Đó là quan điểm khác biệt của nghệ nhân điêu khắc mộc mỹ nghệ tài hoa Bùi Văn Thu khi nhìn nhận về tác động của cách mạng công nghiệp và sản xuất công nghiệp hàng loạt đối với nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ.
Sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ngày trên quê hương nổi tiếng với những làng mộc mỹ nghệ, ngay từ thời niên thiếu, nghệ nhân Bùi Văn Thu (SN 1977, Tam An, Phú Ninh, Quảng Nam) đã bộc lộ tình yêu và đam mê cho những tác phẩm mộc. Trong những chuyến hành trình khăn gói cùng nhóm thợ đi hành nghề, nghệ nhân Bùi Văn Thu nhận được nhiều lời khen về năng khiếu vẽ và khả năng phác họa sản phẩm qua hình dáng gỗ, điều đó thôi thúc, đưa đẩy ông theo đuổi điêu khắc mộc mỹ nghệ.
Nghệ nhân Bùi Văn Thu cho biết, ông may mắn được những bậc thầy về mộc mỹ nghệ của Quảng Nam như nghệ nhân Huỳnh Ry, nghệ nhân Đinh Thạnh truyền đạt và chỉ dạy cộng với quan niệm mộc mỹ nghệ là một môn nghệ thuật khắt khe, mỗi nghệ nhân ngoài sự cần mẫn, tỉ mẩn còn phải có “khiếu” và nét riêng của mình, ông Thu vừa làm vừa sáng tác, tự luyện cho mình khả năng “nhìn hình đoán dáng”, mỗi tác phẩm điêu khắc mộc mỹ nghệ ông Thu sẽ gắn cho nó một dáng cây cụ thể, và theo đó để “chế biến” nguyên liệu gỗ thô theo dáng cây mình đã gắn. Cũng vì vậy, những tác phẩm của mỹ nghệ Vân Long (cơ sở do nghệ nhân Bùi Văn Thu gầy dựng) luôn mang đậm dấu ấn văn hóa mộc mỹ nghệ xứ Quảng nhưng lại hoàn toàn khu biệt và có chất khác so với các sản phẩm mộc mỹ nghệ khác.
Trong bối cảnh nhiều sản phẩm truyền thống bị mai một và đối diện với nguy cơ biến mất do sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm công nghiệp cùng loại thì nghệ nhân Bùi Văn Thu lại có cái nhìn lạc quan và rất khác biệt. Ông cho rằng, sản phẩm mộc thủ công mỹ nghệ bản thân nó là một tác phẩm nghệ thuật, và chính vì vậy, những người yêu nghệ thuật, đam mê với nghệ thuật này mới hiểu và thưởng thức được giá trị của sản phẩm đó. Tự họ sẽ cảm nhận và tìm đến với người nghệ nhân cũng như tác phẩm. Với những người yêu thích nghệ thuật, thì đồ công nghiệp rẻ bao nhiêu cũng là lãng phí và không đáng mua, còn đồ thủ công mỹ nghệ thì dù có đắt nhưng cũng “đáng đồng tiền bát gạo”.
“Việc của người nghệ nhân là mài dũa tay nghề của mình. Nếu người nghệ nhân tay nghề còn “non, mỏng” thì sẽ bị đồ công nghiệp lấn át. Ngược lại, nếu tay nghề cao thì chắc chắn khách hàng sẽ tìm đến. Bản chất, nghề mộc mỹ nghệ không bị ảnh hưởng quá nhiều vì đây là tác phẩm nghệ thuật. Cạnh tranh với hàng công nghiệp không phải là một thách thức, mà nó là một cơ hội. Nhờ việc so sánh đó mà mộc mỹ nghệ và những nghệ nhân mộc mỹ nghệ nổi bật hơn, được khu biệt và được xem trọng hơn”, nghệ nhân Bùi Văn Thu chia sẻ và cho biết thêm, cơ sở mộc mỹ nghệ Vân Long từ khi hình thành đến nay luôn có khách đặt hàng thường xuyên, “tiếng lành đồn xa” có những thời điểm không nhận thêm đơn hàng do làm không kịp để giao sản phẩm cho khách.
Nói về việc tại sao không làm thương mại cho thủ công mỹ nghệ mà chỉ gia công theo đơn đặt hàng, nghệ nhân Bùi Văn Thu cho biết người làm nghề mộc mỹ nghệ phải có tâm, phải dồn tâm huyết củ mình vào sản phẩm, để cho ra đời tác phẩm như mong muốn, để thỏa mãn thưởng lãm nghệ thuật, nếu đặt yếu tố thương mại vào đó, nó sẽ mất đi cái “hồn nghệ thuật” của tác phẩm đó. Cũng vì vậy, trong các nghệ nhân không mấy người kiêm luôn khâu thương mại sản phẩm.
“Người nghệ nhân làm nghề luôn mong muốn cho ra những tác phẩm hoàn hảo để mọi người thưởng lãm. Họ giống nhau ở các điểm đều chân chất, có tham vọng nghệ thuật rất lớn để làm nên những tác phẩm phản ánh và chất chứa văn hóa, giữ hồn văn hóa chứ không phải để tìm được danh lợi”, nghệ nhân Bùi Văn Thu bộc bạch và cho biết ông vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu về mộc mỹ nghệ để cho ra đời những tác phẩm hoàn hảo và “có hồn”. “Còn về khâu thương mại hóa, hãy để thị trường tự điều chỉnh, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ là phép thử để người nghệ nhân khẳng định mình, là cơ hội để giá trị của một tác phẩm mỹ nghệ thực thụ tìm lại vị trí của nó”, nghệ nhân Bùi Văn Thu cười nói.
Theo Baomoi.