Nhiều ưu điểm
Cầm tấm bằng tốt nghiệp nghề điện công nghiệp và dân dụng của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, anh Trần Đức Phấn (sinh năm 1999, ở quận 6) phấn khởi chia sẻ: "Năm 2017, tốt nghiệp trung học cơ sở, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên em ở nhà phụ giúp việc gia đình. Sau gần một năm ở nhà, nhận ra mình phải có nghề mới có thể lập nghiệp ổn định, em quyết định đăng ký vào trường nghề để vừa học nghề, vừa học văn hóa. Em sẽ tiếp tục học liên thông lên cao đẳng để củng cố thêm tay nghề".
Còn Nguyễn Khánh Ly (sinh năm 2005, ở quận Bình Tân), học sinh lớp 10 Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Em đã thi đỗ vào một trường trung học phổ thông công lập. Tuy nhiên, khi tìm hiểu chương trình đào tạo hệ 9+, em và gia đình thấy phù hợp hơn, nên đã chuyển hướng”.
Thạc sĩ Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thông tin, khi theo học chương trình đào tạo hệ 9+, các học sinh chỉ mất thêm từ 2,5 đến 3,5 năm để học nghề và 7 môn văn hóa (toán, văn, lý, hoá, sinh, sử, địa) là vừa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, vừa có trong tay một nghề trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, đồng thời có thể học liên thông lên bậc cao hơn. Ngoài ra, học sinh còn được nhà nước tài trợ chi phí học nghề theo quy định.
Một ưu điểm khác của chương trình đào tạo hệ 9+, đó là tỷ lệ tốt nghiệp rất cao. Riêng năm học 2020-2021, toàn bộ 500 học sinh Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng theo học chương trình đào tạo hệ 9+ đều tốt nghiệp; Trường Cao đẳng Nghề thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 95%…
Đặc biệt, 3 năm gần đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp cho thị trường 130.000-142.000 nhân lực/năm; tỷ lệ các học sinh khi ra trường có việc làm đúng nghề được đào tạo lên tới 80-85%.
Tiếp tục tháo gỡ “điểm nghẽn”
Dù chương trình đào tạo hệ 9+ tại thành phố Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực, song thực tế cũng cho thấy vẫn còn một số “điểm nghẽn”.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông Trần Thanh Hải, bất cập lớn nhất hiện nay là, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành các quy định liên quan đến khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quý III-2020, như quy định tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Hoàng Văn Minh cho biết, tới đây, Bộ sẽ hoàn thiện và ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trình độ trung cấp liên thông lên trình độ cao đẳng phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước, trong đó có các cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Chia sẻ quan điểm của đồng nghiệp Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đăng Lý cũng kiến nghị nên sớm trao quyền cho các trường nghề được dạy văn hóa cho học sinh theo chương trình hệ 9+ nếu đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp, đó là: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức dạy văn hóa tương đương trình độ trung học phổ thông theo khối lượng chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
“Ngoài ra, Đề án “Thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở” mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng, triển khai trong năm 2021 này được chúng tôi kỳ vọng sẽ tạo nên sức hút lớn với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề. Điều này sẽ giúp nhà trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh, qua đó góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới”, Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý nói.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn hanoimoi.com.vn