Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam

HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TẠI ĐỀN THỜ THẦY CHU VĂN AN VÀ CÔNG VIÊN RỒNG HẠ LONG CỦA HỌC SINH KHỐI 10 TRƯỜNG CAO ĐẲNG KỸ THUẬT – MỸ NGHỆ VIỆT NAM

Người ta vẫn thường lấy thời gian để làm thước đo của sự sống, thế nhưng điều thực chất làm nên cuộc đời của bạn lại chính là những trải nghiệm bạn có được trên cuộc hành trình của mình như nhà triết học Jeans-Jacques Rousseau đã từng nói: “Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất”.  Thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, ngược dòng thời gian trở về buổi học tập trải nghiệm ngày 30/12/2022 của học sinh khối 10 hệ 9+ vừa được trường Cao đẳng Kỹ thuật – Mỹ nghệ Việt Nam tổ chức tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An và công viên Rồng Hạ Long - Quảng Ninh, chuyến đi đã để lại những bài học quý giá và cảm xúc khó quên trong mỗi người.

Tuy thời tiết sáng sớm có phần rét buốt nhưng từ hơn 6 giờ sáng, sân trường đã tấp nập, rộn rã tiếng cười nói của các bạn học sinh. Dưới sự hướng dẫn của các anh, chị hướng dẫn viên Công ty TNHH thương mại và du lịch Anh Dũng các lớp lần lượt ra xe để chuẩn bị chuyến hành trình. Đúng 7 giờ, những chiếc xe bắt đầu lăn bánh đưa 103 học sinh khối 10, trưởng đoàn là thầy Nguyễn Đức Thạnh – Trưởng phòng Tuyển sinh và Hỗ trợ việc làm, phụ trách quản lý hệ văn hóa THPT; thầy Nguyễn Ngọc Quang – Bí thư đoàn trường; cô Đỗ Thị Thu Hường – Phó bí thư đoàn trường, cùng các thầy cô giáo chủ nhiệm di chuyển đến các địa điểm trải nghiệm.

Đúng 9 giờ 15 phút, trải qua gần 70km, cả đoàn đã có mặt ở đền thờ thầy giáo Chu Văn An. Đền thờ thầy Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Sau khi qua đời, tại nơi thầy dạy học nhân dân đã dựng đền thờ. Trong kháng chiến chống Pháp, khu di tích bị tàn phá  rất nghiêm trọng. Từ năm 1997 đến năm 2008, chính quyền địa phương đã sử dụng nguồn tiền công đức của tập thể giáo viên và học sinh trong cả nước tu sửa, bảo tồn, các hạng mục trong ngôi đền được khôi phục như ban đầu.

Cổng vào đền thờ thầy Chu Văn An

Ngôi đền bao gồm một quần thể kiến trúc bề thế, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn, có địa thế linh thiêng và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Nơi đây là quần thể kiến trúc bao gồm: tam quan nội, tam quan ngoại, sân hạ, sân trung, sân thượng, vườn cây, hai nhà giải vũ, hai nhà bia, đền thờ chính cùng những bức phù điêu chạm Long Phượng vờn mây và 112 bậc đá dẫn lên đền thờ chính. Đền thờ chính tọa lạc trên thế đất cao, rộng, theo phong thủy thì đây chính là mắt của chim Phượng. Phía trước đền có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kì Lân và núi Phượng Hoàng chầu về. Đền Chu Văn An được xây dựng theo hình chữ Nhị, phong cách kiến trúc thời Nguyễn, chồng diêm 2 tầng 8 mái, ngói liệt với 8 góc đao cong, bao gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Chính giữa tiền tế đặt ban thờ công đồng, ngay phía sau là ban thờ gia tiên họ Chu, bên phải là ban thờ sơn thần núi Phượng Hoàng, bên trái là ban thờ các môn sinh của thầy. Trong hậu cung đặt tượng thờ thầy bằng đồng, nặng 100kg. Nghệ thuật trang trí trong đền theo đề tài tứ linh (Long - Ly - Quy - Phượng) và tứ quý (Tùng - Cúc - Trúc - Mai). Các bức y môn sơn son thếp vàng, trang trí mỹ thuật theo hình tượng “rồng chầu hoa cúc mãn khai”. Phía trước đền Chu Văn An là đôi rồng đá mang phong cách kiến trúc thời Trần. Trong không gian quần thể đền Chu Văn An thanh tịnh, nằm ẩn mình giữa khu rừng thông xanh ngút ngàn, nổi bật lên hàng chữ “Vạn thế sư biểu”, đặc biệt là bảng khắc chữ “Học” rất lớn theo nét bút thư pháp ở trên lối vào đền. Đây là sự thể hiện tấm lòng tri ân của bao thế hệ người Việt đối với người thầy giáo mẫu mực.

Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông là nhà giáo, thầy thuốc, đại quan dưới triều Trần. Năm 16 tuổi, ông đã đỗ Đình Thí nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung nằm gần làng Văn Thôn. Ngoài 20 tuổi, ông được Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) mời làm tư nghiệp Quốc tử giám dạy học cho Thái tử. Đến đời Vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369), vì chán ghét bọn gian thần, ông đã trao ấn từ quan về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng, ngày ngày dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược cho tới khi mất (1370). Sinh thời, ông được dân chúng tôn là "Vạn thế sư biểu", nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời của dân tộc Việt Nam.

Tại nơi linh thiêng này, Ban chấp hành đoàn trường phối hợp với Phòng TS&HTVL đã long trọng, tổ chức Lễ dâng hương và Kết nạp Đoàn cho 34 học sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 130 học sinh Khối 10 tại khu di tích Đền thờ thầy giáo Chu Văn An. Sau đây là một số hình ảnh về buổi lễ:

Lễ dâng hương và Kết nạp Đoàn cho học sinh Khối 10 tại khu di tích Đền thờ thầy giáo Chu Văn An.


Thày giáo Nguyễn Ngọc Quang – Bí thư đoàn trường tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại  khu di tích Đền thờ thầy giáo Chu Văn An.


Thày Nguyễn Ngọc Quang – Bí thư đoàn trường trao Huy hiệu đoàn cho đoàn viên mới tại  khu di tích Đền thờ thầy giáo Chu Văn An.

Các thày cô chụp ảnh lưu niệm cùng 34 đoàn viên mới tại  khu di tích Đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Tập thế các lớp 10A1, 10A2, 10A3 chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy, cô giáo chủ nhiệm và phụ huynh học sinh

Sau gần một giờ tham quan tại đền, đoàn tiếp tục di chuyển đến công viên Rồng Hạ Long (Dragons Park).

(Nguồn: Google.map Bản đồ minh hoạ vị trí khoảng cách từ Đền thờ Chu Văn An đến Công viên Rồng)
 

Ngày 25/1/2017, Tập đoàn Sun Group chính thức khai trương công viên chủ đề lớn nhất Đông Nam Á Dragon Park thuộc quần thể Sun World Halong Complex tại TP Hạ Long (Quảng Ninh). Dragon Park là công viên chủ đề duy nhất Việt Nam hội tụ 32 trò chơi hiện đại hàng đầu thế giới, được thử tải và kiểm định bởi Hiệp hội kiểm định chất lượng danh tiếng TÜV - Đức.

(Nguồn: Ảnh chụp Sơ đồ công viên Rồng Hạ Long – Quảng Ninh)

(Nguồn: Ảnh chụp cổng vào soát vé của công viên Rồng)
 

Dragon Park trải rộng trên diện tích 23 ha, với thiết kế được lấy cảm hứng từ những công viên giải trí hiện đại bậc nhất thế giới. Đây có lẽ là điểm đến mà hầu hết các bạn học sinh đều rất mong chờ, háo hức.

Tại đây học sinh được chơi các trò chơi tốc độ, mạo hiểm hàng đầu thế giới như tàu lượn siêu tốc dài nhất châu Á, với độ dài đường ray lên tới 1,1km mang tên “Phi Long Thần Tốc” được sản xuất bởi hãng B&M - với số lượng hạn chế trên toàn thế giới, đem đến cảm giác thử thách bản thân.

(Nguồn: Ảnh chụp Vòng xoắn của trò chơi Phi long thần tốc)

Hay trò chơi “Tê giác cuồng nộ” Rhino Sling đưa người chơi xoay tròn trên những chiếc sừng tê giác khổng lồ, nâng lên và rơi tự do với vận tốc lên tới 65km/h.

(Nguồn: Ảnh chụp Trò chơi tê giác cuồng nộ)
 

Còn những trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ như những tour giải trí mini cực chất khám phá thành phố Paris hoa lệ với tháp Eiffel qua “Tour de Paris”, đắm chìm trong không gian âm nhạc lãng mạn và ánh sáng huyền ảo của trò chơi “Đu quay diệu kỳ” hoặc thả mình thư giãn tận hưởng cảm giác lênh đênh trên sông nước dưới bóng xanh yên bình, băng qua những cánh rừng nhiệt đới, ngắm nhìn thác nước tuyệt đẹp cùng “Du thuyền nhiệt đới”….

(Nguồn: Ảnh chụp Du thuyền nhiệt đới - học sinh lớp 10A3)
 

Sau hơn 3 giờ vui chơi, được trải nghiệm bao trờ chơi thú vị, đúng 16 giờ 30 phút cả đoàn bắt đầu tập trung ra xe để trở về với Gia Lâm, Hà Nội.Vậy là kết thúc một ngày dài với bao trải nghiệm ý nghĩa, lý thú.

 Tập thể lớp 10A2 chụp ảnh lưu niệm cùng cô giáo chủ nhiệm  tại cổng công viên Rồng
 

Với mỗi học sinh, chuyến đi thực sự có tác động tích cực tới nhận thức, suy nghĩ của bản thân về tương lai, nghề nghiệp của mình. Đền thờ thầy giáo Chu Văn An cổ kính, linh thiêng khiến các em tự hào, trân trọng, biết ơn người thầy tiêu biểu từ đó ý thức được mình phải cố gắng để học tập thật giỏi, để sau này thật thành công.  Khu vui chơi công viên Rồng lại đưa các em đến với cuộc sống hiện đại, đầy màu sắc. Từ đó các em thêm yêu quê hương đất nước mình, cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của những cuộc hành trình, thêm những ước mơ về công việc làm hướng dẫn viên du lịch đưa mọi người đi muôn nơi,  muôn nẻo đường của Tổ quốc xanh tươi.

Qua đợt học tập trải nghiệm thực tế, học sinh vừa được học thêm về truyền thống hiếu học, trọng việc học của dân tộc, được am hiểu thêm về người thầy mẫu mực Vạn thế sư biểu - Chu Văn An với những công hiến, đóng góp có giá trị to lớn cho dân tộc. Cùng với đó, các em được mở rộng tầm mắt về sự phát triển mạnh mẽ vủa vùng đất Quảng Ninh với những danh lam thắng cảnh,  những khu vui chơi giải trí như công viên Rồng thu hút đông đảo  khách du lịch mang lại lợi ích kinh tế cao.

Để có được những đợt học tập trải nghiệm có ý nghĩa, vui vẻ như vậy, tất cả học sinh cần cảm ơn nhà trường, cảm ơn bố mẹ đã quan tâm tạo điều kiện cho các em được tham gia trải nghiệm. Nhờ chuyến đi mà tập thể các lớp đoàn kết hơn, yêu quý nhau hơn, biết trân trọng sự quan tâm của gia đình, nhà trường, thầy cô hơn. Có lẽ đây sẽ là một kỉ niệm đầy cảm xúc khó quên trong ba năm thanh xuân cấp ba ngắn ngủi của tất cả học sinh. Sau ngày đi học tập, trải nghiệm tuy còn nhiều dư âm mọi người đã trở về với việc học tập, làm việc của mình chỉ khác ở chỗ các em vui vẻ hơn, thầy cô cũng trở nên gần gũi với học sinh hơn, tình cảm của bạn bè trong lớp gắn kết, sôi nổi hơn trong học tập. Hải Dương mảnh đất địa linh nhân kiệt, Quảng Ninh - miền đất hứa, hẹn gặp lại vào một ngày không xa.

Nguồn: Tập thể giáo viên