Hướng tới đào tạo nghề chất lượng cao, đem lại hiệu quả thiết thực

Đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện một trong ba mũi đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định.

Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trực tiếp tham gia đào tạo nghề

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, thời gian qua tỉ lệ thanh niên thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp tương đối cao so với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước (7,61% so với mức trung bình toàn quốc là 2,25%).

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, nguyên nhân chính là do kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động, hướng tới đào tạo nghề chất lượng cao.

Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy, công tác đào tạo nghề chất lượng cao đã đạt được một số chuyển biến tích cực, có hơn 75% số học viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các trường đã tiếp nhận chuyển giao đào tạo trên 34 nghề trọng điểm quốc tế. Các chương trình đào tạo chất lượng cao đã có thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp trên 30%, thời lượng thực hành đạt trên 50% chương trình.

75% số học viên được đào tạo nghề chất lượng cao có việc làm ngay khi ra trường

Hầu hết các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm và trực tiếp tham gia đào tạo nghề, như Vingroup, Sungroup, FPT, Samsung... Các dự án đầu tư có nhu cầu nhân lực chất lượng cao đã cơ bản được đáp ứng.

Cùng với đó, để đạt được hiệu quả đào tạo nghề chất lượng cao, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với chuyên gia, các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình "đào tạo nghề kép" của Đức, Thụy Sỹ...

Đến nay, đã có khoảng hơn 400 chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được ban hành, đáp ứng cơ bản cho các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực, quốc tế và các ngành nghề phổ biến, làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉnh sửa chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực người học và yêu cầu của thị trường lao động.

Do vậy, các chương trình đào tạo hiện nay đã được phát triển dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và chuẩn đầu ra. Cấu trúc chương trình đào tạo được xây dựng theo modul, tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và thái độ nghề nghiệp..., đảm bảo sự liên thông giữa các cấp trình độ đào tạo.

Để hướng tới đào tạo nghề chất lượng cao, ông Trương Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho rằng, công tác hướng nghiệp giữ vai trò rất quan trọng. Hướng nghiệp cho học sinh không phải là khuyên các em nên chọn học đại học, cao đẳng hay trung cấp, mà mà cung cấp đầy đủ thông tin về từng bậc học, ngành học cho các em lựa chọn. Các trường cần giúp các em hiểu không phải cứ bậc cao hơn thì tốt hơn và thành công hơn mà thành công phải là một lựa chọn phù hợp nhất với sở thích, năng lực, hoàn cảnh gia đình và mục tiêu của mỗi người.

Khi tuyển sinh, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã chủ động đổi mới phương pháp dạy và học, giảm thời gian lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nghề chất lượng cao.

Đa dạng hình thức đào tạo nghề

Bên cạnh các hình thức đào tạo nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng, thời gian gần đây hình thức đào tạo 9+ đã nhận được sự quan tâm của các em học sinh.

Theo Tổng cục Dạy nghề, giai đoạn 2016-2020, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp có 980.620 học sinh. Phần lớn trường cao đẳng, trường trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều có tuyển sinh và đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó chủ yếu học sinh vào học hệ trung cấp, ngoài ra có một số học các trình độ sơ cấp hoặc học liên thông lên cao đẳng. Tuy nhiên số lượng tuyển sinh hằng năm vẫn còn ít so với mục tiêu được đặt ra.

Từ thực tế đã kéo dài nhiều năm là tỉ lệ phân luồng học sinh trung học vào hệ thống giáo nghiệp nghề nghiệp còn rất thấp, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 21 ngày 4/5/2023 về đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Theo đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Đây là một mục tiêu rất cụ thể và rất khó với công tác phân luồng học sinh.

Hiện nay, theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, học sinh tốt nghiệp THCS được phép vào học trình độ trung cấp, trong quá trình học trình độ trung cấp, học sinh sẽ được học song song khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông: Gồm chương trình 4 môn văn hóa cơ bản hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, người học sẽ được học liên thông lên các trình độ cao hơn nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Do quá trình tổ chức học như vậy, hiện nay, nhiều nơi đang gọi tắt là 9+ (đào tạo từ sau lớp 9 lên các trình độ cao hơn).

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, mô hình đào tạo 9+ song bằng đã giúp cho số lượng học sinh tham gia học nghề đang tăng lên. Đây là mô hình giống với mô hình Kosen của Nhật Bản, tức là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào thẳng trường nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề, khi các em học sinh ra trường vừa có bằng nghề đồng thời có tốt nghiệp phổ thông theo các tiêu chuẩn và các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giờ thực hành nghề Điện công nghiệp của Trường CĐ Kỹ thuật - Mỹ nghệ VN

"Việc vừa học nghề, vừa học văn hóa giúp rút ngắn thời gian đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em học sinh khi ra trường có thể tham gia thị trường lao động ngay. Mô hình này không phải được áp dụng chỉ riêng Việt Nam mà các nước đang phát triển cũng đều áp dụng mô hình này nhiều, thậm chí ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Canada, Đức cũng khuyến khích mô hình này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện tử, điện lạnh Hà Nội Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết, hiện nay các trường THCS trên địa bàn đã triển khai khá tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp. Năm học vừa qua, trên địa bàn Hà Nội số lượng học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT khá lớn nên nhiều em đã tìm đến mô hình đào tạo 9+.

Ưu điểm nổi bật của học sinh tốt nghiệp THCS khi tham gia học trung cấp trong giáo dục nghề nghiệp so với các hệ đào tạo cùng bậc hiện nay là sự linh hoạt trong việc lựa chọn học kiến thức, học nghề tùy theo nhu cầu và được miễn giảm học phí. Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố, cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn có những chính sách ưu đãi khuyến khích, khen thưởng riêng cho các đối tượng các em học sinh tham gia học trung cấp trong giáo dục nghề nghiệp tùy theo khả năng và điều kiện.

Thời gian tới, để đào tạo nghề phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, còn rất nhiều việc cần phải làm. Trong đó, chú trọng huy động mọi nguồn lực xã hội, nhất là của các tập đoàn, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế vào công tác đào tạo nghề.

Đồng thời, chương trình đào tạo nghề cũng cần đổi mới, sát hơn với thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu, đem lại hiệu quả thiết thực cho các em học sinh.

Theo Baochinhphu

Bình luận