Theo lý giải của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật thì Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục năm 2019 quy định người học tốt nghiệp THCS đi học nghề trình độ trung cấp có thể học thêm văn hóa THPT để được liên thông lên trình độ cao hơn.
Hơn 80% học sinh trường nghề đã tốt nghiệp THCS có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi lấy
bằng THPT.
Trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần tích lũy thuộc về Bộ GD-ĐT.
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GD-ĐT ban hành nội dung này trong quý 3/2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Các hiệp hội ghi nhận: trong những năm gần đây, tại nhiều địa phương, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề ngày càng đông.
Phần lớn (hơn 80%) các em có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và lấy bằng.
Thực tế, các trường trung cấp, cao đẳng đang giảng dạy nội dung văn hóa THPT cho người học nghề theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Trước đó, ngày 23/6/2017, Bộ GD-ĐT đã có công văn cho phép các trường nghề tạm thời áp dụng giảng dạy nội dung chương trình văn hóa THPT theo quy định tại Thông tư số 16/2010-BGDĐT ngày 28/6/2010 quy định về khung chương trình trung cấp chuyên nghiệp. Hiện, Thông tư này đã hết hiệu lực thi hành.
Trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD-ĐT đã cho phép các trường (bao gồm: trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng) được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (7 môn văn hóa bắt buộc).
Sau khi hoàn thành chương trình, người học được tham dự thi THPT để nhận bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư 16/2010-BGDĐT cũng được thi đại học.
Từ năm 2019, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tại các tỉnh không cho phép cơ sở Giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019 để liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, không được liên thông lên đại học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định rõ, việc thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đểtham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT phải do các trung tâm GDTX thực hiện.
Nhiều cơ sở dạy nghề tại các tỉnh như Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn…đã không được tiếp tục giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT. UBND các tỉnh này đã có văn bản kiến nghị lên Bộ Giáo dục và đào tạo nhưng Bộ vẫn trả lời chỉ có các trung tâm giáo dục thường xuyên mới được dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Các trường cao đẳng, trung cấp nếu muốn dạy văn hóa THPT thì phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – đơn vị quản lý khối giáo dục nghề nghiệp đã có văn bản gửi sang Bộ GD-ĐT, đề nghị cho các cơ sở đào tạo nghề đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương đồng ý cho giảng dạy văn hóa THPT được tiếp tục dạy cho học sinh của trường mình.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên quan điểm, chỉ đồng ý cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học trình học trung cấp liên thông lên cao đẳng và không đồng ý để các trường giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT cho người học.
Điều này được cho là ảnh hưởng tới quyền lợi của học sinh tốt nghiệp THCS đang học tại các trường nghề, có nguyện vọng học và thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Bởi khi trở thành học sinh các trường nghề màchỉ có bằng tốt nghiệp THCS, các em đối mặt với nguy cơ bị tước mất quyền lợi được học lên đại học cho dù đã được dạy học kiến thức văn hóa THPT.
Các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng có ý kiến để Bộ GD-ĐT cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được sở GD-ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người vừa học nghề, vừa học văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THTP trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tính đến năm 2020, cả nước có 244 trường cao đẳng và 437 trường trung cấp thực hiện tuyển sinh, đào tạo trình độ cho đối tượng tốt nghiệp THCS. Trong đó, gần 400 trường đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu giảng dạy văn hóa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm: Cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của giáo viên giảng dạy, phòng học, phòng thực hành…Các cơ sở này đã có kinh nghiệm đào tạo văn hóa cho đối tượng THCS từ trước.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn vietnamnet.vn