Chuẩn bị cho xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn mới
Chiều ngày 24/02/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức cuộc họp bàn về triển khai xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 -2030. Tham dự cuộc họp có TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; Chuyên gia Văn phòng ILO Geneva, Văn phòng ILO Hà Nội, đại diện GIZ, đại diện Ngân hàng phát triển Châu Á, Ngân hàng thế giới.
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại cuộc họp
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Quang Việt, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp đã trình bày những nội dung chính của bản đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, làm cơ sở, tạo nguồn dữ liệu thông tin quan trọng phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030. Bản đánh giá cho thấy nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu Chiến lược. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu còn chưa đạt so với mục tiêu đặt ra trong Chiến lược. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết là ở cách tiếp cận xây dựng chiến lược khi chiến lược được xây dựng với nhiều mục tiêu đặt ra khá cao, một số mục tiêu còn chung chung, chưa rõ ràng chưa lượng hóa được. Tiếp đó là nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp tuy đã tăng song còn chưa tương xứng với một số mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược, nhiều địa phương chưa ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Khi triển khai thực hiện, sự phối hợp, gắn kết giữa các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế và kém hiệu quả; các hoạt động triển khai còn chưa đồng bộ, chưa tập trung được nguồn lực cho các mục tiêu yêu tiên, nhận thức về học nghề của người dân còn phiến diện, chưa đầy đủ,...
Tại cuộc họp, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi, đề xuất kiến nghị các vấn đề xoay quanh việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2021-2030. Các ý kiến đều cho rằng xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, không thể một sớm một chiều, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá rút kinh nghiệm những thành công cũng như hạn chế của việc thực hiện Chiến lược phát triển Dạy nghề giai đoạn 2011-2020. Cách tiếp cận xây dựng chiến lược là việc hết sức quan trọng, để xây dựng một Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp hiệu quả, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của các ngành kinh tế nói riêng. Trước hết cần định hướng phạm vị xây dựng Chiến lược, đề ra mục tiêu của Chiến lược như thế nào. Một số nội dung là thách thức của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới như bài toán nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mô hình nào cho đào tạo nghề tại Việt Nam, kỹ năng tương lai định hình như thế nào, mô hình quản trị chất lượng giáo dục nghề nghiệp, cơ chế tài chính nào phù hợp cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Để các chuyên gia trong nước và quốc tế có cơ hội đóng góp vào tiến trình xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 -2030 nhất thiết cần xây dựng ngay một khung Chiến lược, ở đó các quy trình, nội dung được thể hiện rõ và các chuyên gia có thể tham gia vào khâu nào, nội dung nào của tiến trình xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghệp giai đoạn mới cần bám sát các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội và chỉ tiêu phát triển ngành trong giai đoạn tương ứng. Đồng thời, 3 trụ cột: Đổi mới quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới cơ chế tài chính, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp cũng có thể là những yếu tố quan trọng cần nghiên cứu khi xây dựng Chiến lược,...
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng ghi nhận và đánh giá cao ILO đã có ý tưởng đề xuất cuộc họp này. Việc xây dựng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 là nhiệm vụ không phải một sớm một chiều, cần có thời gian và phương pháp tiếp cận phù hợp. Các ý kiến tại cuộc họp rất có giá trị và quý báu. Trong quá trình xây dựng Chiến lược, với nỗ lực xây dựng một chiến lược thật hiệu quả, gắn với thực tiễn, Tổng cục mong muốn các đối tác quốc tế, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ nhiều kinh nghiệm và đóng góp nhiều ý kiến tư vấn để Chiến lược được xây dựng đảm bảo đúng mục tiêu và toàn diện. Qua đó, giúp giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển và tiếp cận với các nước phát triển.
TCGDNN