Phụ nữ với vai trò người “giữ lửa” và người “kiến tạo” trong xã hội hiện đại
Lịch sử ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 bắt đầu từ phong trào của nữ công nhân ngành dệt nước Mỹ vào cuối thế kỳ XIX. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến 8/3/1910, tại Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”. Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Không còn thu mình trong vỏ bọc gia đình, phụ nữ ngày nay luôn khẳng định “bản lĩnh phái đẹp”, nỗ lực tạo ra bản sắc riêng từ trí tuệ đến vẻ đẹp bên ngoài. Giỏi việc nước, đảm việc nhà, họ vừa là người “giữ lửa” trong gia đình, đồng thời vừa có những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của quê hương, đất nước. Phụ nữ tham gia vào nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị, khẳng định được vẻ đẹp và trí tuệ của bản thân trong mọi công việc. Thời nào cũng vậy, dù trong thời chiến hay thời bình, phụ nữ Việt Nam luôn có những đóng góp to lớn. Từ những cái tên vang dội một thời khói lửa: Bà Nguyễn Thị Định, Chị Võ Thị Sáu, Chị Nguyễn Thị Minh Khai...đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay: Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, phó chủ tịch Nước Đặng Ngọc Thịnh...Phụ nữ luôn tỏa sáng, xứng đáng là những bông hoa đẹp nhất và hương sắc nhât của cả dân tộc.
Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam đã có 15 năm thành lập và phát triển. Cơ cấu cán bộ nữ tham gia công tác giảng dạy với số lượng lớn, thành tích của nhà trường trong những năm vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của các chị em. Cán bộ nữ trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Mỹ nghệ Việt Nam luôn đi đầu trong mọi nhiệm vụ, tích cực trong công tác xã hội và công tác chuyên môn: Trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố và quốc gia, số lượng cán bộ nữ tham gia và đạt giải rất lớn. 01 đồng chí đoạt giải nhất toàn quốc nghề May; 02 đồng chí đạt giải nhì thành phố Hà Nội và 80 % các đồng chí cán bộ giáo viên nữ đều đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp trường”.
Tự hào là một nửa của thế giới, phát huy vai trò của phụ nữ quốc tế, cán bộ nữ của trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò, vị trí của mình đối với sự phát triển của xã hội: sẵn sàng cầu tiến, sẵn sàng học hỏi, suy nghĩ đột phá, tạo bàn đạp thúc đẩy phát triển bản thân. Tạo giá trị cho gia đình và xã hội.
Ban truyền thông