Công tác chủ nhiệm - Yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu nhà trường.
Với chiến lược xây dựng thương hiệu nhà trường lên tầm cao mới, trong đó 02 yếu tố căn bản phải làm tốt là công tác đào tạo và quản lí HSSV. Nên công tác chủ nhiệm ngày càng được coi trọng và là nhiệm vụ khó mà bất cứ nhà quản lí nào cũng phải đau đầu để tìm kiếm.
Năm 2020, để thực hiện tốt công tác quản lí HSSV, nhà trường đã triển khai công tác này ngay từ ngày đầu sinh viên nhập học.
Là giáo viên chủ nhiệm đầu khoá, Thầy Nguyễn Đức Thạnh, Phó Trưởng khoa Cơ điện cho biết: “Bám sát lớp từ những bước đầu tiên trong cuộc đời sinh viên, với tôi vừa là một niềm hạnh phúc vừa là một trách nhiệm nặng nề. Bước vào một môi trường học tập còn xa lạ, các em chưa trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tôi đã phải mất rất nhiều thời gian bám sát và hướng dẫn các em về cách sinh hoạt, học tập và cả quản lý các em trong hoàn cảnh xa gia đình. Có những ngày không có giờ giảng, tôi vẫn ở lại trường cả ngày để giải quyết các thắc mắc hay hỗ trợ các em. Vất vả là vậy, nhưng được đón nhận tình cảm của các em giành cho tôi như với người cha, người anh trong một gia đình, bản thân tôi thấy mình có niềm hạnh phúc không gì sánh được, tôi thấy càng ngày mình càng yêu và gắn bó với nghề hơn khi thấy tiến bộ của các em. Một số HSSV ban đầu chưa xác định được nghề, thì nay đã xác định rõ nghề phù hợp với khả năng của mình. Một số em còn mải chơi và được coi là cá biệt, thì nay đã thay đổi rõ rệt và định hướng được việc học nghề để thay đổi bản thân và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”
Bước qua những ngỡ ngàng ban đầu của cuộc sống xa gia đình, sinh viên đã hoà nhập và quen dần với cuộc sống tự lập trong học tập, sinh hoạt, thậm chí tự lập hơn trong chính cả những suy nghĩ và định hướng cho tương lai của mình. Tâm sự của thầy Thạnh cũng là tâm sự của rất nhiều cán bộ giảng viên của trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Gắn bó và đào tạo các em bằng tình yêu thương và trách nhiệm, để nơi đây luôn là ngôi nhà thứ 2 cho các bạn học sinh sinh viên lựa chọn điểm đến và nơi trở về.
Với nhiệm vụ tổ chức, xây dựng bộ máy cán sự của lớp. Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, sinh hoạt, hướng nghiệp của sinh viên lớp mình, công tác chủ nhiệm góp phần xây dựng nên thương hiệu trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển của nhà trường trong tương lai.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế - khu vực ASEAN- về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức Nhà trường hiện nay là 78 người.Trường có 6 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các khoa cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.
Ban truyền thông