Hội giảng - hướng tới ngày kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, người cô. Là ngày để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ngoài các hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam tổ chức Hội giảng cấp trường cho toàn thể cán bộ giáo viên. Đây là một hoạt động thường niên của nhà trường nhằm thúc đẩy các phong trào thi đua, đồng thời là cơ hội để cán bộ giáo viên trao đổi, học tập các phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Tham gia hội giảng là những giáo viên có thành tích xuất sắc, có kết quả giảng dạy tốt, được tuyển chọn tại các khối, tổ chuyên môn như: khoa Cơ bản – sư phạm nghề, khoa Công nghệ thông tin, khoa Kinh tế, khoa May thời trang, khoa Cơ điện. Tại hội giảng, các giáo viên đại diện từ các khối, tổ thực hiện một bài giảng trong thời gian từ 45 đến 60 phút về nội dung mô đun, môn học trong chương trình.
Kết thúc mỗi bài giảng, giáo viên được đồng nghiệp và Hội đồng giám khảo đóng góp ý kiến về những ưu, khuyết điểm của từng người. Qua đó, giáo viên có định hướng cụ thể đúc kết rút ra những bài học kinh nghiệm về trình độ chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm cho bản thân, áp dụng trong công tác giảng dạy cụ thể đối với từng môn học vốn dĩ luôn có những đặc tính riêng của mình. Với ý thức cao về việc học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần ngày Nhà giáo Việt Nam, các tiết học tham dự hội giảng đã được các khoa, tổ bộ môn chuẩn bị kỹ lưỡng. Các phương pháp giảng hiện đại theo yêu cầu tích hợp đã được thực hiện một cách nhuần nhuyễn. Bên cạnh kỹ năng giảng dạy, kỹ năng thực hành, các kỹ năng mềm khi sử lý tình huống bất ngờ trong giờ học được các thầy cô giải quyết một cách sáng tạo, phù hợp.
Hội giảng đã tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn và bổ ích, để hướng đến phát triển đào tạo theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo. Gắn kết chặt chẽ đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và phát triển kinh tế xã hội của đất nước; lấy sự chấp nhận của thị trường lao động làm thước đo của hiệu quả đào tạo; góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Ban truyền thông