1. Bài học nghề đầu tiên
Những năm học phổ thông, trong suy nghĩ của Hưng và nhiều bạn bè cùng trang lứa, Đại học là con đường duy nhất để đi đến thành công. Hưng học hành chăm chỉ và thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trải qua học kỳ đầu tiên ở giảng đường Đại học, Hưng dần nhận ra những điểm không phù hợp với mình. “Chương trình học nặng kiến thức lý thuyết, còn em lại là người thích thực hành, ham tìm tòi, khám phá”, Hưng nhớ lại.
Hưng nghĩ đến hoàn cảnh kinh tế không mấy khá giả của gia đình mình, nghĩ đến chặng đường 4 năm phía trước. Rồi câu chuyện của những người thân quen tốt nghiệp đại học xong vẫn chật vật tìm việc làm… khiến Hưng suy nghĩ cân nhắc rất nhiều.
Viễn cảnh tương lai tươi sáng với khởi đầu là giảng đường đại học dần nhường chỗ cho những suy nghĩ thực tế hơn. Cuối cùng, Hưng quyết định nghỉ học ở trường Đại học, tìm cơ hội thử sức ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Quyết định của Hưng đột ngột với gia đình, nhất là mẹ Hưng. Không ít lần bà khuyên Hưng nên suy nghĩ lại. Tuy nhiên Hưng lại có sự tin tưởng, ủng hộ của bố. Với kinh nghiệm của một người thợ mộc lâu năm, ông phân tích cho Hưng từng lựa chọn để em có thêm cơ sở quyết định.
Bố bảo, nếu lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, với kỹ năng nghề được đào tạo bài bản, Hưng sẽ có nhiều cơ hội được tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp cũng như có thể tự tin vào việc ngay. Trường hợp chọn con đường Đại học, Hưng phải nỗ lực để có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, bằng không sẽ rất chật vật.
Bố cũng dặn Hưng dù chọn con đường nào cũng phải kiên trì, nỗ lực cố gắng mới có thể đi đến thành công.
“Lúc nhỏ nhìn những khúc gỗ thô ráp, xù xì, qua bàn tay khéo léo của bố mà trở thành những đồ dùng thiết thực, hữu ích như bàn ghế, giường tủ, em rất thích thú, ấn tượng. Có được sự động viên, ủng hộ của bố, em càng thêm yên tâm, tự tin với lựa chọn của mình”, Hưng chia sẻ.
2. Gặt hái thành công
Môi trường đào tạo của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhanh chóng hấp dẫn Hưng. Thời gian thực hành chiếm đến 70%, giúp Hưng thỏa mãn sở thích vọc vạch, khám phá, đồng thời hiểu và nắm chắc bài học.
“Mỗi bài tập của nghề cơ điện tử giống như một thử thách. Nhiều vấn đề kỹ thuật của nghề, ngoài nỗ lực cá nhân còn đòi hỏi cả tư duy đồng đội, thậm chí có lúc phải tranh luận mới ra vấn đề. Nhưng mỗi lần xử lý thành công một vấn đề, chúng em lại có thêm hứng thú, đam mê với nghề”, Hưng chia sẻ.
Ngoài việc được học, được làm những điều mình thích, sự quan tâm, đãi ngộ của nhà trường đối với sinh viên cũng là điều khiến Hưng thêm yên tâm với lựa chọn của mình.
Hưng cho biết, quá trình tư vấn tuyển sinh trước đó, em được thầy cô chia sẻ về vai trò của ngành cơ điện tử trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại cũng như nhu cầu tuyển dụng của nghề trong tương lai. Nhà trường cam kết, sau khi ra trường, Hưng cùng các bạn sẽ có việc làm ngay với mức lương khởi điểm từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình đào tạo, nhà trường cũng chú trọng đầu tư các trang thiết bị hiện đại cho sinh viên thực hành. Các giáo viên của trường thường tham gia các khóa tập huấn ở các nước phát triển trên thế giới, sau đó mang những công nghệ tiến tiến về truyền đạt lại cho sinh viên.
Với sự thể hiện ưu tú trong quá trình học, năm 2019, Nguyễn Văn Hưng là một trong số hai sinh viên của Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề thế giới tại Nga.
Hưng đã giành được Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề cơ điện tử, góp phần vào thành tích chung của đoàn Việt Nam. Với thành tích này, tháng 7/2020, Nguyễn Văn Hưng được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) chọn vào danh sách 10 Đại sứ Kỹ năng nghề của Việt Nam.
“Trở về từ Kỳ thi Tay nghề thế giới, bố mẹ lên tận sân bay đón. Mẹ đặt vào tay em bó hoa để chúc mừng rồi lặng lẽ khóc. Lần đầu tiên trong đời, em thấy mẹ mang hoa đi tặng”, Hưng xúc động nhớ lại.
Nỗ lực cùng những kết quả bước đầu của Hưng đã từng bước thay đổi nhận thức của mẹ Hưng. Bà như cất đi được nỗi niềm canh cánh bấy lâu trong lòng về tương lai của con trai mình.
Sau này, khi em trai Hưng quyết định lựa chọn nối bước theo học ở trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, mẹ Hưng không còn phân vân, lo lắng, can ngăn như đối với Hưng trước đây. Thay vào đó bà động viên con tin tưởng vào lựa chọn của mình và nỗ lực với lựa chọn đó.
Tốt nghiệp với kỹ năng nghề được đào tạo bài bản, Hưng đã có cơ hội được tuyển dụng vào Tập đoàn Samsung Việt Nam với mức lương rất cao cùng nhiều cơ chế thuận lợi, ưu đãi trong công việc.
Tuy nhiên, vì muốn thử thách khả năng của bản thân, Hưng cho biết đã chọn cách tiếp tục nỗ lực học lên đại học, bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng để có thêm cơ hội và thành công hơn trong tương lai. Câu chuyện của Hưng là minh chứng cho việc, có rất nhiều con đường để đi đến thành công.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghề Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng./.
Nguồn nghenghiepcuocsong.vn