Chuyên gia: "Cha mẹ vì sĩ diện mà ngăn con vào trường nghề"

Theo chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, nhiều phụ huynh vì sĩ diện mà ngăn cản con em mình lựa chọn vào trường nghề. Có cha mẹ bao bọc con quá mức nhưng lầm tưởng là mình đang yêu thương con.

Đòi bỏ ngang đại học để đi học nghề

"Các anh chị tư vấn giúp làm sao khuyên con tôi bỏ ý định đi học nghề đi. Cha mẹ đều là bác sĩ, giáo viên mà cháu cứ đòi đi học sửa ô tô. Tôi không thể nào hiểu nổi!".

Chia sẻ của một bà mẹ là giáo viên trên diễn đàn hội phụ huynh đã thu hút được rất nhiều bình luận. Nhiều phụ huynh đồng tình và kể khổ vì mình cũng gặp tình huống tương tự.

Có phụ huynh than phiền: "Con tôi đang học đại học ngành công nghệ thông tin năm nhất mà nay nó quyết không đi học nữa. Nó bảo theo không nổi các môn lý thuyết ở trường, đòi bỏ ngang đi học nghề sửa điện thoại".

Tuy nhiên, vẫn có một số phụ huynh khuyên nhủ các bậc cha mẹ nên tôn trọng chọn lựa của con mình, quan tâm hơn đến năng lực và sở thích của con. Nhiều tài khoản là học sinh tham gia diễn đàn cũng ủng hộ và kêu gọi cha mẹ hãy để ý đến cảm xúc và quyết định của các em.

Có những học sinh học giỏi nhưng tâm lý ưa thích hành động, chỉ muốn làm những công việc cụ thể, hoạt động tay chân nên chọn học nghề (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, đó là mâu thuẫn rất hay gặp trong vấn đề chọn lựa con đường vào đời giữa phụ huynh và học sinh.

Thạc sĩ Thái Thủy Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM), cho rằng: "Nhiều lúc cha mẹ sĩ diện mà ngăn con vào trường nghề, bảo bọc con quá mức nhưng lầm tưởng là mình đang yêu thương con. Thực ra, cha mẹ không thể thay con vấp ngã trên đường đời".

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, chỉ có con trẻ mới hiểu năng lực mình tới đâu, sở thích là gì, phù hợp với điều gì để quyết định con đường vào đời cho mình. Phụ huynh có thể quan tâm, tư vấn cho con nhưng cũng cần tôn trọng ý kiến của con mình.

Theo ông, đôi khi có những em không đủ trình độ theo học đại học, hoặc tâm lý ưa thích hành động, muốn làm những công việc cụ thể, hoạt động tay chân mà không thích con đường nghiên cứu hàn lâm nên lựa chọn học nghề.

Nhu cầu nhân lực trình độ nghề áp đảo

Theo thạc sĩ Thái Thủy Chung, ngoại trừ những trường top đầu, rất nhiều trường đại học top dưới đang mở cửa, nới lỏng mọi điều kiện để tuyển sinh. Do đó, hầu như học sinh tốt nghiệp THPT, nếu gia đình có điều kiện đều có thể theo học đại học.

Nhưng cũng chính vì thực tế đó mà tình trạng sinh viên đại học ra trường thất nghiệp ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc chọn con đường học nghề cũng đang ngày càng phổ biến, học viên trường nghề ra trường có tỷ lệ kiếm việc rất cao.

Bà Thủy Chung cho hay: "Tại trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, học sinh ra trường đều có việc làm ngay, thu nhập trung bình ngay sau khi tốt nghiệp đã đạt khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng. Nhiều học sinh có trình độ ngoại ngữ, năng lực tốt có thể nhận mức lương 15 - 18 triệu đồng/tháng, ngay sau khi tốt nghiệp".

Theo thạc sĩ Thái Thủy Chung, cơ chế thị trường lao động như hiện nay, đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp trường nghề là rất lớn.

Thống kê của các cơ quan quản lý nhân lực tại TPHCM cho thấy nhu cầu nhân lực trình độ nghề (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) luôn chiếm hơn 70%, trong khi nhu cầu nhân lực trình độ đại học chỉ tầm 17% - 20%.

Theo ông Trần Anh Tuấn, khi gia nhập thị trường lao động, sự thành công quyết định ở kỹ năng nghề chứ không phải bằng cấp.

"Học thật tốt, có nghề và giỏi nghề, xây dựng năng lực nghề, giá trị hành nghề thì chắc chắn thành công trong cuộc sống" - ông Tuấn nói. 

Trong tình hình rất khó khăn của kinh tế, xã hội và thị trường lao động hiện nay, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai nghề nghiệp và sự thăng tiến của bản thân. Nghề là bản thân lựa chọn, mà đã lựa chọn thì chịu trách nhiệm học tập với mục tiêu phát triển cho chính bản thân mình - Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM chia sẻ.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.

Nguồn dantri.com.vn

Bình luận