Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam

Giáo dục nghề nghiệp cần chuẩn bị tốt nhất đón cả "đại bàng" và "chim sẻ"

Ngày 30/11, tại Hà Nội diễn ra chương trình Tọa đàm khoa học "Phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển FDI tại Việt Nam". TS. Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trưởng Tiểu ban GDNN chủ trì buổi tọa đàm.

"Trước mắt, chúng ta cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón cả "đại bàng" (doanh nghiệp lớn) và "chim sẻ" (doanh nghiệp nhỏ)", Tổng Cục trưởng TCGDNN Trương Anh Dũng nói.

Theo báo cáo đề dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, buổi Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gây ra tác động xấu trên toàn thế giới, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nhưng vẫn đạt được kết quả ấn tượng. Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã giúp nền kinh tế ổn định và một điểm đến của dịch chuyển đầu tư FDI.

Các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng, là điểm đến cho sự phân bổ lại dòng vốn đầu tư, đặc biệt là xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc.

Theo Nomura Group (2019), kể từ đầu năm 2018 đến tháng 8/2019, đã có 56 doanh nghiệp quốc tế rời Trung Quốc sang sản xuất tại các nước khác; trong đó, có 26 doanh nghiệp chọn Việt Nam, 11 sang Đài Loan, 11 sang Thái Lan, 3 sang Ấn Độ...

Có nhiều thông tin về việc các nhà đầu tư có kế hoạch dịch chuyển đầu tư tới Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển sẽ không ngay lập tức, mà thường có lộ trình khoảng 2-5 năm, do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện nên không thể nhanh chóng chuyển dịch.

Ngoài ra, sự dịch chuyển này mang tính đa dạng hóa thị trường, chỉ chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng chứ không phải là di dời toàn bộ.

Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về thu hút đầu tư do môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thị trường nội địa lớn, mức sống người dân ngày càng tăng; lợi thế tương đồng với Trung Quốc về văn hóa, chính trị, về vị trí địa lý, điểm giúp tiết giảm tối đa chi phí dịch chuyển sản xuất và vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở sản xuất hiện có tại Trung Quốc; sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam về kinh tế, thương mại, đối ngoại, văn hóa, giáo dục...

Mặt khác có những lý do khách quan đến từ các nhà đầu từ như các nhà đầu tư muốn né tránh rủi ro chiến tranh thương mại - công nghệ; sắp xếp lại chuỗi sản xuất sau đại dịch từ các nước phát triển.

Tuy nhiên, việc chạy đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI từ các quốc gia khác trong khu vực đang tạo sức ép cạnh tranh lớn đối với chúng ta.

Tại buổi Tọa đàm, TS. Trương Anh Dũng - Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: "Theo một số chuyên gia kinh tế, có 5 lĩnh vực các tập đoàn quốc tế có xu hướng dịch chuyển là: công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Trước mắt, chúng ta cần chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón cả "đại bàng" (doanh nghiệp lớn - PV) và "chim sẻ" (doanh nghiệp nhỏ - PV) theo đúng tinh thần của Nghị quyết 50/NQ-TW ngày 20/08/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030".

Theo ông Trương Anh Dũng, Giáo dục nghề nghiệp cần phải giải quyết các vấn đề chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề, vừa góp phần dọn tổ đón đại bàng, vừa tranh thủ thời cơ dân số vàng, vừa thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra đánh giá nguồn nhân lực của Việt Nam qua tham khảo thông tin từ các nhà đầu tư FDI.

Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham luận về "Tình hình đầu tư nước ngoài năm 2020 và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng làn sóng dịch chuyển FDI vào Việt Nam ".

Theo ông Đỗ Văn Sử, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đánh giá lao động Việt Nam có ưu điểm: Chất lượng và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp có bước chuyển biến tích cực; Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên.

Ở nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế; Lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, ông Sử cho rằng, nhân lực của nước ta cũng có những hạn chế là chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; Chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội;

Việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 còn có những khó khăn và chưa triển khai được nhiều; Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo; quy mô nhỏ.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng Thư ký kiêm Giám đốc Văn phòng Giới và sử dụng lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh, nhu cầu về nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%.

Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%, cao đẳng chiếm 17,04%, trung cấp chiếm 26,04%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38%.

Các nhà khoa học, chuyên gia tích cực thảo luận về chủ đề "Phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển FDI tại Việt Nam".

Bà Lan Anh cũng nhấn mạnh về thực trạng là chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Việc đuổi kịp yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực trong thực tiễn đang là một vấn đề.

Bà Lan Anh trích dẫn số liệu của Tổng Cục thống kê cho thấy ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp có tỉ lệ lao động chưa qua đào tạo là cao nhất trong các ngành chiếm 34,5% tổng số lao động của ngành. Một số ngành khác như Du lịch, Thủy sản cũng được chuyên gia này đưa ra số liệu thống kê cho thấy tình trạng lao động chưa qua đào tạo hoặc có trình độ thấp còn chiếm tỉ lệ cao.

Do vậy, bà Lan Anh cho rằng Giáo dục nghề nghiệp cần phải đầu tư và có những biện pháp trọng tâm để đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động từ thực tế nói trên.

Buổi Tọa đàm khoa học "Phát triển nhân lực trong giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển FDI tại Việt Nam" cũng bàn về các vấn đề: Chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư FDI tại Việt Nam; Dự báo chuyển đổi các kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu làn sóng dịch chuyển đầu tư tại Việt Nam; Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trước bối cảnh chuyển dịch đầu tư FDI; Những bước chuyển biến về đào tạo nhân lực trong GDNN của trường cao đẳng trước yêu cầu của thị trường lao động và đón đầu làn sóng đầu tư FDI…

Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế - khu vực ASEAN- về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức Nhà trường hiện nay là 78 người.Trường có 6 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các khoa cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.

Nguồn dantri.com.vn