Dạy văn hóa trong trường nghề: Loay hoay chờ hướng dẫn
Gần đây, Bộ GDĐT đã có chủ trương đồng ý cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) dạy văn hóa trung học phổ thông (THPT) cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học trung cấp (TC) nghề.
Điều này được kỳ vọng là tạo điều kiện cho người học, nhất là học sinh 9+ không phải học nghề một nơi, học văn hóa ở nơi khác. Tuy nhiên, băn khoăn đang được đăt ra là khi nào mới có thể triển khai thực hiện được chủ trương này? Hiện các cơ sở GDNN vẫn trông ngóng Thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ GDĐT để chủ động trong việc chuẩn bị các điều kiện đáp ứng.
Học sinh mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa
Chỉ đạo chưa đồng nhất
Thời gian qua, câu chuyện dạy văn hóa trong trường nghề luôn là đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Trong khi phía Bộ LĐTBXH và các trường nghề muốn dạy chương trình văn hóa 7 môn dành cho đối tượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 theo học nghề, thì tại nhiều văn bản, Bộ GDĐT khẳng định các trường nghề phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX). Tháng 11/2020 Bộ LĐTBXH có công văn đề nghị Bộ GDĐT cho phép các trường CĐ, trung cấp giảng dạy các môn văn hoá THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề trình độ TC ngay tại trường mình. Khi ấy, đại diện Bộ GDĐT cho biết đã có công văn đồng ý cho các trường nghề được dạy văn hóa THPT dành cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề. Để đảm bảo chất lượng, Bộ GDĐT cũng đề nghị Bộ LĐTBXH chỉ đạo các cơ sở GDNN phối hợp với các cơ sở GDTX thực hiện giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.
Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã cho phép các cơ sở GDNN được dạy văn hóa. Trong khi chờ đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ GDĐT về triển khai dạy văn hóa trong các trường nghề, bản thân các cơ sở GDNN thì lúng túng trong việc bố trí sắp xếp giáo viên; còn học sinh theo học chương trình 9 + vẫn phải đi lại nhiều nơi để theo đuổi cả học nghề và văn hóa.
Theo thống kê hiện cả nước có hơn 300.000 học sinh đang theo học song song văn hóa và kỹ năng nghề trong các trường TC,CĐ hay còn gọi là mô hình 9+. Cần nói rõ mô hình 9+ là mô hình các em học sinh tốt nghiệp THCS nhưng sau đó không học lên THPT tại trường công mà vào học văn hóa và nghề tại các trường nghề. Vấn đề ở chỗ, khi các em muốn thi tốt nghiệp THPT phải về các trung tâm GDTX để học văn hóa. Điều đáng lưu tâm là chuẩn bị cho chủ trương dạy văn hóa trong trường nghề, nhiều trường đã đầu tư, bố trí, chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT theo Luật từ nhiều năm trước. Nhưng do chờ đợi quá lâu, một số địa phương đã có văn bản yêu cầu dừng tuyển sinh vào lớp 10 GDTX cấp THPT từ năm học 2021-2022 tại các cơ sở GDNN. Điều này dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực rất lớn trong các trường nghề.
Ghi nhận mới đây tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho thấy, chỉ còn một còn học kỳ nữa là các em sẽ không còn học tại đây bởi trường sẽ dừng dạy văn hóa. Phía Sở GDĐT Thanh Hóa đã có công văn cụ thể hướng các cơ sở GDNN dạy chương trình GDTX cấp THPT trên địa bàn về nội dung này. Theo đó, việc không tiếp tục tuyển sinh vào lớp 10 GDTX cấp THPT năm học tới - theo Sở GDĐT Thanh Hóa là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.
Thầy Lê Văn Minh - Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: việc bố trí học văn hóa một nơi khác sẽ khó khăn trong bố trí chuyên môn. Từ 3 năm trước, để đảm bảo cho các em vừa tốt nghiệp THCS vừa học văn hóa vừa học nghề 1 cách tập trung, trường đã bố trí riêng 1 khu giảng đường riêng với đầy đủ phòng học, phòng chức năng và tuyển 50 giáo viên, mua sắm trang thiết bị để dạy hơn 1.000 học viên hệ 9+. Tuy nhiên, việc dừng dạy văn hóa tại đây sẽ đẩy nhiều giáo viên thất nghiệp và lãng phí cơ sở vật chất. Mô hình đào tạo 9 + cho phép học sinh tốt nghiệp THCS có thể học song song văn hóa và kỹ năng nghề tại các trường TC,CĐ nghề. Thế nhưng để được dự thi tốt nghiệp THPT thì học sinh lại phải quay về các trung tâm GDTX để học. Quy định này khiến việc học tập sinh hoạt của các em học sinh gặp nhiều khó khăn.
Ông La Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho rằng: Quy định mới của Sở GDĐT sẽ khiến trường khó đạt được chỉ tiêu tuyển sinh. Rõ ràng cùng một đối tượng học viên nhưng lại chịu sự quản lý của 2 đơn vị là trường CĐ dạy nghề và trung tâm GDTX dạy văn hóa. Chưa kể hàm lượng học văn hóa ra sao cho phù hợp với định hướng học nghề cũng đang vướng mắc.
Liệu có khuyến khích được người học?
Hiện với những học sinh THPT đang vừa học văn hóa và học nghề, thay vì phải kéo dài thời gian học tập với 3 năm THPT và 2-4 năm CĐ hay ĐH, thì chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, các em đã có thể bước chân vào thị trường lao động với đầy đủ kỹ năng của người thợ trình độ trung cấp. Ghi nhận từ các trường nghề cũng cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho kết quả là học sinh học văn hóa tại trường nghề có kết quả cao tại trung tâm GDTX, bởi họ bố trí đủ giáo viên, cơ sở vật chất trong khi các trung tâm GDTX rất khó đảm nhiệm dạy văn hóa có cả nghìn học sinh cùng lúc.
Được biết hiện nay, nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT và nhiều nơi như Bắc Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.... UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị với Bộ GDĐT về việc này, thì đều được Bộ GDĐT trả lời việc giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT phải do các trung tâm GDTX thực hiện. Các cơ sở GDNN muốn tổ chức cho người học học chương trình GDTX cấp THPT phải liên kết, phối hợp với trung tâm GDTX. Nhưng thực tế tại nhiều địa phương, trung tâm GDTX đã giải thể hoặc cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không có vậy việc liên kết này được thực hiện thế nào ?
Trong khi tại Điều 5 Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ qui định rõ nhiệm vụ của Bộ GDĐT như sau: Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐTB&XH hội thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ GDNN theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các hoạt động này tại các địa phương; Ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trong các cơ sở GDNN trong quý III năm 2020…
Câu hỏi đặt ra là khi nào Bộ GDĐT có thông tư hướng dẫn qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN? Trường nghề và người học sẽ còn phải chờ đợi đến bao lâu?
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn daidoanket.vn