiệm các nước trong việc đưa nội dung phát triển HTX vào các cơ sở đào tạo - Bài học vận dụng cho Việt Nam
Hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tự chủ mang bản chất xã hội, được thành lập vì mục tiêu đáp ứng các nhu cầu kinh tế, văn hoá, xã hội của các thành viên, thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, xã hội.
Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo cùng đồng chí Phạm Thị Hồng Yến- Trưởng ban Hợp tác Quốc tế trong chuyến công tác học tập kinh nghiệm tại nước ngoài
Hợp tác xã với những nguyên tắc tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết, với những giá trị đầy tính nhân văn như trung thực, cởi mở, trách nhiệm với xã hội và quan tâm đến mọi người, đến cộng đồng – phát triển rộng rãi trên khắp thế giới như là những tổ chức liên kết, tự trợ giúp của người dân nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, vượt qua những khó khăn, trở ngại mà từng cá nhân riêng lẻ không thể thực hiện được hoặc thực hiện không hiệu quả.
Theo đánh giá của Tổ chức Liên Hợp quốc, HTX là công cụ giúp người nghèo nâng cao vị thế kinh tế xã hội, là công cụ hữu hiệu trong tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, nâng cao vị thế kinh tế - xã hội của người nghèo, các nhóm yếu thế, là những tổ chức trách nhiệm xã hội, có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng xã hội, tăng cường hội nhập xã hội, góp phần phát triển, lưu giữ các giá trị văn hoá truyền thống.
Để tăng cường nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển HTX của xã hội, đặc biệt trong giới trẻ, nhiều quốc gia đã và đang đưa kiến thức về phát triển HTX vào chương trình giáo dục tại các trường học dưới nhiều hình thức khác nhau, sau đây là những kinh nghiệm: Đưa nội dung về hợp tác xã, phát triển hợp tác xã vào các chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo của các nước trên thế giới; Chủ động, sáng tạo kết hợp nội dung về hợp tác, HTX vào các hoạt động trong trường học từ mẫu giáo.
Tại Vương Quốc Anh, nội dung đào tạo về hợp tác xã được xây dựng và đưa trong một số các chương trình đào tạo phổ thông: Vương quốc Anh là quốc gia khởi nguồn của phong trào HTX phát triển từ thế kỷ 19 hiện đang chú trọng việc giáo dục thế hệ tương lai theo định hướng HTX thông qua việc kết hợp nội dung về HTX vào chương trình học ở các cấp.
Năm 2003, Ủy ban Giá trị và Nguyên tắc của Tập đoàn HTX (The Cooperative Group) tài trợ cho một số trường tại Anh để xây dựng chương trình giảng dạy về HTX cho học sinh. Đây là những nhân tố làm tiền đề phát triển cho việc giảng dạy nội dung phát triển HTX trong các trường học. Các liên đoàn HTX đã tài trợ kinh phí cho dự án xây dựng chương trình giảng dạy để làm tài liệu có sự phù hợp với chuyên môn sẵn có của giáo viên trong những lĩnh vực khác nhau. Các nội dung về phong trào HTX quốc tế, giá trị và nguyên tắc của HTX được đưa vào trong Chương trình giảng dạy Quốc gia. Các hình ảnh minh họa trong sách gắn liền với lịch sử phát triển HTX, thiết kế tài liệu học cho các trường tiểu học.
Tại Malaysia, Tổ chức HTX quốc gia Malaysia (Angkasa) phối hợp Bộ Giáo dục và Vụ phát triển HTX Malaysia tổ chức định kì hàng năm Ngày HTX trường học cấp quốc gia và địa phương với các cuộc thi vấn đáp, thi viết luận, thi vẽ và các hội thảo với chủ đề phát triển HTX. Sự kiện này thu hút sự quan tâm, chú ý của hàng trăm học sinh tại nhiều trường học. Giải thưởng của các cuộc thi là một chuyến thăm quan HTX và trường đại học ở các nước ASEAN. Người chiến thắng cuộc thi vấn đáp sẽ có cơ hội trải nghiệm tới thăm các HTX trên toàn thế giới như Manchester, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc. Thông qua sự kiện này, Angakasa đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về HTX của học sinh.
Tại Philipine, Nhật Bản, Đài Loan… các bài đọc của học sinh tiểu học cho đến các cuộc đi thăm quan dã ngoại và thực hành của học sinh được kết hợp đưa các nội dung về vai trò của HTX, các liên đoàn hợp tác xã và tinh thần phục vụ cộng đồng, phục vụ người dân của các hợp tác xã.
Xây dựng các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên sâu về hợp tác xã. Chủ đề nghiên cứu chuyên sâu về HTX, nghiên cứu và phổ biến các giá trị, nguyên tắc của HTX tới cộng đồng có được sự quan tâm của nhiều trường đại học trên thế giới thông qua việc xây dựng các viện nghiên cứu về HTX. Tại bang Quebec, Canada, để đầu tư cho lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu HTX, tất cả các trường đại học trong bang đều có viện nghiên cứu hoặc viện hoạt động liên quan đến HTX như Viện đào tạo HTX của trường đại học Concordia, chương trình đào tạo về HTX của trường đại học Sherbrooke.
Nhiều nước đã thành lập các viện nghiên cứu chuyên sâu về HTX, như Viện Nghiên cứu Châu Âu về hợp tác xã và các doanh nghiệp xã hội Euricse của Italia là viên nghiên cứu có uy tín, được xây dựng và hoạt động trong nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và thúc đẩy nghiên cứu tri thức và sáng tạo về hợp tác xã, hoạt động hợp tác cùng với Trường đại học Trento để đào tạo tiến sĩ, thạc sỹ về hợp tác xã. Các viện nghiên cứu hợp tác xã tại các bang của Hoa Kỳ như Iowa, Missouri, viện phát triển hợp tác xã Đông Bắc Hoa Kỳ CDI; Viện nghiên cứu HTX của Trường đại học Philippine Losbanos ICOPED…. là những trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về HTX.
Các trường đại học với trọng tâm là phát triển HTX cũng được xây dựng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của các trường đại học là nâng cao trình độ, kiến thức liên quan đến phát triển HTX, phát triển cộng đồng, trang bị cho học sinh, sinh viên các kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia vào hoạt động kinh doanh của HTX và đào tạo nghề song hành, ví dụ như trường cao đẳng HTX (Anh), trường cao đẳng HTX nông nghiệp (Hàn Quốc), trường đại học HTX Kenya (Kenya)…Một số trường đại học HTX tại châu Phi thực hiện nhiều phương pháp để thúc đấy sinh viên sáng tạo, đổi mới như Trường đại học Ambo xây dựng Trung tâm đào tạo lãnh đạo HTX, Trường cao đẳng Marketing nông nghiệp Katete có các khóa học về quản lý HTX, ở Lesotho, cựu sinh viên đã tự thành lập HTX để cung cấp dịch vụ tư vấn kinh doanh cho các HTX, doanh nghiệp,…
Có quốc gia đưa ra quy định bắt buộc trong Luật giáo dục về việc đưa nội dung về hợp tác xã, phát triển hợp tác xã vào các chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo như Costa Rica, một trong những đất nước có hệ thống HTX phát triển với 21% dân số là thành viên HTX. Tại đây, HTX rất được chú trọng và đầu tư, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức về HTX trong cộng đồng. Năm 1980, Costa Rica đưa vào Luật HTX điều 6437 quy định bắt buộc giảng dạy về HTX tại tất cả các trường học, kể cả trường công lập và dân lập. Từ đó, các trường học đưa các bài giảng về HTX vào chương trình học cho các học sinh, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về HTX. Nhờ vậy, đến nay có 218 trường học đã có học sinh là thành viên của các HTX.
Một số kiến nghị, giải pháp
Thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ với mục đích xã định rõ nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện, trong đó nêu rõ nhiệm vụ tiếp tục nâng cao nhân thức về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã nhất là hợp tác kiểu mới; theo đó giao Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì nghiên cứu, tổng kết, hoàn thiện hệ thống lý luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Bộ Giáo dục và Đào tọ chủ trì nghiên cứu đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục chính quy do Bộ quản lý theo Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì nghiên cứu đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ quản lý theo Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân; Bộ Nội vụ hướng dẫn các cơ sở đào tạo của các bộ, ngành đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vào giảng dạy trong các cơ sở đào tạo của bộ, ngành; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo của Học viện, các Học viện Chính trị khu vực và các trường bồi dưỡng lý luận các cấp.
Việc đưa kiến thức, nội dung về HTX vào chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên, cũng như để đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển HTX, một số giải pháp cần lưu ý áp dụng, đó là:
- Nội dung và phương pháp đào tạo về phát triển HTX đưa vào chương trình đào tạo tại các cấp học cần linh hoạt, phù hợp với trình độ của người học từng cấp. Đối với cấp tiểu học có thể đưa các nội dung liên quan đến HTX vào các bài tập đọc; đối với cấp trung học có thể xây dựng bộ môn riêng giảng dạy về HTX; đối với cấp đại học có thể mở chuyên ngành như Quản lý HTX đào tạo những cán bộ quản lý trẻ cho chính các HTX hoặc mở các trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành về HTX.
- Chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo về HTX. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên kiến thức về HTX thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn trong nước và nước ngoài. Bồi dưỡng chuyên sâu cho giáo viên trực tiếp dạy các môn, nhóm môn có liên quan đến nội dung giáo dục địa phương. Thực hiện các chính sách ưu đãi về vật chất và tình thần tạo động lực cho giáo viên, cán bộ quản lý, có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia có kinh nghiệm và uy tín trong và ngoài nước tham gia xây dựng chương trình giảng dạy và phát triển nội dung HTX.
- Đầu tư nghiên cứu cơ bản để xây dựng chương trình giảng dạy về HTX; tổng kết kinh nghiệm quốc tế tại một số nước trên thế giới đã đưa nội dung HTX vào trường học. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và chuyên gia nhằm phát triển chương trình giảng dạy đào tạo trong trường học về các kiến thức liên quan đến HTX.
- Phối hợp với các trường học tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về phong trào HTX, KTTT từ đó khuyến khích học sinh, sinh viên cùng tìm hiểu và nâng cao nhận thức về kiến thức trong lĩnh vực HTX, thông qua đó xây dựng thói quen chủ động, học tập, tìm hiểu về HTX. Các cuộc thi cần đa dạng về hình thức tổ chức như viết luận, trả lời câu hỏi, vẽ tranh truyền thông,…
- Phối hợp với các trường học tổ chức hoạt động ngoại khóa và hoạt động trải nghiệm trong và ngoài nhà trường như thành lập câu lạc bộ HTX, tổ chức các chuyến thăm quan các HTX, để học sinh tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh trong HTX,…
- Chủ động khai thác hiệu quả các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án phát triển chương trình giảng dạy vào trường học, lựa chọn đối tác và tổ chức có hiệu quả từ các nước có sự phát triển phong trào HTX, thường xuyên tổ chức các đoàn học hỏi, trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài.
Với chủ trương của Đảng, sự quyết tâm của Chính phủ, các ban, bộ ngành, địa phương, cũng như học hỏi những kinh nghiệm quốc tế và bài học thành công về đưa nội dung, kiến thức về HTX vào trong trường học ở nhiều nước, chúng ta có quyền tin tưởng rằng trong tương lai không xa, thế hệ tương lai và học sinh, sinh viên của Việt Nam sẽ được nâng cao nhận thức về HTX, sẽ trực tiếp tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của Việt Nam và hội nhập với thế giới.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế - khu vực ASEAN- về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức Nhà trường hiện nay là 78 người.Trường có 6 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các khoa cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.
Nguồn vca.org.vn