Bỏ ngang đại học để học nghề vì "giác ngộ"
Nguyễn Văn Thiết - Đại sứ nghề Việt Nam năm 2020 từng luôn nghĩ "học nghề là kém sang" nhưng rồi một ngày, anh đã dũng cảm bỏ ngang đại học đi theo học nghề.
Là một học sinh được đánh giá cao trong lớp và luôn trong những cái tên thuộc sự kỳ vọng của giáo viên, bạn bè và gia đình, Thiết mơ về một trường đại học có tiếng. Phải là cử nhân, phải là kỹ sư cho bằng bạn bằng bè.
Đặt chân tới giảng đường đại học, Thiết chợt nhận ra bản thân không thực sự thích, đầu ra mờ mịt, hơn nữa việc học đại học 4 năm là gánh nặng không nhỏ vì gia đình anh có hoàn cảnh khó khăn. Chàng trai chợt ra, không thể tiếp tục "cố đấm ăn xôi" ở trường đại học nữa.
Dũng cảm bỏ ngang cánh cổng Đại học để rẽ hướng sang học nghề - một điều mà trước đây chính bản thân luôn nghĩ là "kém sang", Thiết không khỏi hoang mang và có phần xấu hổ, tự ti.
Dưới đây là tâm sự, chia sẻ của Nguyễn Văn Thiết - Đại sứ nghề Việt Nam năm 2020 về chặng đường "giác ngộ" của mình.
Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam Nguyễn Văn Thiết hiện là một giảng viên đào tạo kỹ thuật tại Vinfast.
Giác ngộ sau 1 năm đi làm với không kỹ năng, không bằng cấp
Thành thật mà nói, khi bỏ ngang đại học, tôi gần như tự kỷ, không dám nói chuyện với bạn bè cũ. Bởi lẽ ngày xưa học cấp ba đâu tệ lắm đâu, cũng học sinh ở một trong bốn lớp chọn của khóa đấy chứ, từ mẫu giáo tới cấp ba, năm nào cũng có giấy khen của trường. Ấy thế mà giờ bạn bè học đại học hết còn mình học trường nghề thì "nhục lắm". Thành thật mà nói "học nghề kém sang" là suy nghĩ của tôi lúc đó.
Nhà đang yên ổn, chẳng bao giờ có tai tiếng gì trong làng xã. Vậy mà thời gian đó có những lời đồn rằng "thằng Thiết nó bị nghiện nên phải bỏ đại học đấy"… khiến bố mẹ tôi lo lắng, buồn rầu.
Bỏ ngang cánh cổng Đại học, tôi làm đủ các nghề từ bốc gạch thuê, chuyển nhà thuê, phụ hồ, phụ mộc, lau chùi ô tô… nhưng không may gặp cảnh nợ lương, chậm lương, thậm chí là không trả lương từ các nhà thầu. Rồi có những ngày tôi dậy sớm từ 4h30 sáng đi bộ 3km đi trộn gạo, bốc gạo cho các khu công nghiệp ở với đồng công rẻ mạt nhận được là 40 nghìn đồng/tấn. Món ăn chính mỗi ngày khi ấy của tôi là mì tôm.
Sau một năm đi phiêu bạt, tôi dần nhận ra phải có một nghề "hẳn hoi" để kiếm tiền dễ dàng hơn, trước mắt là lo cho bản thân, xa hơn là cho gia đình, chứ chờ đợi sẽ không biết đến bao giờ.
Cùng lúc đó, anh trai của tôi là Nguyễn Văn Long giành giải Nhất kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia và được chọn vào đội tuyển đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 (năm 2014).
Anh trai là tấm gương để tôi có động lực, nhìn nhận đào tạo nghề với con mắt tích cực, thậm chí là ngưỡng mộ. Thế rồi, tôi quyết tâm nộp đơn vào theo học nghề tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Thiết đã vinh dự nhận Bằng khen của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Chọn trường nghề, tôi lao đầu vào học. Học không được thua kém các bạn học đại học vì nghĩ rằng bản thân mình đã sai lầm khi bỏ đại học, và đây là cơ hội cuối cùng của cuộc đời mình. Mình làm gia đình khổ tâm nhiều rồi.
Tôi dành mọi thời gian tìm tòi, nghiên cứu, không giao lưu với bạn bè cấp 3 vì xấu hổ quá, sợ bạn bè biết tôi học trường nghề. Và giờ đây tôi quay lại đào tạo nghề tại doanh nghiệp (Hiện tại là Giảng viên đào tạo kỹ thuật của công ty Vinfast - tập đoàn Vingroup).
Hai anh em đều là đại sứ nghề của Việt Nam
Hai anh em tôi vinh dự trở thành 2 trong số 10 Đại sứ nghề đầu tiên của Việt Nam năm 2020 do Bộ LĐ-TB&XH xét chọn.
Học nghề có nhiều lợi ích. Nếu các bạn lanh lợi, hòa đồng, chịu khó một chút thì khi đi học các bạn hoàn toàn có thể tự chủ được tiền học phí cũng như trang trải được cuộc sống cho bản thân mình mà không cần xin tiền gia đình (Nhưng lưu ý mục đính chính vẫn là đi học để kiếm cái nghề, đừng sa đà vào kiếm tiền mà lơ là việc học).
Các bậc phụ huynh hãy thường xuyên trao đổi với con em mình. Đừng quan niệm học gì cho sang. Giờ đây, tôi nhận ra rằng học gì có thể kiếm được "miếng cơm manh áo", miễn hợp pháp thì ngành nghề nào cũng đáng được tôn vinh. Học ngành nghề gì cũng được, trước mắt là nuôi bản thân, gia đình, xa hơn là góp phần xây dựng xã hội trở nên văn minh và giàu mạnh.
Không nhất thiết làm được điều to tát như từ thiện tiền tỷ, xây dựng nhà tình thương… chỉ cần khỏe mạnh, làm giàu cho gia đình, không trở thành gánh nặng cho xã hội là một đóng góp tuyệt vời rồi. Các vị phụ huynh hãy trao đổi với con em mình, định hướng sớm từ những năm cấp 1, cấp 2.
Nếu con không thích và không đủ khả năng đừng ép nó đi học đại học, hãy định hướng cho nó đi học hướng khác, có thể là học nghề. Nếu gia đình không quá khó khăn hãy cho con em mình đi học, vì mới học xong phổ thông thì rất khó có thể làm gì để tạo ra nhiều giá trị, và khi các bạn ấy tự kiếm ra tiền thì bố mẹ rất khó để quản lí và định hướng đường đi tiếp theo cho các con em mình.
Từng luôn nghĩ học nghề là kém sang nhưng cơ duyên đã đưa Thiết đến với con đường học nghề và gặt hái nhiều thành công ở đó.
Chẳng ai không học mà giàu cả
Đối với em học sinh đang chuẩn bị hành trang bước vào một cánh cửa mới, mang tên "bước ngoặc của cuộc đời", các em phải đưa ra những lựa chọn, quyết định cho tương lai… Anh biết nó thật sự khó khăn để đưa ra sự lựa chọn hoàn hảo cho mỗi chúng ta, bởi lẽ "trên đời này vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi".
Mọi lựa đều không có một sự định lượng chuẩn xác, không có công thức rõ ràng, cũng không có ai dẫn dắt chi li đối với các em cả. Tuy nhiên hãy đưa ra cho mình một lựa chọn, không biết có hoàn hảo nhất hay không nhưng sẽ là lựa chọn phù hợp nhất với thời điểm hiện tại và tương lại gần nhé…
Dù chọn con đường nào, các em hãy luôn nhớ: Chẳng ai không học mà giàu cả. Họ có thể không có bằng đại học nhưng không có nghĩa là học không học. Vậy nên nếu tìm được đam mê, hãy theo đuổi nó hết mình. Nếu không tìm được đam mê, nếu có khả năng đỗ vào đại học hay trường nghề thì hãy đi học.
Học để thay đổi tư duy, học để mở mang kiến thức, học để có nhiều mối quan hệ mới… Từ đó chúng ta sẽ mở mang nhận thức, học được cách giải quyết vấn đề, học để thấy được chút ít về guồng quay của cuộc sống, hơn nữa để tốt nghiệp các bạn cũng phải tư duy rất nhiều, phải suy nghĩ tìm cách ra khỏi trường đấy cũng là các để chúng ta rèn mình.
Rồi các em sẽ tìm được cái hướng đi phù hợp với bản thân… Và đừng quên, hãy cho mình một sức khỏe thật tốt để tạo ra giá trị, đất nước giàu mạnh cũng bắt nguồn từ từng cá nhân mạnh giàu.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn dantri.com.vn