Người truyền đam mê phát triển ngành nghề truyền thống – Thủ công Mỹ nghệ.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ hiện nay đang dần mai một. Xu hướng theo học và làm các ngành nghề truyền thống tại cơ sở dạy nghề ít được người lao động lựa chọn. Đây chính là khó khăn và thách thức lớn cho rất nhiều trường trong công tác tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực có đủ phẩm chất và tay nghề. Với đặc thù là ngành đào tạo mũi nhọn tại trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam, Khoa Mỹ nghệ được hình thành ngay từ khi thành lập trường. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường, một vài năm gần đây, số lượng đào tạo sinh viên trong ngành này giảm đáng kể. Đây chính là những băn khoăn rất lớn cho cô Nguyễn Thị Phương Lan – Trưởng khoa Mỹ nghệ.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng khá, tiếp tục theo học Thạc sĩ khoa học Lâm nghiệp năm 2007 và năm 2008, cô Nguyễn Thị Phương Lan đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Trải qua nhiều năm gắn bó, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng cô vẫn chọn ở lại và đồng hành cùng nhà trường.

Là một lãnh đạo nữ ham học hỏi, luôn tích cực, chủ động và sáng tạo trong quá trình công tác, cô Nguyễn Thị Phương Lan đã có rất nhiều đóng góp vào thành tích của Khoa Mỹ nghệ nói riêng và thành tích của nhà trường nói chung. Vừa là giảng viên kiêm nhiệm vừa là lãnh đạo khoa, cô luôn cùng các cán bộ, giảng viên của của mình lăn lộn tại rất nhiều các làng nghề thủ công truyền thống như Hạ Thái, Phú Xuyên (Hà Nội), Cát Đằng, Ý Yên (Nam Định)...để tìm hiểu những nét đặc thù của nghề, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với từng địa phương để đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn theo đúng mục tiêu, định hướng của nhà nước.

Từ năm 2012 đến nay, cô tham gia rất nhiều chương trình thẩm định các nghề thuộc lĩnh vực thủ công mỹ nghệ tại trường và Bộ lao động thương binh & Xã hội (Mộc Mỹ nghệ, Gia công thiết kế sản phẩm Mộc, Kỹ thuật Sơn mài khảm trai, Kỹ thuật Điêu khắc gỗ, Mộc xây dựng và trang trí nội thất, Đúc dát đồng Mỹ nghệ); Biên soạn chương trình, giáo trình các nghề trọng điểm quốc gia (Gia công thiết kế sản phẩm Mộc, Kỹ thuật Sơn mài khảm trai, Mộc xây dựng và trang trí nội thất).

Ngoài những kiến thức về chuyên môn, cô luôn tự cố gắng học hỏi để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Năm 2018, cô tham dự kỳ thi tay nghề Asean với vai trò là phiên dịch viên cho nghề Mộc Mỹ nghệ.

 Bên cạnh đó, cô Phương Lan còn tham gia rất nhiều những hoạt động đoàn thể của nhà trường, từng là Bí thư chi đoàn Hành chính giai đoạn 2008 -2010, là ủy viên, phó chủ tịch công đoàn trường giai đoạn 2012- 2020, 2020- 2025.

Với sự nỗ lực, cố gắng của mình những đóng góp của cô Nguyễn Thị Phương Lan đã được trường Cao đẳng kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam ghi nhận bằng rất nhiều danh hiệu trong nhiều năm như : Giấy khen của Hiệu trưởng, Chiến sĩ thi đua cơ sở, Công đoàn viên xuất sắc.

Hiện tại, cùng với cán bộ, giảng viên khoa Mỹ nghệ, cô quyết tâm tìm ra hướng đi mới để duy trì, bảo tồn và phát triển ngành thủ công mỹ nghệ tại trường.

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế - khu vực ASEAN- về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức Nhà trường hiện nay là 78 người.Trường có 6 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các khoa cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.

Ban truyền thông

Bình luận