Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Dạy học thời 4.0 là biến đầu rỗng thành đầu mở
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, giáo dục ngày nay nên biến những cái đầu rỗng thành đầu mở để học viên hình thành tư duy logic, phân tích, phản biện.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm khoa cơ khí, CMC Trường Cao đẳng Việt Xô. Ảnh: Nguyên Huân.
Thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Việt Xô và Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình tại TP. Tam Điệp ngày 19/6, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ông rất bất ngờ với cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và số lượng học sinh đông đảo của hai cơ sở giáo dục nghề nghiệp nằm trong 8 cơ sở dậy nghề chất lượng cao của Bộ NN-PTNT.
Theo Bộ trưởng, sở dĩ phải đổi mới căn bản, toàn diện và đổi mới giáo dục theo hướng mở, thực học, thực nghiệp lấy người học làm trung tâm, bởi giáo dục ngày nay không chỉ đơn thuần là truyền dạy kiến thức. Giáo dục giai đoạn trước của chúng ta theo phương pháp biến một cái đầu rỗng thành đầu đặc, tức nhồi nhét chữ và kiến thức thật nhiều cho các em.
Nhưng trong cuộc cách mạng 4.0 diễn ra quá nhanh, không ai biết được 5 năm sau nghề nào còn, nghề nào mất. Đơn cử như ngành ngân hàng, chỉ trong vòng vài năm đã chuyển từ tiền mặt sang thẻ ATM và nay chuyển sang ví điện tử, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh đã thanh toán được mọi hàng hóa.
"Giáo dục ngày nay nên thay đổi phương pháp, hãy biến những cái đầu rỗng thành đầu mở. Học sinh, học viên ngày nay cần phải có tư duy phân tích, tư duy logic, tư duy phản biện, để khi xuất hiện cái mới, các em tự có nhu cầu tìm hiểu, khám phá. Rồi cũng đến một lúc nào đó, chúng ta cũng không cần phải đến giảng đường để dạy và học trực tiếp nữa mà học online ở đâu cũng được. Các nhà trường cần nhận thức rõ xu hướng này để có sự dịch chuyển cho phù hợp", ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Lấy đạo cụ trực quan từ việc các thầy cô Khoa Chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình đang mix pha chế các loại đồ uống từ nhiều loại trái cây khác nhau, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý, hai nhà trường hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp mix vào trong giảng dạy.
Theo đó, bên cạnh những giờ thực hành, giờ lí thuyết, các nhà trường nên có các khẩu hiệu, slogan treo ở những nơi trang trọng, các bài ngoại khóa, giờ nói chuyện để truyền cảm hứng cho các em, để các em thấy rằng, trong thời đại ngày nay nghề nào cũng là nghề cao quý. Học đại học, cao đẳng, trung cấp hay sơ cấp đều bình đẳng. Không có bất cứ thứ bậc, địa vị nào phân chia tầng lớp, giai cấp giữa các nghề nghiệp trong xã hội.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.
Nguồn nongnghiep.vn