Khẩn trương ban hành quy định dạy văn hóa trong trường nghề
Chiều 6/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với nhiều Bộ về vấn đề giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục phổ thông trong các trường nghề.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ VH-TT&DL, Bộ Lao động-TB&XH, Bộ GD-ĐT, Bộ Tư pháp… trao đổi, thảo luận về những hạn chế, vướng mắc đang đặt ra trong việc giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục phổ thông tại các trường nghề cũng như giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh.
Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành hướng dẫn khối lượng dạy văn hóa trong trường nghề
Các ý kiến thống nhất tại cuộc họp, khẳng định tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động - TB&XH và các bộ ngành liên quan là đều mong muốn thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đang thực hiện tốt chủ trương này. Những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề nhiều hơn trước. Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động-TB&XH đã bàn phương án để học sinh tốt nghiệp THCS được chuyển sang học nghề; cho tuyển sinh hệ cao đẳng nghề.
Một mặt, chúng ta vẫn khuyến khích học sinh học nghề và một mặt cũng phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đạt chuẩn chung. Trong khi chưa ban hành thông tư hướng dẫn, Bộ GD-ĐT đã có văn bản số 2857/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX, góp phần phân luồng học sinh sau THCS từ năm học 2020-2021.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo buổi làm việc.
"Theo đó, tạm thời trước mắt chúng ta chưa mở rộng quy mô để các trường nghề trực tiếp dạy chương trình văn hóa tương đương với chương trình THPT. Vì một số trường cũng gặp lúng túng nên Bộ Lao động -TB&XH và các Hiệp hội nghề nghiệp rất mong muốn tháo gỡ cái này để các trường nghề tiếp tục dạy văn hóa song song với dạy nghề.
Đại diện Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động-TB&XH, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội… cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT và sẽ phối hợp với nhau để dù dạy nghề trong trường nghề thì vẫn đảm mặt bằng văn hóa. Hai bên đều ủng hộ nhau", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đại diện các bộ, ngành đã đi đến thống nhất như sau: "Đối với hơn 300 trường nghề trước đây đang đào tạo hệ 9+ (dạy văn hóa THPT) và hiện tại, đang tiếp tục tuyển sinh, thì tới đây Bộ GD-ĐT sẽ phải có hướng dẫn rất cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Về lâu dài, chúng ta tiếp tục thực hiện trên tinh thần như vậy nhưng phải tuân theo quy định của Luật Giáo dục. Nghĩa là, chỉ có các trung tâm GDTX được chủ động hoặc kết hợp với trường phổ thông để dạy chương trình văn hóa bậc THPT".
Đại diện Bộ Lao động-TB&XH, Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT&DL, Bộ Tư pháp… cùng tham gia thảo luận, trao đổi thẳng thắn để tháo gỡ vướng mắc về đào tạo hệ 9+ tại các trường nghề.
Bảo đảm chất lượng giảng dạy văn hóa trong các trường nghề
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành văn bản quy định khối lượng kiến thức dạy văn hóa trong các trường nghề. Việc này mặc dù Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu, soạn thảo nhưng vẫn nhận được nhiều ý kiến khác nhau về mức độ kiến thức thế nào là "vừa", để các học sinh vừa bảo đảm kiến thức theo mặt bằng chung nhưng vẫn phải đảm bảo thời gian học nghề của học sinh. Bộ cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện, để ban hành trong thời gian sớm nhất.
Toàn cảnh cuộc làm việc.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - TB&XH sẽ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang giảng dạy chương trình văn hóa bậc THPT, theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện quyền tự chủ, được thành lập trung tâm GDTX để tiếp tục tổ chức dạy chương trình văn hóa theo quy định của Luật Giáo dục, trên tinh thần không làm tăng biên chế, "phình" bộ máy tổ chức.
"Bộ Lao động -TB&XH phối hợp với Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát mạng lưới trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX, và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm có giải pháp sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng những nơi có điều kiện, cơ sở có điều kiện có thể tiến hành sáp nhập các trung tâm GDTX vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm vừa dạy nghề theo tinh thần "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", dạy văn hóa trong trường nghề theo mô hình "vừa học, vừa làm"" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn dantri.com.vn