Chọn đại học hay trường nghề: "Bố không thể sống thay con được!"
Theo Tiến sĩ Giáp Văn Dương, trường hợp phụ huynh băn khoăn không biết định hướng cho con học nghề hay vào học đại học/ cao đẳng là một vấn đề khá điển hình.
Mới đây, chuyên gia giáo dục - TS Giáp Văn Dương nhận được câu hỏi băn khoăn gửi từ một vị phụ huynh: "Tôi không biết định hướng cho con như thế nào - học trung cấp nghề hay vào trường cao đẳng?".
Câu hỏi cụ thể như sau: "Tôi có 2 con trai, 1 đứa năm nhất đại học và 1 đứa mới lớp 3. Đứa đầu khiến tôi lo lắng hơn, vì học không tốt, kết thúc cấp 3 may mắn tốt nghiệp tôi nghĩ cháu nên đi học nghề nhưng cháu không đồng ý và vẫn muốn đi học cao đẳng ở gần nhà.
Vì trong làng nhiều người so sánh chuyện con cái học hành, con tôi bị áp lực. Có lúc bảo nó nghe nhưng sau thì đâu lại vào đấy. Giờ đi học, có lẽ là tôi cố gắng để sau này nó không oán trách bố mẹ thôi, chứ tôi không nghĩ đi học cao đẳng sẽ hợp.
Tôi cần anh tư vấn. Nhiều lần tôi nói với nó, vợ tôi lại không hiểu ý đứng ra che chở nó, rồi 2 mẹ con rơi nước mắt, nó lại bỏ cả bữa cơm đi vào phòng.
Câu hỏi của tôi là, tôi đang không biết nên định hướng con lớn ra sao, nói chung bố con ngồi nói chuyện khó, vì tôi không có ý tưởng, mong anh cho xin ý kiến".
Theo TS Giáp Văn Dương, đây là một vấn đề khá điển hình.
Dưới đây là tư vấn đến từ chuyên gia, TS Giáp Văn Dương:
Trước hết, xin cảm ơn phụ huynh đã tin tưởng và chia sẻ vấn đề nan giải này. Tuy chỉ mô tả vài dòng, nhưng phía sau là cả một núi vấn đề cần xử lý. Để tiết kiệm thời gian, tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề nổi cộm:
Thứ nhất, cháu học cấp 3 không tốt, nhưng sau đó lại chọn đi học cao đẳng, thay vì đi học nghề theo đề nghị của bố là điều đáng mừng. Vì ý chí học tập dường như đã trỗi dậy. Biết đâu cháu sẽ tìm cách học liên thông lên đại học để bù đắp lại những ngày tháng lơ là hồi cấp 3 thì sao? Nếu cháu chọn học cao đẳng, cơ hội học lên đại học sẽ rộng mở. Còn học nghề theo yêu cầu của bố, chứ không phải do tự mình lựa chọn, thì việc học lên cao thì gần như sẽ khép lại.
Thứ hai, anh chỉ nói muốn cháu học nghề vì nghĩ học cao đẳng sẽ không hợp. Tôi không thấy có cơ sở nào để kết luận con học cao đẳng thì không hợp. Nếu gia đình không đến nỗi khó khăn, không vì áp lực phải có việc làm sớm để đỡ đần bố mẹ, thì gia đình thì nên tôn trọng quyết định của con. Học cao đẳng hay học nghề thì việc đi làm chỉ chậm thêm có 1 năm, không đáng kể. Suy cho cùng, nhu cầu được học tập là một nhu cầu chính đáng, cần ủng hộ nhiều nhất có thể.
Thứ ba, khi thấy anh nói "vì trong làng nhiều người so sánh chuyện con cái học hành, con tôi bị áp lực", thoạt đầu, tôi tưởng rằng đó là do hàng xóm so sánh có nhiều bạn khác học lên đại học, trong khi con mình thì chỉ học cao đẳng nên điều ra tiếng vào.
Nhưng ngẫm kỹ thì thấy, áp lực ở đây nhiều khả năng lại theo chiều ngược lại: Hàng xóm cho rằng có học đại học hay cao đẳng thì ra trường cũng không được việc, rồi lại về quê làm công nhân thôi. Vì thế học nghề luôn cho rồi. Đó mới là áp lực mà cháu phải chịu hiện giờ.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương, chuyên gia tư vấn giáo dục.
Ý kiến của tôi: Chuyện làng xóm so sánh thì nên bỏ ngoài tai. Không ai sống đời người khác được, nên không cần phải chịu áp lực vì so sánh của người khác. Quan trọng là mình đã nhìn ra hướng đi của mình chưa, và chọn nó để đi, thay vì ý kiến của hàng xóm.
Thứ tư, để vợ con phải rơi nước mắt, rồi bỏ vào phòng (trong bất lực), chứng tỏ ít nhất mấy điều sau: Anh đang gây áp lực quá lớn lên vợ con; Anh chưa biết cách nói chuyện với vợ con; Không khí gia đình hiện giờ rất căng thẳng, và người duy nhất có thể tháo gỡ là chính anh.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do văn hóa gia đình/văn hóa vùng miền quen với việc người bố có quyền áp đặt ý kiến, mà thường là định kiến, lên vợ con và gia đình. Mọi việc nhất nhất phải theo quan niệm của bố thì mới đúng. Còn khác đi, thì là không được.
Việc anh không gọi con là "con", mà là "nó", cũng là một chỉ dấu cho sự gia trưởng vô thức này.
Vậy giải pháp là gì?
Thứ nhất, anh cần nói chuyện với con, mềm mại và rõ ràng, rằng: Bố sống đời bố, con sống đời con. Bố không thể sống thay con được. Việc con chọn học trường nào, nghề gì, là do con quyết định. Và con phải chịu trách nhiệm với quyết định ấy. Sướng khổ sau này tự chịu. Bố mẹ sẽ chu cấp tiền cho con ăn học hết cao đẳng như con muốn. Nếu gặp khó khăn gì thì bố mẹ sẽ hỗ trợ con trong phạm vi có thể. Sau khi học xong, con phải tự lo cho chính mình.
Thứ hai, anh cần họp gia đình, lắng nghe con và vợ nói. Lắng nghe chân thật. Lắng nghe trọn vẹn và hoàn tất. Lắng nghe trong sự trống rỗng. Xem vợ anh nói gì, con anh nói gì. Rất có thể anh sẽ thấy, những bế tắc đó đều là ngụy tạo, do chính mình tạo ra, do mình muốn vợ con phải sống theo ý mình, chứ thực ra vấn đề thực chỉ là bố con, vợ chồng không thực sự lắng nghe nhau, nên không hiểu nhau và đánh mất kết nối.
Thứ ba, anh cũng không có trách nhiệm phải định hướng nghề nghiệp cho con. Vì người ta sẽ chỉ định hướng theo những gì người ta biết và có trải nghiệm. Vì thế, nếu anh định hướng cho con, nhân danh việc mang lại một tương lai tốt hơn cho con, thì trên thực tế, anh sẽ giam hãm tương lai của con trong quá khứ của chính mình.
Theo chia sẻ, anh làm may, ở tỉnh Bắc Ninh. Nếu anh định hướng cho con thì con sẽ làm một nghề gì đó tương tự như anh, và cũng ở tỉnh như anh. Nhưng cuộc đời của con rộng mở hơn thế. Biết đâu khi chọn con đường khác, con lại vươn xa hơn. Mà trong trường hợp sau vài năm không thể vươn xa, phải trở lại quê nhà, thì đó cũng là một trải nghiệm đáng giá.
Trong trường hợp cần phải định hướng, thì nên định hướng về các giá trị sống, như: sống tự lập, không nói dối… Về việc này, mỗi gia đình sẽ phải tự chọn một bộ giá trị sống cho chính mình.
Riêng định hướng nghề nghiệp thì cần chuyên gia hoặc những người am hiểu về các xu hướng nghề nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, thì vẫn phải lắng nghe con và tôn trọng lựa chọn của con. Chuyên gia cũng chỉ cung cấp thông tin và phân tích các khả năng, còn lựa chọn vẫn là việc của con.
Nếu bố mẹ không phải là người từng trải, va chạm và am hiểu xã hội thì thường định hướng con theo những ngành nghề mình biết, như nghề giáo và nghề y vì hàng xóm bảo đó là nghề mà "thời nào cũng sống được", hoặc định hướng cho con làm nghề... giống mình.
Cuối cùng, anh cần trò chuyện và lắng nghe với chính mình. Đúng hơn và với các quan điểm, ý kiến/định kiến của chính mình. Đến một tuổi nào đấy, khi con cái 18 tuổi, và bố mẹ khoảng ngoài 40 chẳng hạn, con cái sẽ không cần bố mẹ như những người cầm tay chỉ việc, định hướng và kiểm soát chi li về cuộc sống.
Lúc đó, bố mẹ cần lắng nghe vào thảo luận. Lắng nghe để hiểu nhau, còn thảo luận để con biết rõ tại sao lại chọn con đường đó. Trong trường hợp không thảo luận được, thì chỉ lắng nghe thôi cũng đủ.
Còn con cái sẽ cần bố mẹ ghi nhận và động viên. Ghi nhận sự cố gắng của con và những kết quả con đạt được, dù nhỏ. Và động viên con dám lựa chọn, dám sống cuộc đời của mình, trong sự yểm trợ của bố mẹ.
Cá nhân tôi luôn nghĩ: Rồi đến một lúc nào đó, chúng ta - những người làm cha làm mẹ sẽ trở thành một cái cây, đứng yên một chỗ và tỏa bóng mát. Con cái tha hồ bay nhảy và sống theo ý mình. Khi nào các con mệt thì về gốc cây ngồi nghỉ. Các con cũng có thể hái một vài trái cây, nếu muốn, hoặc nếu đói lòng.
Các con tha hồ bay nhảy. Còn cái cây không cần làm gì, không cần nói gì, không cần định hướng gì. Chỉ cần ở đó, tỏa bóng mát, và ra trái nếu có thể. Vậy là quá đủ.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn dantri.com.vn