Chuyển biến tích cực trong công tác hướng nghiệp
Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025". Với những chuyển biến tích cực được khẳng định trên thực tế, hiện cơ quan chức năng thành phố đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Học sinh Trường Trung học Thực hành Sài Gòn tìm hiểu về nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng nghề thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho hay, hằng năm, thành phố thiếu hàng chục nghìn lao động có tay nghề, trình độ cao, nhưng số sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn ngày càng tăng, gây lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông chưa đi vào thực chất, chưa tạo được sự lan tỏa trong xã hội…
Để khắc phục những hạn chế này, nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì việc phối hợp các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức ngày hội "Thanh niên với nghề nghiệp", mỗi năm thu hút hàng chục nghìn thanh niên, học sinh phổ thông, học sinh trung học cơ sở tham gia. Ngày hội được tổ chức tại từng khu vực quận, huyện, từng trường phổ thông… để tuyên truyền sâu rộng giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh.
Cùng với đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, mạng lưới các trường chuyên nghiệp công lập và ngoài công lập của thành phố đã có những bước phát triển, quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, cơ sở vật chất được bổ sung, xây dựng. Đội ngũ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được nâng cao về trình độ, nghiệp vụ, chuyên môn…, góp phần tích cực cho công tác phân luồng học sinh phổ thông vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể: Năm học 2016-2017, có gần 5.900 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường nghề; năm học 2017-2018, có hơn 6.200 học sinh; năm học 2018-2019, có hơn 6.400 học sinh…
Em Trần Văn Tuấn (ở quận 6, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, cách đây hai năm, sau khi tốt nghiệp lớp 9, em không muốn tiếp tục học phổ thông nên được gia đình và thầy cô giáo hướng dẫn giới thiệu đăng ký học tại Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh trong khóa học thí điểm đào tạo bậc cao đẳng cho học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
Em Trần Văn Tuấn chia sẻ: "Dù học nghề, nhưng em và các bạn vẫn được học các môn văn hóa theo hình thức của trung tâm giáo dục thường xuyên, với trình độ tương đương các lớp trung học phổ thông. Khi ra trường, em vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa có bằng cao đẳng nghề, thuận lợi khi tìm việc làm, giúp ích cho bản thân và gia đình".
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp trên địa bàn thành phố trong thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Cường, nguyên chuyên viên Phòng Tuyển sinh Bộ Giáo dục và Đào tạo tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống giáo dục, nhà trường, thầy cô phải giúp học sinh định vị được về bản thân các em, giúp các em hiểu mình là ai, có điểm mạnh, điểm yếu nào, phù hợp với ngành nghề nào. Đồng thời, trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng nền tảng cần thiết phù hợp với yêu cầu của nguồn nhân lực của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Khi học sinh hiểu được mình có điểm mạnh, điểm yếu nào, trang bị được các kỹ năng, kiến thức thì dù ngành nghề có thay đổi thế nào, các em vẫn có thể thích ứng được.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh thành phố sẽ có sự đổi mới phương pháp, hình thức để học sinh, phụ huynh hiểu rõ lợi ích khi theo học các trường đào tạo nghề. Đồng thời, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ chủ động liên kết với các bên để cùng đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở. "Đây không chỉ là vấn đề riêng của ngành Giáo dục, mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và cả cộng đồng", ông Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.
Nguồn hanoimoi.com.vn