Không chuẩn hóa đội ngũ khó nâng chất đào tạo nghề
Chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là khâu đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
PGS.TS Cao Văn Sâm
Việt Nam cần làm vậy để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước.
Việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở GDNN có ý nghĩa thiết thực bảo đảm chất lượng đào tạo. Báo Giáo dục & Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Cao Văn Sâm – nguyên Phó Tổng Cục trưởng Thường trực Tổng cục GDNN, cố vấn cao cấp Viện Đào tạo và Phát triển Nhân lực về công tác này.
- Theo ông, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ý nghĩa như thế nào trong thời đại mới?
- Có thể khẳng định việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở GDNN là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Phát triển GDNN là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN cần chú trọng cả quy mô, cơ cấu và chất lượng đào tạo, đồng bộ với đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT. Từ đó, kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đồng thời, bảo đảm tính ổn định của hệ thống nhưng cần tầm nhìn dài hạn.
Việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của GDNN. Đặc biệt là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động.
Từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Với nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030 phải tiếp tục tăng quy mô tuyển sinh đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Phấn đấu GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và các nước công nghiệp mới G20.
Chính vì vậy, việc xây dựng đội ngũ nhà giáo tại các cơ sở GDNN theo hướng chuẩn hóa là khâu đột phá để nâng cao chất lượng GDNN. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực phát triển sẽ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài nước trong thời đại mới.
- Tiêu chuẩn, yêu cầu đối với đội ngũ nhà giáo tham gia giảng dạy tại các cơ sở GDNN là gì, thưa ông?
- Bộ LĐ-TB&XH đã có những quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo GDNN. Đó là tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn như trình độ chuyên môn cho nhà giáo dạy lý thuyết, thực hành, tích hợp bảo đảm nắm vững kiến thức, kỹ năng ngành, nghề giảng dạy.
Tiêu chuẩn về trình độ ngoại ngữ, đối với nhà giáo dạy trình độ cao đẳng phải đọc và hiểu tài liệu chuyên ngành phục vụ công tác giảng dạy. Mô tả được một số công việc cơ bản của ngành, nghề được phân công giảng dạy. Nhà giáo dạy các trình độ trung cấp, sơ cấp có đòi hỏi thấp hơn.
Tiêu chuẩn về trình độ tin học đối với giáo viên dạy trình độ cao đẳng phải sử dụng thành thạo phần mềm dạy học chuyên ngành để thiết kế bài giảng, tài liệu giảng dạy. Giáo viên dạy các trình độ trung cấp, sơ cấp đòi hỏi thấp hơn.
Tiêu chuẩn về năng lực sư phạm, nhà giáo phải có chứng chỉ sư phạm dạy nghề dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng hoặc bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành sư phạm hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng hoặc tương đương.
Nhà giáo tại các cơ sở GDNN còn một số các tiêu chuẩn khác về mặt pháp lý. Tuy nhiên, điều quan trọng với đội ngũ này chính là sự yêu nghề để làm nghề nghiêm túc. Bởi khi muốn gắn bó với công việc này, nhà giáo sẽ tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy để tự trau dồi thêm.
Hiện nay, nhiều nhà giáo trong các cơ sở GDNN cũng rất quan tâm và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều giảng viên đã có thể chủ trì hoặc tham gia đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên. Thường xuyên tự học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu của GDNN.
Từ đó, nhà giáo mới có thể phát triển năng lực nghề nghiệp cho người học như hướng dẫn thực tập kết hợp với thực tiễn nghề nghiệp. Tham gia bồi dưỡng nâng cao, luyện tay nghề cho học sinh, sinh viên giỏi các cấp…
- Theo ông, các cơ sở GDNN cần có những yếu tố nào để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo?
- Mỗi cơ sở GDNN cần có chiến lược, kế hoạch, giải pháp chủ động trong việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Thường xuyên khuyến khích nhà giáo phấn đấu đạt chuẩn, nâng cao năng lực và chất lượng giảng dạy.
Muốn vậy, các cơ sở GDNN phải thực hiện đánh giá, xếp loại nhà giáo hàng năm vào cuối năm học. Việc đánh giá này phải theo các quy định về chuẩn, bảo đảm tính trung thực, khách quan, toàn diện, khoa học, dân chủ và công bằng. Từ đó phản ánh đúng năng lực dạy học của nhà giáo trong điều kiện cụ thể tại cơ sở hoạt động GDNN, địa phương.
Các cơ sở GDNN cũng cần lưu ý, việc đánh giá, xếp loại nhà giáo phải căn cứ vào kết quả đạt được thông qua minh chứng phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định. Sau đó, cần báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại nhà giáo cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Từ đó căn cứ kết quả đánh giá, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trình cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt.
Tuy nhiên, điều quan trọng đối với các cơ sở GDNN là cần có cơ chế khuyến khích, động viên đối với các nhà giáo đạt chuẩn, vượt chuẩn. Đồng thời tạo môi trường làm việc văn minh, thân thiện để khuyến khích đội ngũ này thêm yêu nghề, tích cực sáng tạo và gắn bó lâu dài.
- Xin cảm ơn PGS!
Nguồn giaoducthoidai.vn