Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam

Mở rộng không gian truyền thông, tạo chuyển biến nhận thức về GDNN

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị bàn về phát triển không gian truyền thông GDNN, hình thành hệ sinh thái truyền thông GDNN giai đoạn 2021-2025 diễn ra ngày 30/6.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan truyền thông báo chí.

Lần đầu tiên xuất hiện hệ sinh thái truyền thông GDNN

Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, công tác truyền thông về GDNN lâu nay vẫn được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN quan tâm, chú trọng triển khai và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đã có nhiều thay đổi.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã nêu rõ, những vấn đề mới đặt ra đòi hỏi toàn hệ thống chính trị, các lĩnh vực, trong đó có GDNN phải có sự chủ động, bứt phá, sáng tạo trong thời gian tới để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các Sở LĐ-TB&XH, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan truyền thông báo chí.

Cũng theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, GDNN có sứ mệnh, vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Vai trò, vị trí này đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013.

Xa hơn nữa, GDNN xuất hiện cùng quá trình hình thành phát triển của lực lượng lao động trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo đó, cùng với việc tồn tại, phát triển của nền văn minh lúa nước và các làng nghề truyền thống, từ phương thức truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp đến sản xuất duy trì cuộc sống và cho tới những năm cuối thế kỷ 19, đã hình thành hệ thống tổ chức đào tạo chính quy tại một số trường nghề.

Gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đầu thế kỷ 20, chúng ta có sự ra đời, lớn mạnh của các trường nghề và giai cấp công nhân Việt Nam. Đây là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Việt Nam hiện nay, GDNN là một cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. GDNN có 5 bậc (từ bậc 1 đến bậc 5) trong 8 bậc của Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Còn trên phạm vi toàn thế giới, các quốc gia phát triển đều nhấn mạnh vai trò của GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề. Kinh nghiệm của các quốc gia thành công, đều có GDNN phát triển, có lực lượng kỹ năng tay nghề tốt, năng suất lao động, năng lực sáng tạo, năng lực cạnh tranh tốt, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN

Cũng theo ông Trương Anh Dũng, Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây đã công bố báo cáo chuyên sâu với chủ đề nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung và những ảnh hưởng sâu sắc của phát triển công nghệ, toàn cầu hóa, đại dịch Covid-19. Báo cáo cung cấp một phân tích định lượng tác động của việc nâng cao kỹ năng lao động, qua đó cho thấy, nhu cầu quan trọng và ngày càng cao của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, phát triển GDNN. Đồng thời đưa ra khuyến cáo với Chính phủ các nước là cần ưu tiên phát triển GDNN trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều thay đổi, và quốc gia đang xây dựng kế hoạch phục hồi đất nước sau dịch bệnh Covid-19.

Giữ vai trò quan trọng, tuy nhiên theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, không phải tất cả mọi người, các cấp ngành, các cơ quan, tổ chức và người dân đều đã nhận thức đúng vị thế, vai trò của phát triển GDNN.

“Hệ sinh thái truyền thông GDNN lần đầu tiên được xây dựng với mong muốn đa dạng hóa hình thức truyền thông, thực hiện kết hợp các hình thức truyền thông, đảm bảo công tác truyền thông về GDNN được thực hiện mọi nơi, mọi lúc mọi thời điểm, tiếp cận với mọi người. Câu chuyện truyền thông theo đó sẽ được đẩy mạnh, gắn liền với các giai đoạn trước, trong và sau của các hoạt động GDNN.

Trên cơ sở đó tạo chuyển biến trong nhận thức về GDNN của các cơ quan, ban ngành, của xã hội, người dân về lĩnh vực GDNN. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống GDNN tham gia thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về GDNN với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đồng hành để triển khai xây dựng hệ sinh thái”, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng thông tin.

Tạo chuyển biến trong nhận thức của đối tượng truyền thông

Góp ý xây dựng hệ sinh thái truyền thông GDNN tại cuộc họp, các ý kiến đại diện Văn phòng Chính phủ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, các cơ sở GDNN… đều cho rằng, GDNN ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đầy đủ theo đúng giá trị của GDNN.

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ nêu thực tế hiện nay tại nhiều gia đình là con em đỗ đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn trúng tuyển vào GDNN thì lặng lẽ nhập học.

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ

“Nhận thức của xã hội về GDNN vẫn chưa đi vào chiều sâu. Do đó mỗi cơ sở GDNN, mỗi bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, chủ động rà soát các vấn đề vướng mắc, tồn tại để có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lương, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại vào nhà nước. Trong chiến lược phát triển GDNN sắp tới, cần chú trọng công tác truyền thông về GDNN”, ông Sơn cho biết.

Đồng tình, ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại các địa phương, vấn đề truyền thông về GDNN ngày càng đặt ra cấp thiết, nhất là trong bối cảnh phát triển nguồn nhân lực cao.

Theo ông Trực, việc xác định đối tượng truyền thông rất quan trọng. Cần hướng mạnh truyền thông GDNN vào lao động ở các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các đối tượng tiềm năng như học sinh lớp 9, lớp 12, phụ huynh học sinh.

Cùng với đó, quan tâm lựa chọn đội ngũ nòng cốt làm cộng tác viên truyền thông từ các cơ sở GDNN, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của các ngành liên quan, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông báo chí.

“Báo chí chính thống là nền tảng quan trọng trong công tác truyền thông về GDNN. Một tấm gương học nghề truyền thông được đăng tải trên các cơ quan báo chí có giá trị tuyên truyền, lan tỏa hơn cả trăm bài diễn thuyết”, ông Trực nói.

Cùng góc nhìn, nhà báo Phan Thanh Hải, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống (Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam) chia sẻ, các câu chuyện học nghề thành công đăng tải trên báo chí nói chung, Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống nói riêng đã cho thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ và từng bước góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề.

Bằng việc lựa chọn các hình thức thể hiện sinh động, hiện đại như E-magazin, Longform…, cùng với những câu chuyện thành công của các nhân vật bước ra từ trường nghề, những bài báo trên tạp chí điện tử Nghề nghiệp & Cuộc sống đã tạo sức lan toả, thu hút cực kỳ lớn của độc giả, với số lượt truy cập luôn ở tốp đầu.

Các câu chuyện học nghề thành công đăng tải trên báo chí nói chung có sức lan tỏa mạnh mẽ và từng bước góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về học nghề

“Nhiều gia đình vẫn nặng nề câu chuyện học nghề không sang, thu nhập không cao. Tuy nhiên, khi được giới thiệu những tấm gương học nghề thành công, được vinh danh trên các bảng xếp hạng quốc tế, quốc gia thì đã thay đổi góc nhìn của các bậc phụ huynh và học sinh. Công tác truyền thông về GDNN theo đó nên quan tâm, chú trọng mô hình truyền thông hiệu quả này. Những tấm gương đi ra từ học nghề với cơ hội phát triển và nguồn thu nhập tốt sẽ có tính thuyết phục cao hơn những bài báo đơn thuần”, ông Phan Thanh Hải nói.

Khẳng định sứ mệnh, vai trò của GDNN, TS Phạm Xuân Khánh, phụ trách Trường CĐ Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, phải có quan điểm rõ ràng đối với câu chuyện tuyển sinh của GDNN. “GDNN không phải là vơ bèo vạt tép, không phải là không còn đường nào để đi mới vào GDNN. GDNN cũng đặt ra tiêu chí điểm cao mới tuyển sinh và thực tế những học sinh thành công trong GDNN đều có điểm đầu vào cao”, ông Khánh cho biết.

Theo ông Khánh, để truyền thông hiệu quả cần chú trọng đến sự khác biệt của GDNN với giáo dục đại học, quan tâm đến tiếng nói của doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh. Truyền thông mạnh về GDNN nhưng truyền thông đúng, khách quan, không truyền thông thái quá.

Quan tâm đến cấu trúc hệ sinh thái truyền thông GDNN, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho rằng, cần xác định các đầu mối, hạ tầng để xây dựng hệ sinh thái. Hệ sinh thái truyền thông GDNN cần có sự tham gia của cơ quản quản lý nhà nước (Tổng cục GDNN), các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, người học…

Từ các đầu mối này sẽ xây dựng tài nguyên cho hệ sinh thái truyền thông GDNN. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ truyền thông liên quan đến các cơ chế, chính sách, định hướng chung cho hệ sinh thái truyền thông. Các cơ sở GDNN cung cấp cơ sở dữ liệu hệ thống cơ sở GDNN của cả nước.

Doanh nghiệp cung cấp thông tin công khai nhu cầu nhân lực, nhu cầu công nghệ, giải pháp doanh nghiệp..; Xã hội cung cấp các phản biện xã hội cho GDNN, cung cấp các hoạt động truyền thông GDNN, cung cấp các dịch vụ xã hội cho GDNN (ví dụ dịch vụ kiểm định chất lượng GDNN, dịch vụ giới thiệu việc làm, dịch vụ đưa người lao động qua đào tạo GDNN đi xuất khẩu lao động,…); Người học cung cấp nhu cầu học nghề, định hướng, hướng nghiệp, nhu cầu tư vấn, tìm việc, cung cấp thông tin khảo sát liên quan,…

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổng cục GDNN sẽ tập trung xây dựng và phát triển không gian truyền thông GDNN. Trong đó, giai đoạn 2021-2022 sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng số và phát triển các sản phẩm số; Triển khai xây dựng không gian truyền thông GDNN tại các nơi công cộng, địa điểm đông người qua lại bằng các gian hàng GDNN, các biển quảng bá về GDNN… tại các địa phương; Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng, thông tấn báo chí. Các cơ sở GDNN xây dựng không gian truyền thông GDNN tại các cơ sở GDNN…

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, có hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, đội ngũ cán bộ giáo viên ổn định, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường có các ngành trọng điểm cấp Quốc gia về Kỹ thuật và cấp Quốc tế về Mỹ nghệ. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Công tác tuyển sinh của nhà trường đối với hệ cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện nay, tổng số sinh viên của nhà trường cả 03 khoá khoảng 1.500 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10-12triệu đồng/tháng.

Nguồn nghenghiepcuocsong.vn