Thông tin được chia sẻ Hội nghị “Đánh giá kết quả hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp năm 2019 và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hoạt động năm 2020” tổ chức ngày 23/12 tại TPHCM.
Năm 2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động tăng cường gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.
Cụ thể đã tổ chức xây dựng 100 chuẩn đầu ra quốc gia cho 50 ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; 2 ngành, nghề trình độ sơ cấp; tổ chức xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật trong giáo dục nghề nghiệp. Cùng đó, xây dựng cập nhật ngân hàng đề thi đánh giá kỹ năng nghề/tay nghề quốc gia với sự tham gia của hàng nghìn lượt cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia đến từ doanh nghiệp.
Tăng cường hoạt động giao dịch việc làm của các sàn giao dịch việc làm nhằm giới thiệu việc làm, cung ứng, tuyển lao động nói chung, người học sau tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói riêng.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại hội thảo. |
Theo Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu thực hiện hiệu quả gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm. Trong đó có Trường CĐ Cơ khí nông nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng 21.500 nhân lực tay nghề cao giai đoạn 2020 – 2025.
Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong năm vừa qua, việc gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng đó, nhìn nhận của doanh nghiệp về giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực thể hiện trong việc hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp, hiệp hội... với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp. Ngược lại các doanh nghiệp cũng đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Các kết quả hoạt động nói trên, bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với việc làm, với thị trường lao động. Đây là minh chứng cho cơ chế phối hợp hiệu quả 3 bên giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp đang được vận hành hiệu quả.
Ông Hùng khẳng định, trong năm 2020, sẽ tiếp tục gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế gắn kết chặt chẽ 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là trong việc triển khai đào tạo các ngành, nghề trọng điểm.
Bên cạnh đó, trong năm 2020 tiếp tục triển khai các mô hình gắn kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để cung cấp lao động cho các khu công nghiệp, khu chế xuất và lao động đi làm nước ngoài. Trong đó tập trung triển khai mô hình tổ chức truyền thông, tuyển sinh, đào tạo nhân viên chăm sóc người già, người bệnh; các kỹ năng mềm cho lao động theo định hướng mục tiêu đi làm việc tại Nhật Bản.
Báo Vietnamnet.