Đào tạo nhân lực của Việt Nam ngược xu hướng thế giới
Cứ hơn hai người Việt học đại học thì chỉ một người học nghề, trong khi xu thế của thế giới là số người học nghề luôn gấp 2-5 lần người học đại học.
Tại Diễn đàn quốc tế về giáo dục nghề nghiệp sáng 24/10, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết Việt Nam có khoảng 52 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm hơn một nửa dân số. Tuy nhiên, trình độ lao động của người Việt nhìn chung thấp, mất cân đối giữa các nhóm.
Ông Độ ví dụ, với đa số nước trên thế giới, cơ cấu trình độ lao động có dạng hình chóp. Trong đó, cứ một người học đại học sẽ có 2-3 người học cao đẳng, 3-5 người có trình độ trung cấp. Nhưng thống kê trong nước cho thấy, người Việt có xu hướng chọn trình độ giáo dục ngược với thế giới.
"Một người học đại học mới có 0,42 người tham gia giáo dục nghề nghiệp. Nhân lực của Việt Nam tập trung từ đại học trở lên với 10,9%, cao đẳng 3,7%, trung cấp 4,3% và sơ cấp 4,7%", ông Độ nói.
Hệ quả, cơ cấu nhân lực bị chênh lệch giữa các trình độ đào tạo, gây thừa thiếu cục bộ. Ông Độ cho biết một số lĩnh vực thừa nhân lực, chẳng hạn nhóm kinh tế, nhưng nhân lực có tay nghề cao trong các ngành sản xuất trực tiếp lại "thiếu trầm trọng".
Như với ngành Logistics, ông Độ đánh giá đây là ngành mới, tiềm năng với nhu cầu nhân lực lớn, nhưng đòi hỏi lao động chất lượng cao. Trong khi đó, chỉ một số trường nghề có đào tạo ngành này, hoặc ngành gần đúng. Luật Thương mại cũng mới chỉ công nhận Logistics là một hoạt động thương mại, chưa phải là ngành kinh tế mũi nhọn.
Để cân đối cơ cấu nhóm nhân lực, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng bắt buộc phải tìm cách tăng số người học nghề. Đến tháng 12/2022, các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, cao nhất trong 5 năm qua. Tổng cục đánh giá đây là tín hiệu tích cực, trở thành động lực cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong số này chỉ hơn 500.000 người học trình độ trung cấp, cao đẳng, còn lại học các chương trình ngắn hạn.
Còn về giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động tay nghề cao, các chuyên gia nhấn mạnh cần đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp và nhà trường.
Ông Wayne Striplin, Giám đốc hoạt động quốc tế, Cao đẳng quốc tế Strategix, Australia, cho rằng khi trường nghề hợp tác với doanh nghiệp, giảng viên sẽ hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai. Việc này giúp trường điều chỉnh kế hoạch, chương trình dạy. Nếu cần thiết, trường có thể mở thêm các khóa đào ngắn hạn mới, trang bị thêm cho sinh viên những kỹ năng mà doanh nghiệp đang cần.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết nhận thức được rằng tham gia vào quá trình đào tạo người học vừa là nhu cầu, vừa là thách thức của doanh nghiệp. Sở dĩ, việc này có thể giúp doanh nghiệp đào tạo được nguồn sinh viên chất lượng, phù hợp với nhu cầu, nhưng cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực, thời gian.
Hiện cả nước có hơn 1.900 trường nghề, gồm 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và gần 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ đặt mục tiêu đạt 2,5-2,7 triệu lượt người học nghề vào năm 2025, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 25%. Đến năm 2030, số lượt người học tăng lên 3,8-4 triệu, trong đó 25-30% người có trình độ cao đẳng, trung cấp.
Theo Vnexpress