Đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo từ xa tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản số 353/TCGDNN-ĐTTX triển khai thực hiện đào tạo theo hình thức vừa làm, vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Việc đẩy mạnh đào tạo hệ vừa học, vừa làm, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn với người lao động giữ vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực giáo dục nghề nghiệp
Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành các Thông tư số 31/2017/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa học vừa làm; Thông tư số 34/2018/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn.
Việc này nhằm góp phần xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mở, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu người học.
Tuy nhiên, việc triển khai và tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa học, vừa làm, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn trong các cơ sở GDNN còn chưa thực sự phổ biến.
Nhiều địa phương, cơ sở GDNN chưa quan tâm, đẩy mạnh các hình thức đào tạo này.
Trước yêu cầu mở rộng quy mô, chất lượng GDNN trong những năm tới đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực qua GDNN, yêu cầu phát triển KT-XH và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở GDNN thực hiện một số nội dung sau:
Chỉ đạo và đẩy mạnh việc tuyển sinh, đào tạo các trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) theo hình thức vừa làm, vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và các thông tư hướng dẫn liên quan.
Đối tượng người học là người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, người lao động tại các vùng chuyển đổi sản xuất do biến đổi khí hậu, lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 và các đối tượng khác có nhu cầu học tập để hoàn thiện, nâng cao trình độ…
Các cơ sở GDNN căn cứ thông tư hướng dẫn chủ động xây dựng quy chế đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn, vừa làm vừa học của cơ sở mình trước khi triển khai thực hiện.
Đồng thời, tiến hành rà soát, đánh giá việc tổ chức thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp theo hình thức vừa làm, vừa học, đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn theo các thông tư nêu trên từ khi ban hành đến nay.
Trong đó, đánh giá cụ thể kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc, các nội dung chưa hợp lý, chưa phù hợp, khó triển khai và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung mới.
Dự kiến vào cuối tháng 3/2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tổ chức hội thảo đánh giá, đề xuất giải pháp đẩy mạnh việc đào tạo thường xuyên.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn dantri.com.vn