Học nghề Chương trình 9+: Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề

Trong quá trình học nghề các em đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, phong cách làm việc của doanh nghiệp cũng như đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp. 

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Con đường thông thường của các em là học tiếp bậc THPT, tìm cửa thi vào đại học hoặc nghỉ học tham gia lao động khi chưa trang bị kỹ năng nghề nghiệp gì trong tay. Trong khi đó, công tác hướng nghiệp đặt ra đã nhiều năm nhưng khó đánh giá hiệu quả. 

Tuy nhiên, với những nút thắt được tháo dần từ chính sách đến sự năng động của các cơ sở đào tạo, cơ hội cho học sinh tốt nghiệp THCS có thể được vừa học nghề vừa học văn hóa đã mở ra. 

Chương trình đào tạo cho cả trung cấp hoặc cao đẳng liên thông từ trung cấp cho học sinh tốt nghiệp THCS,  thường được gọi nôm na là Chương trình 9+, được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội cho rất nhiều học sinh có thể học tập và đào tạo nghề từ rất sớm. Có thể nói đây là một trong những con đường phù hợp với nhu cầu đa dạng của nguồn nhân lực, góp phần giải được bài toán phân luồng sau THCS.  

Nhằm giúp phụ huynh, học sinh có thêm các thông tin về học nghề Chương trình 9+, Báo VietNamNet tổ chức toạ đàm về vấn đề này với sự tham gia của các khách mời:

-        Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

-        Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp

Tiết kiệm thời gian, tiếp cận kỹ năng mềm rất tốt 

Nhà báo Phạm Huyền: Trước tiên, thưa ông Đỗ Văn Giang, được biết, mô hình đào tạo này đã được Bộ LĐ-TBXH thí điểm triển khai ở một số trường. Năm học 2019 - 2020, việc tuyển sinh trình độ cao đẳng (CĐ) nghề chính thức bổ sung đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ CĐ. Ông có thể chia sẻ một cách tổng quát về mô hình này cũng như ưu thế của nó so với cách thức phân luồng sau khi đã tốt nghiệp PTTH? 

Học nghề Chương trình 9+: Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề
Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Đỗ Nga

Ông Đỗ Văn Giang: Thực ra “Chương trình 9+” là cách gọi tắt của chương trình được quy định để đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS và có nguyện vọng được giáo dục nghề nghiệp ở các cấp trình độ. Còn nói đến liên thông thì thực ra tính liên thông trong giáo dục nghề nghiệp có từ xa xưa đến nay rồi. Thế nên cũng không hẳn là năm học 2019 - 2020 mới chính thức bắt đầu đâu, mà nó đã có từ những thập kỷ 1980 khi còn chưa có Luật dạy nghề. Lúc đó là đào tạo theo kiểu trung học nghề và các em cũng được học cả phần văn hóa. 

Đến thời điểm hiện tại Luật Giáo dục Nghề nghiệp có hiệu lực và Bộ LĐ-TBXH đã đưa ra những văn bản phân định rõ các đối tượng đầu vào để học giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt ví dụ như học sinh tốt nghiệp THCS có thể được học trung cấp, nếu như có nhu cầu học liên thông thì các em có thể đăng ký học cả phần văn hóa. 

Đồng thời việc Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 sẽ có hiệu lực chính thức từ 1/7/2020 cũng tạo ra lối mở rõ hơn về phần khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học được học. Người học tốt nghiệp THCS khi tham gia học trung cấp nghề, học trình độ trung cấp sau đó có nhu cầu liên thông thì sẽ được học tiếp chương trình cộng vào mang tính chất tích lũy công nhận để hoàn thành lên chương trình CĐ.

Mô hình này có rất nhiều ưu điểm.

Thứ nhất là tiết kiệm chi phí, thứ 2 là thời gian. Nếu các em chọn phương án là từ THCS lên THPT sau đó mới học trung cấp, học cao đẳng thì thời gian sẽ dài hơn, phải đến 5 - 6 năm các em mới có thể tốt nghiệp THPT và có bằng cao đẳng, học phí sẽ mất nhiều hơn. Nhưng nếu học theo mô hình của giáo dục nghề nghiệp Chương trình 9+ thì các em tốt nghiệp THCS theo học 1 - 2 năm trung cấp theo luật quy định sẽ cùng lúc học cả văn hóa học cả học nghề. Sau đó có thể 1 -2 năm nữa sẽ có bằng CĐ khi các em thi đủ và đảm bảo được khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Thứ ba là rút ngắn thời gian tiếp cận việc làm của các em. Bởi trong quá trình học nghề các em đã có thể tiếp cận doanh nghiệp, phong cách làm việc của doanh nghiệp cũng như đã có thể kiếm được việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp. 

Thứ 4, đặc biệt hơn nữa là với chương trình 9+ các em sẽ được tiếp cận các kỹ năng mềm rất tốt. Trước kia phần kỹ năng mềm trong dạy nghề chưa được chú trọng nhiều, nhưng bây giờ những chương trình về khởi nghiệp, về kỹ năng mềm, về làm việc nhóm, ngoại ngữ v.v... đều được chú trọng và đào tạo. 

Ưu điểm thứ 5 là các em có thể thỏa mãn nhu cầu học liên thông lên trình độ cao hơn khi đã đảm bảo các điều kiện theo các quy định, các văn bản pháp luật của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cũng như của Luật Giáo dục Nghề nghiệp. 

Nhà báo Phạm HuyềnQua những phân tích của ông về các ưu điểm có thể thấy Chương trình 9+ rất hấp dẫn. Tiếp sau đây tôi xin được đọc câu hỏi khá dài do một phụ huynh gửi tới: 

Hiện nay theo quy định học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể theo học trung cấp nghề với thời gian không quá 2 năm. Học sinh học văn hoá chương trình giáo dục thường xuyên thì mất 3 năm. Quy định để học liên thông là phải có bằng tốt nghiệp THPT hoăc tương đương, hoặc có bằng tốt nghiệp trung cấp và đã hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ cho các trung tâm giáo dục thường xuyên đào tạo trong thời gian 3 năm (lớp 10, 11, 12), như vậy các em học xong lớp 9 đi học trung cấp và trung học hệ giáo dục thường xuyên thì trung cấp hoàn thành trước THPT 1 năm. Trường nghề không thể dạy chương trình CĐ ở 1 năm trễ như vậy. Vậy chương trình 9+ hiện vướng mắc ở các văn bản quy định như thế cần phải xử lý ra sao? Câu hỏi này xin ông Giang giải đáp cùng bạn đọc. 

Ông Đỗ Văn Giang: Tôi nghĩ đây cũng là một câu hỏi mang tính chất “nút thắt” của thực trạng khi giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh đào tạo theo mô hình kiểu 9+ này. 

Hiện nay sự hiểu biết về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, tức là học nghề, đã thay đổi rất nhiều khi Bộ LĐ-TBXH, Tổng cục dạy nghề đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức và bản thân học sinh THCS cũng đã ưu tiên học nghề rất nhiều rồi. Đó là tín hiệu lạc quan.

Luật giáo dục đại học cũng đã mở ra, nhưng tôi muốn đi thẳng vào vấn đề đang là điểm nghẽn và mong rằng Bộ GD&ĐT phối hợp chặt chẽ hơn và đồng hành cùng với Bộ LĐ-TBXH để ra được quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT thay thế cho quy định tại thông tư số 16/2010 đã quá cũ. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có văn bản đồng ý là vẫn cho học chương trình đó, tuy nhiên có thể đến thời điểm này nó không còn phù hợp vì cũng sau 10 năm rồi. 

Cũng chia sẻ thêm, thực ra sau khi Luật Giáo dục được sửa đổi thì chúng tôi cũng đã làm việc với Bộ GD&ĐT và hiện nay chúng tôi cũng đã có bản dự thảo về quy định khối lượng kiến thức văn hóa và công nhận khối lượng kiến thức văn hóa theo quy định của Luật Giáo dục mới. Nhưng đến thời điểm này bên Bộ GD&ĐT cũng chưa đưa ra được bản dự thảo cho chúng tôi. Bên chúng tôi cũng đã chủ động đưa ra một bản dự thảo để hai bên cùng tham khảo. Bộ GD&ĐT hứa trong thời gian gần nhất sẽ có được bản dự thảo đó và sửa bản thống nhất để kịp thời đưa ra trong thời điểm tuyển sinh năm nay. 

Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, rõ ràng đối với Việt Nam thì mô hình này dường như còn khá mới mẻ. 

Câu hỏi tiếp theo xin gửi tới hai vị hiệu trưởng. Dưới góc nhìn của hai vị thì mô hình 9+ mới mẻ ra sao so với hệ thống giáo dục nghề nghiệp trước đây? 

Học nghề Chương trình 9+: Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề
Ông Khuất Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội. Ảnh: Đỗ Nga

Ông Khuất Huy Bằng: Với phương pháp đào tạo truyền thống sau khi học hết cấp 2 (hết lớp 9) các em sẽ học 3 năm tại THPT. Sau khi hết 3 năm học THPT thì căn cứ vào học lực, nguyện vọng, sở thích, đam mê và điều kiện xã hội tại thời điểm đó để phụ huynh, học sinh lựa chọn ngành nghề cho con em mình theo học, ví dụ theo học trung cấp, cao đẳng hoặc đại học. Vậy tính tổng thời gian từ khi học hết lớp 9 đến lúc xong bằng đại học, các em sẽ mất từ 6-7 năm. 

Do vậy căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội hiện nay là đang khát lao động, để giải cơn khát này Bộ LĐ-TBXH đã đưa ra mô hình đào tạo mới – Chương trình 9+. Có rất nhiều hướng đi sau khi các em học hết cấp 2. Các em có thể đăng kí vào học tại các trường trung cấp, các trường cao đẳng và tại đó được đào tạo song song hai chương trình, chương trình văn hóa và chương trình nghề. 

Ở đây chương trình văn hóa đã được rút gọn để đảm bảo những kiến thức cơ bản nhất cho các em học tập để phục vụ trực tiếp cho nghề của các em. Buổi sáng các em học văn hóa, buổi chiều các em tiếp tục vào học nghề. Vậy là sau khoảng thời gian từ 2-3 năm các em đã có bằng trung cấp và khoảng 4 - 4,5 năm có bằng cao đẳng và đến đại học chỉ khoảng 5 năm. 

Vậy các em đã rút ngắn được từ 2-3 năm, và điều này tạo ra lợi thế lớn, bởi ra trường sớm hơn các em có cơ hội kiếm việc làm tốt hơn và giúp cho xã hội phát triển hơn, có kinh tế vững hơn. Đấy là một điều kiện rất là thuận lợi. 

Bà Phạm Thị Lan Phương: Với góc nhìn của tôi thì mô hình đào tạo này kế thừa cơ bản những luật trước đây như ông Giang vừa trao đổi. Trường chúng tôi cũng đã đào tạo hệ này từ nhiều năm nay. Các em tốt nghiệp THCS vào học nghề và theo học chương trình giáo dục thường xuyên để khi tốt nghiệp 3 năm là các em có cả bằng trung cấp nghề và bằng văn hóa THPT. 

Học nghề Chương trình 9+: Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề
Bà Phạm Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Cơ khí nông nghiệp. Ảnh: Đỗ Nga

Ông Đỗ Văn Giang: Ở đây tôi muốn bổ sung một ý. Có một điều kiện tiên quyết mà Tổng cục dạy nghề đã hướng dẫn là khi theo học những lớp này các em có thể học song song văn hóa và nghề, tuy nhiên các em chỉ được cấp bằng trung cấp khi đã đảm bảo đủ khối lượng kiến thức văn hóa theo quy định tại thông tư mà tôi vừa nói lúc trước của Bộ GD&ĐT. Nghĩa là có bằng trung cấp phải có luôn phần công nhận về phần văn hóa đó theo quy định Bộ GD&ĐT thì mới được liên thông tiếp lên cao đẳng. Điều này có lẽ là các phụ huynh cần chú ý để định hướng con em mình. 

Các nước đã thành công, chúng ta cũng có thể thành công 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Giang, mô hình 9+ của ta đã học tập và kế thừa ra sao các mô hình thành công của các nước như đào tạo kép tại Đức, hay mô hình KOSEN của Nhật Bản? 

Ông Đỗ Văn Giang: Thực tế đó chính là hai đất nước đào tạo theo mô hình học sinh được phân luồng từ THCS có hiệu quả nhất hiện nay. Đào tạo kép của Đức có  từ những năm xa xưa lắm rồi, còn ở Nhật thì KOSEN bắt đầu từ năm 1961. Bản chất KOSEN của Nhật Bản là đào tạo tinh hoa và cuối cùng các em đạt được đích là có thể trở thành kỹ sư thực hành và ký sư ứng dụng hoặc kỹ sư nghiên cứu và học lên nữa, ở Đức cũng vậy.

Mặt khác, ở Đức có cái hay là doanh nghiệp trả tiền luôn trong thời gian các em tham gia lao động. Hiện ở Nhật cũng như vậy, vừa học tập vừa làm việc cũng được trả lương cho phần sản phẩm của mình. 

Còn ở Việt Nam khi thấy các mô hình này hiệu quả chúng ta đã nắm bắt học tập theo. Mô hình này rất phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta cũng đang cần nhiều nhân lực có kỹ năng nghề. Xu thế thế giới người ta đã nghiên cứu từ những năm xa xưa và đến gần đây nhất là UNESCO trong giai đoạn nghiên cứu để phát triển giáo dục nghề nghiệp từ năm 2016 - 2021 đã đánh giá 1 trong 8 yếu tố lớn chính là kỹ năng nghề và đó chính là một loại tiền tệ toàn cầu. Như vậy nếu chúng ta đẩy mạnh được phương diện này để các em từ nhỏ đã có được các kỹ năng nghề rồi tiếp tục tiến lên thì tự nhiên chúng ta sẽ có một đội ngũ rất mạnh. 

Học nghề Chương trình 9+: Giải ‘cơn khát’ nguồn nhân lực vững kỹ năng nghề
Từ trái qua phải: Ông Khuất Huy Bằng, nhà báo Phạm Huyền, ông Đỗ Văn Giang, bà Phạm Thị Lan Phương

Nhà báo Phạm Huyền: Một câu hỏi xin gửi tới các thầy cô, các vị nhận thấy ngành nghề nào phù hợp với hình thức đào tạo này và thực tế triển khai ở trường các vị có những khó khăn gì cần tháo gỡ, kinh nghiệm nào có thể chia sẻ? 

Ông Khuất Huy Bằng: Trường Trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội chúng tôi đã đào tạo hai khối. Thứ nhất là khối thủ công mỹ nghệ, chúng tôi là trường duy nhất của thành phố Hà Nội đào tạo về các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, duy trì bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống của thủ đô và cả nước. Khối thứ hai là khối công nghiệp đào tạo các nghề như điện, hàn, tin… cung cấp nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp phía Tây của thành phố Hà Nội. Tôi thấy đối tượng để hợp mô hình 9+ rất đa dạng, có thể là với tất cả các ngành nghề. 

Qua quá trình tuyển sinh, chúng tôi nhận thấy có những em học văn hóa chưa chú tâm và không mấy đam mê nhưng khi học về điện, về mỹ thuật… các em lại làm rất tốt. Đích cuối cùng của người lao động là ra trường có một tay nghề kỹ thuật tốt, trên cơ sở đã được lĩnh hội những kiến thức về văn hóa phù hợp để đáp ứng được nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. 

Thứ hai, về khó khăn tháo gỡ thì ở Việt Nam có một đặc thù là sính bằng cấp. Trong Chương trình 9+, khi các em hết lớp 9 sẽ vào các trường trung cấp, được đào tạo một lượng kiến thức văn hóa đủ để các em tiếp tục học nghề ở các trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học thì các em chỉ được cấp một giấy chứng nhận hoàn thành chương trình văn hóa đó để được tiếp tục học lên cao hơn. Về mặt này phụ huynh vẫn còn khá băn khoăn là muốn sẽ có một bằng tốt nghiệp cấp 3 (ngày xưa gọi là bằng tú tài) sau đó mới tính đến học cao đẳng, đại học. 

Để giải quyết được bài toán này chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ được lợi ích của chương trình 9+. Bởi vì các nước phát triển như Đức, Nhật Bản đã ứng dụng mô hình này rất thành công, chắc chắn Việt Nam cũng sẽ thành công. 

Nhà báo Phạm Huyền:Đầu tháng 5 này VietNamNet cũng mới tổ chức một chương trình tọa đàm về giáo dục nghề nghiệp. Trong các khách mời có một học viên của của một học viện đào đào tạo. Bạn ấy chia sẻ rằng khi quyết định không học đại học cũng suy nghĩ nhiều, nhưng có nhiều thứ đôi khi phải căn cứ vào thực lực học tập, nhu cầu của bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình. Tôi nghĩ tâm sự đó có phần tương đồng với những điều mà thầy Bằng vừa nói. 

Tiếp theo xin cô Phương chia sẻ về thực tế tại trường Cao đẳng cơ khí nông nghiệp nơi cô làm hiệu trưởng? 

Bà Phạm Thị Lan Phương: Trường chúng tôi hàng năm tuyển sinh đối tượng 9+ tương đối nhiều, từ 500 - 650 các em tốt nghiệp THCS để vào học nghề. Giống như thầy Bằng chia sẻ, nhiều khi phụ huynh bắt con em mình là phải học hết cấp 3 để có bằng cấp, thế nhưng nhiều em không muốn học văn hóa theo kiểu hàn lâm mà lại yêu thích các môn học hoặc các nghề như tin học, điện, mỹ thuật, bán hàng trong siêu thị, kế toán… thì các em có thể tìm hiểu để sớm tiếp cận nghề nghiệp đó. 

Hiện nay các em ở lứa tuổi tốt nghiệp THCS có rất nhiều ngành nghề phù hợp. Như trường chúng tôi đào tạo hơn 20 ngành nghề đều có học sinh đăng ký và năm nào chúng tôi cũng đủ chỉ tiêu đào tạo.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường Công lập trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, sau đó là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Nhà trường có chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng, dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực đạt trình độ cao cho khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng như cho xã hội.

Trải qua 16 năm hình thành và phát triển, với hệ thống cơ sở vật chất không ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao. Với chức năng nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, Sơ cấp nghề, trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam đã được Bộ Lao động Thương binh - Xã hội chọn là trường có các nghề Trọng điểm cấp Quốc gia về đào tạo các nghề Kỹ thuật và cấp Quốc tế - khu vực ASEAN về đào tạo các nghề Mỹ nghệ. Bên cạnh đó, nhà trường thực hiện phương thức đào tạo gắn kết với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KỸ THUẬT - MỸ NGHỆ VIỆT NAM

Đ/C: Dương Xá - Gia Lâm - Hà Nội

Hotline: 024 36780857

VP1: Khu Nội thương, Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội

VP2: 09 Bùi Ngọc Dương, Hai Bà Trưng, Hà Nội

VietNamNet thực hiện

Bình luận