Một vòng lẩn quẩn, khó khăn chồng khó khăn
Kể về khó khăn của công tác dạy nghề, lãnh đạo các trường nghề đều tâm sự là "kể hoài không hết", nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19 này.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Lành - Hiệu trưởng trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông, trong thời gian qua, Chính phủ đã có hàng loạt chính sách để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN), công tác truyền thông về GDNN được chú trọng và đã có tác động rất tích cực đến mọi mặt của hệ thống.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà ngành GDNN đang đối mặt là đa số phụ huynh vẫn có tâm lý thích cho con vào đại học, dù biết học xong con em họ có thể thất nghiệp, hoặc sẽ phải làm trái ngành và thu nhập thấp hơn lao động có tay nghề cao. Tâm lý chuộng bằng cấp này khiến trường nghề rất khó thu hút học viên.
Tâm lý chuộng bằng cấp này khiến trường nghề rất khó thu hút học viên
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh - Hiệu phó phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng chỉ ra một nguyên nhân khác khiến công tác tuyển sinh của trường nghề khó khăn là các trường hầu như không có chi phí dành cho công tác truyền thông tuyển sinh.
Trong khi các trường đại học đã bắt đầu làm công tác tuyển sinh từ đầu năm học trên hàng loạt phương tiện truyền thông, đến trực tiếp từng trường thì các trường nghề chỉ có thể dùng những biện pháp ít tốn kém như đăng trên website trường, phát tờ rơi, gửi email quảng cáo...
Đó là chưa kể đến hàng loạt khó khăn khác như lương giáo viên thấp khó tạo động lực cho giáo viên đầu tư bài giảng, thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy học trong khi đây là khâu cực kỳ quan trọng trong công tác dạy nghề...
Hiệu phó trường Trung cấp Lê Thị Riêng tâm sự: "Như trong ngành chăm sóc sắc đẹp, thiết bị làm việc được cải tiến và thay đổi hàng năm nhưng trường không có kinh phí để đầu tư thay mới liên tục. Mà không thay mới thì thiết bị lạc hậu, không theo kịp thực tế công việc là chất lượng giảng dạy kém ngay".
Chính vì không thu hút được học viên nên dẫn đến vòng lẩn quẩn là trường nghề hoạt động kém hiệu quả, thiếu kinh phí để đầu tư cho công tác truyền thông, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, thu hút giáo viên giỏi... Vòng lẩn quẩn cứ lặp đi lặp lại khiến nhiều trường nghề rơi vào cảnh bế tắc.
Giải quyết nút thắt tuyển sinh
Theo lãnh đạo các trường nghề, mọi khó khăn đều có thể giải quyết nếu việc phân luồng học sinh về trường nghề được thực hiện tốt hơn. Khi đó, trường nghề có nhiều học viên, có nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng giảng dạy…
Tuy nhiên, thực tế việc tuyển sinh của trường nghề đang gặp phải khó khăn rất lớn đến từ nhận thức của phụ huynh. Điều mà thạc sĩ Nguyễn Hữu Lành không hiểu nổi là nhiều em gia đình thuộc diện khó khăn, bố mẹ vẫn cố vay mượn, nuôi con ăn học 3 năm THPT và 4 năm đại học, để rồi ra trường chưa chắc có công việc ổn định.
Trong khi đó, các em có thể học trung cấp nghề miễn phí sau khi tốt nghiệp THCS, dễ dàng tìm được việc để nuôi sống bản thân. Nếu các em có chí tiến thủ, hoàn toàn có thể học liên thông lên cao theo chế độ vừa học vừa làm.
Ngoài ra, việc tuyển sinh của trường nghề còn gặp trở ngại rất lớn khi cánh cửa vào đại học ngày càng dễ dàng với nhiều hình thức xét tuyển, nhiều trường đại học dân lập có điểm chuẩn đầu vào rất thấp đã "thu vét" hết học sinh.
Bên cạnh đó, quy định học viên trung cấp học văn hóa THPT 4 môn không được liên thông lên đại học cũng siết chặt con đường phát triển của người học nghề.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, nếu như quy định cho người có bằng trung cấp được liên thông thẳng lên đại học thì học sinh sẽ về trường nghề rất đông. Vì khi đó, các em tốt nghiệp trung cấp có thể làm việc tích lũy tài chính và liên thông nâng cao trình độ bất cứ lúc nào.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Lành cũng đề xuất 2 giải pháp cơ bản để làm tốt công tác phân luồng học sinh một cách triệt để, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Ông nói: "Thứ nhất là công nhận giá trị của bằng Trung cấp có học văn hóa nghề tương đương với bằng THPT. Điều này phải thống nhất trong cả hệ thống chính trị, kể cả công tác tuyển dụng và bổ nhiệm của các tổ chức. Thứ hai là quy định về tiêu chuẩn đầu vào của Đại học phù hợp để đảm bảo tỉ lệ phân luồng học sinh".
Ông cũng gửi gắm đến các phụ huynh lời khuyên: "Hãy lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con em mình, tôn trọng việc lựa chọn ngành nghề của các em. Có như vậy, các em mới sống hạnh phúc với nghề nghiệp mà các em đã chọn, nhất là với các em không có năng khiếu học văn hóa, tính toán chậm, hoặc viết lách khó khăn…".
Nguồn dantri.com