Làm việc ở các khu công nghiệp là lựa chọn của nhiều cử nhân.
Chúng tôi đến gặp em Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1995, xã Thạch Kim (Thạch Thành) vào một buổi tối muộn khi em vừa kết thúc một ngày làm việc ở Công ty CP Điện máy Magicjiangdong, Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa).
Minh kể, ngày thi đỗ vào Trường Đại học Thương mại Hà Nội, em đã hạnh phúc đến nhường nào. Tuy nhiên, bố mẹ Minh mừng đấy, tự hào đấy, nhưng nỗi lo tài chính còn lớn hơn nhiều. Bởi, gia đình Minh thuộc diện hộ nghèo, bố em sau một trận ốm nặng đã không còn khả năng lao động nên mẹ em trở thành lao động chính trong nhà. Thu nhập chính của gia đình dựa vào đồi dứa nhưng diện tích canh tác không nhiều, cũng không có vốn đầu tư thâm canh nên thu nhập mỗi vụ chỉ khoảng vài triệu đồng... Mẹ Minh chia sẻ: “Ngày Minh đi học, được sự giúp đỡ của bà con xóm giềng và anh em họ hàng cùng với chương trình hỗ trợ vay vốn sinh viên nghèo của Nhà nước, mỗi năm tôi vay được 8 triệu đồng, tuy nhiên số tiền đó chỉ đủ trang trải tiền học phí. Học kỳ đầu tiên, tôi phải bán cả trâu để lấy tiền trang trải việc học hành cho con...”.
Sau 4 năm miệt mài học tập, tháng 4-2017, Minh ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá. Vất vả để có được tấm bằng đại học là thế, nhưng khi ra trường, Minh rất chật vật khi đi xin việc. “Không dám mơ sẽ xin được việc tại các cơ quan Nhà nước nên em không làm hồ sơ. Em xin vào làm nhân viên thị trường cho một công ty, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên người ta không nhận” - Minh kể về lần xin việc đầu tiên của mình.
Suốt gần 2 tháng rong ruổi nộp hồ sơ xin việc, Minh vẫn chưa được công ty nào nhận vì không có kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, em đành phải “giấu” đi tấm bằng đại học để xin vào làm công nhân cho Công ty CP Điện máy Magicjiangdong. Ngày làm 8 tiếng, thêm tăng ca từ 2-3 tiếng, thu nhập bình quân khoảng 6-7 triệu đồng.
Minh cho biết thêm, 1/3 số bạn đồng nghiệp cùng phân xưởng của Minh đều là sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tựu chung các bạn đều khó khăn trong quá trình xin việc phù hợp với chuyên môn được học.
Cũng giống như Minh, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá của Trường Đại học Vinh, chuyên ngành Sư phạm Hóa, Nguyễn Thị Tiên, 25 tuổi, xã Thọ Sơn (Triệu Sơn) hăm hở nộp hồ sơ vào phòng nội vụ của các huyện trên địa bàn tỉnh và chờ đợi. 5 tháng trôi qua chẳng thấy thông tin gì, Tiên lên hỏi thì nhận được câu trả lời “Chưa có nhu cầu, nhiều hồ sơ nộp lắm em ơi!”. Không buồn lòng, Tiên tiếp tục tìm cơ hội mới bằng cách nộp hồ sơ sang các tỉnh bạn, như: Nghệ An, Ninh Bình và đón xe lên Hòa Bình khi bạn bè báo có thông tin tuyển giáo viên cắm bản. Thế nhưng, một lần nữa Tiên lại thất vọng vì không có đơn vị nào gọi thông báo dù đã nhiều tháng trôi qua.
“Để có tiền cho mình đi học, bố mẹ đã phải vay mượn hơn 40 triệu đồng trang trải tiền ăn, uống, chi tiêu. Ra trường hơn 1 năm vẫn chưa xin được việc, tiền ngân hàng cứ đến kỳ hạn là phải trả lãi, nhìn thấy bố mẹ còm lưng làm trả nợ mà buồn lắm! Thế là mình bảo với bố mẹ để con đi làm công nhân một thời gian, khi nào có thông tin trúng tuyển thì con đi dạy!” - Tiên kể về quyết định của mình.
Tiên xin làm công nhân ở Công ty TNHH Giầy SunJade Việt Nam, trong vòng phỏng vấn thấy Tiên trả lời có “văn hóa sành sỏi” nên người phỏng vấn nghi ngờ em có trình độ cao hơn cấp ba, thế nhưng Tiên chỉ cười mỉm nói “Không ạ!”. Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng không thích tuyển cử nhân vào làm công nhân bởi tâm lý e ngại họ chỉ làm tạm thời và sẽ bỏ việc bất cứ lúc nào khi tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành học. Hơn nữa, cử nhân có trình độ nhận thức tốt hơn sẽ đòi hỏi quyền lợi và “khó bảo” hơn so với lao động phổ thông.
Tiên nói trong nỗi tủi hờn: “Ngày mình được phân công xuống xưởng, bất ngờ gặp lại cô bạn ngày xưa nghỉ học năm lớp 8 rồi đi làm công nhân. Không ngờ giờ bạn ấy làm trưởng bộ phận nơi mình làm với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. “Mày học đại học sao giờ làm công nhân?” – bạn ấy hỏi mình khi chỉ dẫn công việc khiến mình ngấn nước mắt. Tối đó về nhà mình đã khóc như chưa bao giờ được khóc”.
Minh và Tiên chỉ là hai trong nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi phải xin làm đủ nghề hoặc thất nghiệp ngồi đợi ở nhà. Câu hỏi đặt ra: Tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc là do không có kỹ năng, nhà trường đào tạo chưa thực tế hay nhà tuyển dụng đòi hỏi quá cao hoặc dè chừng vì các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm? Đã đến lúc học sinh tốt nghiệp THPT cần có sự lựa chọn sáng suốt giữa việc học tiếp lên đại học hay chọn cho mình một trường dạy nghề phù hợp với khả năng. Nếu mãi chạy theo xu thế đại học thì hiện tượng “giấu” bằng cử nhân xin làm công nhân sẽ còn tiếp diễn. Ngoài ra, vấn đề này, buộc các sinh viên ra trường phải linh hoạt hơn trong tìm kiếm việc làm để nuôi sống mình. Như Tiên, ban đầu đi xin công việc phổ thông cũng gặp áp lực tâm lý. Còn giờ, Tiên thoải mái, bởi ít nhất thấy bản thân không... thất nghiệp. Cô gái trẻ hài hước: “Mình làm việc và có thể tự nuôi bản thân, dành dụm được chút ít nên có lẽ không nằm trong con số hàng vạn cử nhân ra trường thất nghiệp”.
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 215.000 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp - một con số đáng báo động. Bên cạnh đó, nhóm có trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp chỉ bằng 15% con số đại học trở lên. Số liệu trên cho thấy, khả năng tìm kiếm việc của nhóm có trình độ sơ cấp nghề là cao hơn.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam là trường công lập, thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được thành lập trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề Thủ công Việt Nam (ngày 15/8/2004) lên trường Trung cấp nghề Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam, tiếp đến là trường Cao đẳng Kỹ thuật - Mỹ nghệ Việt Nam. Cho đến nay, với hệ thống cơ sở vật chất ko ngừng được đổi mới, hoàn thiện qua các năm, chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ giáo viên được nâng cao, với chức năng nhiệm vụ đào tạo ở 03 cấp trình độ: Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp cho khu vực kinh tế tập thể và nhu cầu của xã hội. Trường đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chọn là trường Trọng điểm cấp quốc gia về đào tạo các ngành Kỹ thuật và cấp quốc tế khu vực ASEAN về đào tạo các ngành Mỹ nghệ. Tổng số cán bộ, viên chức nhà trường hiện nay là 78 người. Nhà trường có 06 khoa: Kinh tế và phát triển HTX, Công nghệ thông tin, Mỹ nghệ, Cơ điện, Cơ bản - Sư phạm dạy nghề, May thời trang. Nhà trường tuyển sinh cao đẳng, cao đẳng 9+ liên tục trong năm. Hiện tổng số sinh viên 3 khoá hơn 2.000 sinh viên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%, trong đó các ngành cơ điện, ngành may có việc làm là 100%, với mức lương trung bình từ 10- 12triệu đồng/tháng.
Nguồn baothanhhoa.vn