Giáo dục nghề nghiệp vượt khó khăn trong đại dịch

6 tháng đầu năm, cả nước tuyển sinh nghề được 645.000 người, đạt 27,2% kế hoạch 2021, bằng 83% cùng kỳ 2020. Nguyên nhân tuyển sinh nghề thấp, là do dịch bệnh, 6 tháng đầu năm chưa phải cao điểm tuyển sinh (cao điểm từ tháng 7 đến tháng 11), nhiều địa phương chưa phê duyệt kế hoạch 5 năm 2021 - 2025… Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội, diễn ra ngày 20/7.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Nỗ lực vượt khó

Theo lãnh đạo Tổng cục GDNN, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến cho hoạt động tuyển sinh, đào tạo của GDNN gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, năm 2021 là năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương chưa phê duyệt kế hoạch thực hiện.

Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chưa được phê duyệt; đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo gặp khó khăn, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ Trung ương. 

Tuy vậy, 6 tháng đầu năm, là thời điểm chưa kết thúc năm học của giáo dục phổ thông và chưa qua kỳ thi tuyển sinh đại học, do đó tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7/11 hàng năm.

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, thời gian qua, GDNN có nhiều thành tựu mới, song do tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và thiếu hụt nguồn kinh phí mà công tác dạy nghề có những khó khăn nhất định. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần chủ động ứng trước kinh phí tiến hành đào tạo nghề của các địa phương; sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo, thực hiện “3 tại chỗ"... của các cơ sở GDNN. 

"Thời gian tới, GDNN cần đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ đào tạo, tái đào tạo nghề, kỹ năng cho lao động trong doanh nghiệp", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động

Trong khuôn khổ Hội nghị, Tổng cục GDNN và Grab Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác triển khai các sáng kiến hỗ trợ phát triển, nâng tầm kỹ năng cho đối tác tài xế Grab tại Việt Nam. Theo chương trình hợp tác, hai bên đặt mục tiêu trang bị đầy đủ kỹ năng và năng lực cần thiết cho đối tác tài xế sử dụng nền tảng đặt xe như Grab thông qua các chương trình đánh giá và đào tạo, nâng cao kỹ năng.

 Đồng thời, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Grab cũng sẽ phối hợp xây dựng, chuẩn hóa tài liệu tập huấn và tiến hành thực hiện các công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển kỹ năng cho cộng đồng đối tác tài xế. 

Lễ ký kết được tổ chức trực tuyến để phòng, chống dịch Covid – 19.
Lễ ký kết được tổ chức trực tuyến để phòng, chống dịch Covid – 19.

Tại Lễ ký kết, ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, và các tài xế công nghệ cũng không tránh được những ảnh hưởng này. Hợp tác này, góp phần giải quyết bài toán lâu dài cho các tài xế công nghệ, giúp họ trang bị các kỹ năng cần thiết để duy trì, cải thiện sinh kế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.

“Sự kiện này góp thêm một hoạt động thiết thực nữa thể hiện sự đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”, ông Dũng cho biết.

Chia sẻ tại Lễ ký kết, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam nhìn nhận, Grab rất hân hạnh được đồng hành cùng Tổng cục GDNN trong nỗ lực mang lại những giá trị tích cực cho cả đối tác tài xế của Grab nói riêng và cộng đồng tài xế công nghệ nói chung.

 “Nhằm thực hiện sứ mệnh Grab vì cộng đồng, chúng tôi cam kết tận dụng thế mạnh công nghệ, nền tảng kỹ thuật số và hệ sinh thái của Grab để hỗ trợ Chính phủ và các đối tác trong công tác đào tạo, phát triển kỹ năng cho nguồn lực lao động tại Việt Nam, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, bà Vân khẳng định.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.

Nguồn baodantoc.vn

Bình luận